(Báo Quảng Ngãi)- Sinh ra và lớn lên ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng – xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh), đồng chí Trương Quang Tuân sớm có tinh thần yêu nước và tham gia hoạt động cách mạng từ lúc còn rất trẻ. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trương Quang Tuân đã góp phần vào công cuộc đấu tranh giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.
Dưới sự dạy bảo của người cha là cụ Trương Quang Cận – một trong 4 người xây dựng mô hình Công xã (cộng sản lạc thôn) đầu tiên ở Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ XX, đồng chí Trương Quang Tuân đã sớm có tinh thần yêu nước và tham gia hoạt động cách mạng từ lúc còn rất trẻ. Năm 17 tuổi, khi đang học ở Trường Quốc học Huế, đồng chí đã được tiếp xúc với các nhà cách mạng tiền bối nên quyết tâm đi theo cách mạng và trở thành một trong những thanh niên sôi nổi, nhiệt huyết, tích cực tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước của học sinh, sinh viên tại Huế. Trong thời gian hoạt động cách mạng này, đồng chí đã bị thực dân Pháp theo dõi, phát hiện và yêu cầu nhà trường đuổi học.
Năm 1942, đồng chí Trương Quang Tuân trở về quê hương Tịnh Trà và tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Tại đây, đồng chí gia nhập và phụ trách phong trào Việt Minh, tham gia phong trào kháng Nhật cứu nước. Năm 1943, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến tháng 5/1945, đồng chí tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở thôn Trà Bình, xã Tịnh Trà tạo được tiếng vang lớn.
Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Trương Quang Tuân được tổ chức và nhân dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Mặt trận Việt Minh huyện Sơn Tịnh, sau đó là Chủ tịch Mặt trận Việt Minh tỉnh Quảng Ngãi. Đến tháng 6/1946, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy. Đầu năm 1947, khi đồng chí Phạm Văn Đồng đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ về Quảng Ngãi trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng Nam Trung Bộ và phong trào cách mạng tỉnh Quảng Ngãi, đồng chí Trương Quang Tuân là thư ký riêng của đồng chí Phạm Văn Đồng.
Trong giai đoạn đồng chí Nguyễn Hồng Châu – Bí thư Tỉnh ủy được cử đi học, tháng 5/1947, đồng chí Trương Quang Tuân được cử giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Đồng chí đã cùng với Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh đạt nhiều thành tựu to lớn. Nhất là thời điểm này, lực lượng vũ trang địa phương phát triển lên đến hàng chục nghìn người. Qua đó chi viện sức người, sức của cho các chiến trường Bình Thuận, Đồng Nai, Kon Tum, Tây Nguyên, cực Nam Tổ quốc… Phong trào thi đua, tăng gia sản xuất, tự cấp, tự túc được phát động và thực hiện hiệu quả trong toàn tỉnh. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục phát triển sâu rộng. Với những thành tích đạt được, năm 1948, Quảng Ngãi là một trong 10 tỉnh của cả nước thanh toán xong nạn mù chữ; cán bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì nhân kỷ niệm 3 năm ngày Toàn quốc kháng chiến.
Với sự tín nhiệm cao của toàn Đảng bộ, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ III (vòng I, tổ chức vào tháng 2/1949), đồng chí Trương Quang Tuân tiếp tục được bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 9/1949, là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Liên khu 5, đồng chí được giao phụ trách Phòng Dân quân. Năm 1950, đồng chí được cử làm đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, tổ chức vào tháng 2/1951. Từ năm 1951, đồng chí được giao giữ chức vụ Bí thư Ban Cán sự Đảng tỉnh Gia – Kon, kiêm Chính ủy Trung đoàn 120.
Tháng 10/1951, do yêu cầu giải quyết dứt điểm vụ bạo loạn ở Sơn Hà, Liên khu ủy 5 quyết định thành lập “Mặt trận miền Tây” gồm 4 huyện miền Tây tỉnh Quảng Ngãi và địa phận tỉnh Kon Tum, đồng chí Trương Quang Tuân được cử làm Bí thư Ban Cán sự Đảng miền Tây. Thời điểm này, cùng với Ban lãnh đạo miền Tây, đồng chí đã chỉ đạo quân và dân đánh bại âm mưu chống phá của thực dân Pháp và tay sai ở các huyện miền Tây Quảng Ngãi. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xây dựng và phát triển lực lượng, đấu tranh chống phá âm mưu và hành động của địch; củng cố căn cứ địa Liên khu 5, đưa phong trào cách mạng tiến lên một bước mới.
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đồng chí Trương Quang Tuân được phân công ở lại hoạt động tại chiến trường Khu 5 và được giao giữ chức vụ Bí thư Liên Tỉnh ủy 04 gồm 3 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân 3 tỉnh chống chính quyền Mỹ – Diệm, đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ. Đồng chí cũng tổ chức chống địch tố Cộng, diệt Cộng, gìn giữ và từng bước khôi phục lực lượng cách mạng của ta đang trụ bám trong dân. Tháng 11/1958, đồng chí ra Việt Bắc dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II), nhưng trong quá trình trở về Khu 5, đồng chí lâm bệnh nặng và qua đời tại huyện Trà My (Quảng Nam) khi mới 36 tuổi (năm 1959) và được công nhận là liệt sĩ.
Có thể nói, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, dù ở bất cứ đâu, trên cương vị nào, trong hoàn cảnh nào, đồng chí Trương Quang Tuân cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó. Trong hoạt động, đồng chí đã cống hiến đến hơi thở cuối cùng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng của đất nước, quê hương. Qua đó góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.
SÔNG THƯƠNG