(LĐXH) – Ma túy đang len lỏi vào cuộc sống, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân và xã hội.
Để ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn này, không chỉ cần sự nỗ lực của các cơ quan chức năng mà còn đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng.
Kiểm soát nguồn cung; quản lý chặt chẽ các dịch vụ nhạy cảm
Việc kiểm soát nguồn cung và quản lý chặt chẽ các dịch vụ nhạy cảm đóng vai trò then chốt trong phòng ngừa ma túy trong giới trẻ.
Theo Trung tướng Nguyễn Văn Viện, trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy toàn quốc đã phối hợp các lực lượng chức năng đấu tranh, khám phá thành công 14.461 vụ, bắt giữ hơn 23.000 đối tượng, thu giữ trên 196kg heroin, hơn 2,34 tấn và 1,47 triệu viên ma túy tổng hợp, 882kg cần sa.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp trên tất cả các tuyến trọng điểm: Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc miền Trung – Tây Nguyên, Tây Nam, tuyến đường biển, đường hàng không và bưu điện.
Đặc biệt, tội phạm ma túy lợi dụng công nghệ và không gian mạng thực hiện hoạt động phạm tội diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, phương thức thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Chính vì vậy, việc ngăn chặn nguồn cung ma túy là vô cùng khó khăn, phức tạp.
Trong khi đó, các loại hình dịch vụ giải trí nhạy cảm như quán bar, vũ trường, karaoke đã và đang trở thành nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan đến ma túy, đặc biệt là với nhóm thanh thiếu niên và người trẻ tuổi. Nhiều địa điểm trong số này không chỉ thiếu sự kiểm soát về pháp luật mà còn trở thành môi trường lý tưởng cho việc mua bán, sử dụng và phát tán ma túy.
Do vậy, để giảm thiểu tình trạng nghiện ma túy trong giới trẻ, các cơ quan chức năng ở các địa phương cần thường xuyên kiểm tra, rà soát, phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng trái phép chất ma túy trong các quán bar, karaoke, vũ trường, các điểm, tụ điểm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại khu vực trường học;
Kịp thời phát hiện các hành vi mua bán các loại ma túy, nhất là ma túy “núp bóng” (thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thuốc lá thế hệ mới, shisha… có chứa chất ma túy) xung quanh trường học, trên không gian mạng.
Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, việc sử dụng các thiết bị giám sát như camera an ninh, máy quét phát hiện ma túy, hoặc các hệ thống giám sát công nghệ cao tại các địa điểm nhạy cảm có thể giúp phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi sử dụng và mua bán ma túy.
Các cơ sở kinh doanh cũng cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an để báo cáo nhanh chóng những tình huống nghi ngờ liên quan.
Tuyên truyền và giáo dục sớm về tác hại của ma túy
Theo chuyên gia giáo dục, TS Nguyễn Văn Hòa, giáo dục từ sớm về tác hại của ma túy có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phòng ngừa tệ nạn này. Khi được trang bị kiến thức ngay từ nhỏ, học sinh và thanh thiếu niên sẽ hiểu rõ hơn về các nguy cơ tiềm ẩn, có ý thức tự bảo vệ bản thân trước những cám dỗ từ bên ngoài.
Việc giáo dục không chỉ thông qua các bài giảng lý thuyết mà cần lồng ghép các hoạt động thực tế, các tình huống giả định trong trường học nhằm trang bị cho các em kiến thức không chỉ về tác hại của ma túy mà còn về cách từ chối và đối phó hiệu quả.
Tại Quyết định số 140/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên đến năm 2030 cũng đã đề ra nhóm giải pháp “Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên”.
Trong đó tập trung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật về phòng, chống ma túy, cảnh báo trực diện cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên và phụ huynh về hậu quả, tác hại, hiểm họa của ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, chất hướng thần, các loại ma túy “núp bóng”, pha trộn, tẩm ướp vào thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới, shisha…;
Phương thức, thủ đoạn lôi kéo thanh, thiếu niên tham gia vào hoạt động phạm tội và tệ nạn ma túy; Cách thức nhận biết, kỹ năng phòng ngừa, chủ động tham gia tố giác và cung cấp thông tin về tội phạm, tệ nạn ma túy cho cơ quan chức năng.
Đây được xem là giải pháp căn cơ nhằm xây dựng và hình thành kỹ năng phòng, tránh tệ nạn ma túy cho học sinh, sinh viên.
Thực hiện Quyết định số 140/QĐ-TTg, đầu năm 2024, Bộ Công an và Bộ GD&ĐT đã ký kết Chương trình phối hợp về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống ma túy trong cơ sở giáo dục giai đoạn 2024 – 2030.
Theo đó, ngành công an và giáo dục từ cấp bộ, tỉnh, huyện đến xã đã thường xuyên trao đổi thông tin, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục;
Tổ chức nhiều cuộc thi “Nhà trường không ma túy”, đưa nội dung giáo dục phòng chống ma túy vào chương trình giảng dạy dưới dạng lồng ghép, tích hợp trong các môn học có liên quan và các hoạt động ngoại khóa, hoạt động giáo dục ngoài giờ.
Cũng theo TS Nguyễn Văn Hòa, một nội dung rất quan trọng là các cơ sở giáo dục cần xây dựng lực lượng học sinh nòng cốt giúp nhà trường kịp thời nắm bắt những thông tin xấu trong bạn bè;
Xây dựng góc truyền thông về phòng chống ma túy, phân công mỗi chi đoàn, chi đội phụ trách cập nhật nội dung thông tin, trang trí bảng tin theo tuần hoặc theo tháng. Đặc biệt, học sinh, sinh viên cần được trang bị kỹ năng sống, như cách đối mặt với cám dỗ, kỹ năng từ chối trước những lời mời chào thử nghiệm ma túy, dù chỉ một lần.
Theo các chuyên gia, cùng với nhà trường, các bậc phụ huynh cũng cần trang bị kiến thức để có thể nhận diện các dấu hiệu sớm của việc sử dụng ma túy, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội một cách sáng tạo, hấp dẫn, dễ tiếp cận với giới trẻ, từ đó giúp nâng cao nhận thức về vấn đề này.
Theo bà Đàm Thị Minh Thu, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), một trong những giải pháp quan trọng để ngăn ngừa ma túy trong giới trẻ là cần nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và điều trị nghiện ma túy; quản lý chặt chẽ thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, hỗ trợ thanh, thiếu niên sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng. Theo đó, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và gia đình, lực lượng công an, Đoàn Thanh niên, y tế, LĐ-TB&XH và các đoàn thể ở cơ sở trong công tác quản lý, chủ động phát hiện sớm và can thiệp sớm thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy thông qua sàng lọc, kiểm tra đối với số thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên có nguy cơ cao tại các cơ sở giáo dục và trong cộng đồng. Bên cạnh đó, việc tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cần được chú trọng để giảm thiểu áp lực cho các cơ sở cai nghiện tập trung; triển khai rộng rãi các chương trình tư vấn, điều trị bằng Methadone và hỗ trợ tâm lý cho người nghiện nhằm ngăn ngừa nguy cơ tái nghiện. |
Thuỳ Hương
Báo Lao động và Xã hội số 131
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/xoa-doi-giam-ngheo/ky-ii-canh-bao-tre-hoa-nguoi-nghien-can-su-chung-tay-cua-cong-dong-20241031114319313.htm