Một số nguyên nhân thường gặp có thể kể đến như: thiết bị điện quá tải, hở mạch gây chập điện, hút thuốc lá rồi vứt tàn bừa bãi, đèn cầy quên tắt, sơ suất trong lúc nấu ăn, các lỗi về van hay đường dẫn khí gas… Do đó, mỗi người cần tự trang bị những kỹ năng cần thiết để xử lý khi có cháy nhằm đảm bảo an toàn cho chính bản thân và người xung quanh.
5 ĐIỀU CẦN TRANG BỊ CHO BẢN THÂN
1. Biết lối thoát hiểm: Luôn tạo thói quen kiểm tra vị trí thoát hiểm (Exit) khi vào bất cứ nơi nào: tòa nhà nơi mình làm việc, nơi đến thăm chơi, hội họp, tham gia sự kiện, trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim, trường học… Ví dụ, phụ huynh khi dẫn con đi siêu thị, rạp phim, khu vui chơi trong nhà, nên tạo thói quen dẫn con đi một vòng tìm vị trí thoát hiểm, vị trí bình chữa cháy mini, tình trạng thang bộ thoát hiểm, vị trí nơi tập trung… trước khi tiến hành vui chơi, mua sắm… Điều này giúp tạo thói quen cho bản thân và cho trẻ để khi các con lớn lên cũng học được thói quen này từ cha mẹ. Bởi đây là yếu tố đầu tiên cần phải biết khi không may có bất kỳ sự cố nào xảy ra.
Ngoài ra, nên vẽ sơ đồ thoát hiểm của căn nhà đang ở, luôn tìm ra được ít nhất 2 lối thoát và đảm bảo toàn bộ thành viên gia đình tham gia quá trình này cũng như thống nhất vị trí tập trung an toàn phù hợp từng tình huống. Nên diễn tập với các thành viên gia đình vài lần cách thoát hiểm theo sơ đồ này để điều chỉnh phù hợp.
2. Kiến thức về phòng cháy chữa cháy: Cả nhà hoặc ít nhất một thành viên trong gia đình cần tham gia một khóa “Phòng cháy chữa cháy” từ các đơn vị chuyên môn tổ chức định kỳ.
3. Kỹ năng sơ cấp cứu: Cả nhà hoặc ít nhất một thành viên lớn trong nhà phải học qua một khóa “Kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản” để biết cách xử lý khi xảy ra những vấn đề liên quan đến sức khỏe, tai nạn…
4. Kiểm tra và dọn dẹp: Thường xuyên kiểm tra tình trạng điện, thiết bị điện trong gia đình, thiết bị báo cháy – báo khói (nếu có). Định kỳ dọn dẹp loại bỏ các vật liệu dễ cháy trong nhà, đặc biệt khu bếp, phòng khách và phòng ngủ. Hãy đảm bảo cửa thoát hiểm có chức năng đóng mở tự động: luôn mở được khi cần, và tự động đóng khi có người mở ra. Đảm bảo cửa thoát hiểm không ở trong tình trạng luôn mở do có vật cản, và không biến lối thoát hiểm thành nơi chứa vật dụng. Khi ra khỏi nhà, luôn kiểm tra và bảo đảm đã khóa gas, tắt bếp và các thiết bị nấu nướng.
5. Các vật dụng hỗ trợ phòng cháy chữa cháy: Có thể trang bị trong nhà máy cảm biến báo cháy – báo khói, các vật dụng hỗ trợ dập lửa và thoát nạn như bình chữa cháy mini, mền chống cháy, dây thừng to có móc chuyên dụng, búa thoát hiểm…
5 ĐIỀU CẦN LÀM KHI CÓ HỎA HOẠN
1. Nếu là người phát hiện đám cháy, tri hô vị trí cháy cụ thể để giúp mọi người xung quanh có thể nhanh chóng đưa ra quyết định phù hợp nhất trong tình huống đó. Đồng thời, nhấn chuông báo động của hệ thống báo cháy trong tòa nhà và gọi ngay tới số điện thoại 114.
2. Khi đám cháy bắt đầu lớn, sau 2 phút, khí độc bắt đầu lan tỏa và ảnh hưởng đến hô hấp. Cần cố gắng bình tĩnh để xử lý đám cháy bằng bình chữa cháy mini nếu đám cháy còn nhỏ. Nếu đám cháy từ các tầng khác đã bùng lớn, cần dựa trên dữ kiện thực trạng đám cháy để đưa ra quyết định phù hợp nhất. Nguyên tắc chung là đi xuống đất vì khí độc nhẹ bay lên, nhưng có những trường hợp cầu thang đầy khí độc xông lên thì cần đi lên tầng cao hơn. Tuyệt đối không sử dụng thang máy.
3. Không lo tìm giấy tờ, tài sản để mang theo, mà cần ưu tiên việc thoát hiểm theo quyết định đưa ra trước đó. Lưu ý, tùy theo diễn tiến đám cháy mà liên tục đưa ra các quyết định phù hợp diễn tiến. Hãy nhớ rằng khói rất nguy hiểm, bạn cần cúi thấp người hơn làn khói và bò ra ngoài. Nếu có đủ thời gian, hãy tìm khăn hoặc vải, thấm nước để che miệng, mũi nhằm hạn chế khí độc đi vào đường hô hấp.
4. Dùng mu bàn tay kiểm tra cửa chính, nếu thấy cửa nóng thì tuyệt đối không mở cửa. Cửa nóng nghĩa là lửa đang cháy ngay bên ngoài, nếu mở, lửa sẽ ập vào. Lúc này cần tìm lối thoát hiểm phụ như ban công, cửa sổ… Nếu không tìm được lối thoát nào, hãy cố thủ trong phòng, dùng áo quần, khăn, mền nhúng nước chèn lấp kín các kẽ hở để ngăn khói bay vào. Nếu bị bén lửa, nằm ngay xuống đất và lăn qua lăn lại.
5. Hợp tác với lực lượng cứu hộ. Hãy bình tĩnh và làm theo chỉ dẫn của đội cứu hộ, lực lượng cảnh sát. Điều này đặc biệt quan trọng, đừng để sự hoảng loạn ngăn chặn cơ hội an toàn của mình trong những tình huống vô cùng cấp bách.