Ngày 7-6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ năm, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn các thành viên Chính phủ về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc; khoa học-công nghệ (KHCN) và giao thông vận tải (GTVT).
Các đại biểu đặc biệt quan tâm tới tính ứng dụng của những đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH); các giải pháp dỡ bỏ rào cản hành chính trong quản lý hoạt động NCKH.
Thu hút đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Mở đầu ngày làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) liên quan tới chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển, giải quyết việc làm tại chỗ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.
Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho rằng, hiện chúng ta có 25 tỉnh biên giới. Mặc dù Đảng, Nhà nước ta thời gian qua đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng đời sống kinh tế-xã hội của người dân tại các xã, huyện vùng biên giới vẫn còn nhiều khó khăn. Để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân tại những vùng này, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho rằng cần nhiều chính sách phù hợp hơn để hỗ trợ phát triển vùng đồng bào biên giới, đặc biệt là đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng.
Trong đó, hệ thống chính sách thu hút đầu tư vào vùng đồng bào DTTS phải bao gồm chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của địa phương. Bộ trưởng mong muốn các địa phương bám sát chủ trương của Trung ương để có những chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào vùng này, tạo ra việc làm, tạo ra thu nhập và giải quyết vấn đề lao động tại vùng đồng bào DTTS…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp ngày 7-6 của Quốc hội. Ảnh: TUẤN HUY |
Kết luận nội dung chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, với đặc thù là một quốc gia có nhiều dân tộc cùng sinh sống, Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định và nhất quán về chính sách dân tộc theo nguyên tắc các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển; vấn đề dân tộc và công tác dân tộc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị.
Tính đặc thù của công tác nghiên cứu khoa học là rủi ro
Có chấp nhận rủi ro trong NCKH hay không cũng là câu hỏi nổi bật trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt. Cụ thể, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; một trong những yếu tố then chốt để thực hiện chiến lược này là cần có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học.
Đồng tình với chiến lược trên, song các nhà nghiên cứu, nhà khoa học mong muốn Chính phủ có cơ chế đặc thù chấp nhận rủi ro, thất bại trong NCKH, dỡ bỏ những rào cản hành chính trong quản lý hoạt động NCKH. Xin hỏi Bộ trưởng có giải pháp gì cho vấn đề này?
Trước câu hỏi này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Đây là vấn đề được nhiều cử tri và đại biểu quan tâm. Quan điểm có chấp nhận rủi ro khi NCKH hay không, có hành chính hóa các hoạt động nghiên cứu hay không, Bộ trưởng sẽ góp phần làm sáng tỏ nội dung này.
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhắc lại quan điểm, nhiệm vụ NCKH, công nghệ là một hoạt động xã hội đặc biệt, tìm kiếm những vấn đề mới; có thể thành công, có thể thất bại; thành công đến sớm hoặc đến chậm; tính đặc thù của công tác NCKH là rủi ro và độ trễ.
Trước những băn khoăn của những người làm công tác NCKH, thời gian qua, Bộ KHCN đã sửa hàng loạt thông tư quy định về quản lý các công trình, nhiệm vụ NCKH công nghệ để bảo đảm cho các thông tư có tính liên thông, đồng bộ. Trong đó, quy định về tuyển chọn, xét chọn nhiệm vụ KHCN đã được sửa đổi theo hướng bãi bỏ các quy định mà các nhà khoa học là chủ nhiệm có nhiệm vụ nghiệm thu không đạt thì không được tiếp tục tham gia nhiệm vụ KHCN trong hai năm tiếp…
Quang cảnh phiên họp ngày 7-6 của Quốc hội. Ảnh: TUẤN HUY |
Phát biểu kết thúc phần trả lời chất vấn thuộc nhóm vấn đề KHCN, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, để thúc đẩy phát triển thị trường KHCN, đẩy nhanh việc chuyển giao và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, cần tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và đồng bộ hóa các quy định của pháp luật, chính sách của Nhà nước về phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ những rào cản về hệ thống pháp luật, chính sách kinh tế, tài chính, đầu tư, thủ tục hành chính… theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường, thông lệ quốc tế, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro, mạo hiểm và độ trễ trong hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo, dỡ bỏ những rào cản duy ý chí và hành chính hóa hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo.
Trên cơ sở kiến nghị của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội mong rằng hằng năm, Quốc hội xem xét, quan tâm đến việc bố trí kinh phí cho KHCN. “Chúng ta không tiếc chi phí này, miễn làm sao chi cho đúng mục tiêu và mang lại hiệu quả, đóng góp thực sự cho việc nâng cao năng suất lao động, hiệu quả của nền kinh tế”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
Sớm đưa hoạt động đăng kiểm trở lại bình thường
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn ĐBQH về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực GTVT. Liên quan đến nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, ngân sách Trung ương một năm mà Bộ GTVT được giao chỉ đáp ứng khoảng 66% nhu cầu.
Trong bối cảnh nguồn ngân sách Trung ương có hạn, nếu địa phương bố trí được nguồn vốn để cùng với Trung ương thực hiện việc đầu tư nâng cấp đối với các tuyến quốc lộ là rất cần thiết. Nhiều địa phương cũng đề nghị vấn đề này. Bộ GTVT đã tham mưu, phối hợp với các bộ, ngành xin ý kiến Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sau đó sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội để cho phép thực hiện thí điểm cơ chế địa phương tham gia cùng với nguồn ngân sách Trung ương trong triển khai các dự án xây dựng quốc lộ, đường cao tốc.
Liên quan đến việc khắc phục ùn tắc ở các trung tâm đăng kiểm, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, nguồn nhân lực phục vụ công tác đăng kiểm thời gian tới sẽ đầy đủ. Trong thời gian đến hết tháng 6-2023 hoặc đầu tháng 7-2023, các trung tâm đăng kiểm sẽ hoạt động trở lại bình thường. Vừa qua, Bộ GTVT triển khai cùng lúc hai việc, trước hết là phục hồi lại hoạt động của các trung tâm đăng kiểm, cùng với đó là rà soát lại toàn bộ hoạt động đăng kiểm để hiện đại, thông thoáng và bảo đảm chặt chẽ.
Ngày 8-6, Quốc hội tiếp tục chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ GTVT và tiến hành nhiều nội dung khác.
MẠNH HƯNG – VŨ DUNG