(MPI) – Ngày 15/10/2024, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Lễ ký kết hợp đồng khung cho vay gián tiếp Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông.
Lễ ký kết Hợp đồng khung cho vay gián tiếp giữa SMEDF và OCB. Ảnh: MPI |
Căn cứ Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị định số 45/2024/NĐ-CP ngày 26/4/2024 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã thống nhất nội dung hợp tác tại Dự thảo Hợp đồng khung cho vay gián tiếp.
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Xuân Kiên, Chủ tịch Hội đồng thành viên SMEDF , Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp của cả nước. Điều đó cho thấy vai trò và tầm quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với kinh tế – xã hội của nước ta.
Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua nhiều chính sách trong đó có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 của Chính phủ.
Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị được giao thực thi chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong các lĩnh vực như khởi nghiệp sáng tạo; cụm liên kết ngành; chuỗi giá trị.
Mục tiêu của Quỹ là ngày càng đẩy mạnh hơn nữa sự hỗ trợ tăng cường năng lực, giải ngân cho vay nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện các phương án, dự án sản xuất kinh doanh, để doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ngày càng lớn mạnh, tăng năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều hơn nữa cho kinh tế – xã hội của đất nước.
Để thực hiện được mục tiêu đó, một trong những giải pháp hữu hiệu là tăng cường, mở rộng hợp tác với các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng thương mại có uy tín hàng đầu Việt Nam với ba tiêu chí “ Tốc độ tăng trưởng, An toàn và Hiệu quả ” như OCB. Làm sao để đưa được chính sách vào cuộc sống để thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng cường năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Ông Chử An Trung, Giám đốc SME vùng miền Bắc, OCB cảm ơn Lãnh đạo Bộ cùng Ban Lãnh đạo Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tin tưởng và lựa chọn OCB để triển khai hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua Chương trình cho vay gián tiếp.
Trong thời gian qua, dù sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu nhưng các ngân hàng, trong đó có OCB đã rất nỗ lực, thực hiện nhiều giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Theo báo cáo tài chính, tăng trưởng tín dụng của OCB tính đến hết ngày 30/6 đạt 6,3%, mức cao hơn trung bình ngành.
Toàn cảnh Lễ ký. Ảnh: MPI |
Với việc từng bước chuyển dịch cơ cấu khách hàng, cải thiện năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh tốc độ phục vụ khách hàng, phát triển phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), đưa ra nhiều chương trình, giải pháp tài chính thiết thực, ưu đãi lãi suất, đồng hành cùng quá trình phát triển, sản xuất kinh doanh, tín dụng dành cho nhóm khách hàng SME của ngân hàng tăng gần 18%.
Nhằm cung cấp thêm cho các doanh nghiệp một kênh vay vốn để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, OCB và Quỹ SMEDF sẽ cùng hợp tác để cung cấp các giải pháp để hỗ trợ tài chính giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn, từng bước phát triển bền vững.
Để có cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua hoạt động cho vay gián tiếp, hai bên đã tham dự Lễ ký kết Hợp đồng khung cho vay gián tiếp giữa SMEDF và OCB.
Quan hệ hợp tác giữa OCB và SMEDF thông qua việc ký kết Hợp đồng khung cho vay gián tiếp này sẽ là một bước tiến mới cho Ngân hàng trong vai trò đồng hành và sát cánh cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành và doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam tiếp cận nguồn vốn ưu đãi hàng đầu thị trường. Việc hợp tác cùng với Quỹ cũng là để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang còn yếu và thiếu vốn. Qua đó, góp phần tác động thay đổi khẩu vị rủi ro của các tổ chức tín dụng: chuyển từ việc đề cao tiêu chí tài sản bảo đảm sang việc chú trọng đánh giá năng lực nội tại của doanh nghiệp./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-10-15/Le-ky-ket-hop-dong-khung-cho-vay-gian-tiep-Quy-Phakda8nl.aspx