Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã diễn ra thành công sau hơn 22 ngày làm việc, với việc xem xét, quyết sách hàng loạt vấn đề hệ trọng trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao và quyết định vấn đề quan trọng của đất nước.
Đặt chất lượng dự án luật lên hàng đầu
Về công tác lập pháp, Quốc hội đã thông qua 7 luật, 9 nghị quyết, cho ý kiến lần 3 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần 2 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác. Đáng chú ý, lần đầu tiên tại một kỳ họp, Quốc hội quyết định điều chưa thông qua tới 2 dự án luật để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện.
Với Luật Đất đai (sửa đổi), sau khi thảo luận hội trường (lần 3), trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho rằng dự thảo luật vẫn còn một số nội dung, chính sách lớn cần tiếp tục nghiên cứu để thiết kế phương án chính sách tối ưu; việc rà soát, hoàn thiện toàn diện cần thêm thời gian để bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật.
Do đây là dự án luật có tính chất đặc biệt quan trọng, tác động rất lớn đến các hoạt động kinh tế – xã hội và đời sống của người dân, nên sau khi thống nhất với Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho phép điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ kỳ họp thứ 6 sang kỳ họp gần nhất của Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ lưỡng và hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.
Tương tự, với dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), sau khi thảo luận, Quốc hội đồng tình với đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng đây là dự án luật rất khó, phức tạp, có tính chất nhạy cảm, liên quan đến an ninh tài chính quốc gia, an ninh an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động kinh tế – xã hội.
Điều đó đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, trên cơ sở khoa học và thực tiễn để tránh trường hợp luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động. Do đó, Quốc hội cũng quyết định chưa thông qua dự thảo luật này tại kỳ họp thứ 6.
Dẫu biết hai dự án luật trên cần sớm được ban hành để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trên thực tiễn, song như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần nhấn mạnh, “chuẩn bị kỹ lưỡng, đủ rõ mới quyết, cấp bách nhưng không nóng vội” và “ưu tiên đặt chất lượng dự án luật lên hàng đầu”.
Giám sát tối cao tiếp tục để lại nhiều dấu ấn
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội khóa XV xác định đổi mới hoạt động giám sát là trọng tâm, then chốt nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội nói chung, vì liên quan trực tiếp, tác động tích cực đến công tác lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Kỳ họp thứ 6 tiếp tục thể hiện rõ tinh thần đó.
Trước hết, không thể không nhắc đến phiên chất vấn và trả lời chất được đánh giá là “đổi mới”, “đặc biệt”, thậm chí “chưa có tiền lệ” khi xét về phạm vi chất vấn, cách thức tiến hành, với tính chất nhìn lại hơn nửa nhiệm kỳ.
Quốc hội lần đầu tiên không chất vấn theo nhóm vấn đề mà chất vấn về việc thực hiện 10 Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn, gồm 4 lĩnh vực: Kinh tế tổng hợp – vĩ mô; Kinh tế ngành; Văn hóa, xã hội; Tư pháp, Nội chính, Kiểm toán Nhà nước.
Điều đó đồng nghĩa với việc Quốc hội tiến hành chất vấn việc thực hiện các lời hứa, cam kết và tất cả “tư lệnh ngành” đều có thể phải “ngồi ghế nóng”, trước sự theo dõi của cử tri và Nhân dân qua sóng phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Sau 2,5 ngày, có 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn; 152 lượt đại biểu Quốc hội thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 39 lượt đại biểu tranh luận. Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng, tất cả các Phó Thủ tướng và 21 vị Bộ trưởng, Trưởng ngành trực tiếp trả lời chất vấn. Trong đó có cả những người đảm nhận vị trí chưa lâu như Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh cũng đăng đàn.
Một hoạt động khác thu hút sự quan tâm đặc biệt không chỉ của các đại biểu Quốc hội mà của đông đảo cử tri, Nhân dân và dư luận xã hội chính là việc Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 44 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (có 5 chức danh mới được Quốc hội bầu, phê chuẩn trong năm 2023 nên chưa được lấy phiếu lần này). Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng ngay sau khi được công bố.
Đây là lần lấy phiếu tín nhiệm thứ 4 của Quốc hội, song là lần đầu tiên thực hiện theo Nghị quyết số 96/2023/QH15 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, ngày 23/6/2023, với nhiều tiêu chí đánh giá được cụ thể hóa, từ kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao đến phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống,…
Quốc hội cũng đã tiến hành giám sát và thông qua Nghị quyết về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.
Có thể nói, chuyên đề trên một lần nữa cho thấy nội dung giám sát không phải chỉ theo kiểu “hậu kiểm” mà còn là những vấn đề đang trong quá trình điều hành, tổ chức thực hiện, cùng với Chính phủ nhận diện những bất cập khi triển khai để có giải pháp tạo chuyển biến tốt hơn.
Cụ thể, Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn, bởi thời gian thực hiện các chương trình chỉ còn 2 năm. Đáng chú ý là cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách Nhà nước…
Quyết sách góp phần “khoan thư sức dân”
Ngay khi Kỳ họp thứ 6 đang diễn ra, Quốc hội quyết định điều chỉnh và bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 hai dự thảo nghị quyết để xem xét theo quy trình tại một kỳ họp. Quốc hội làm việc thêm nửa ngày và bế mạc vào sáng 29 thay vì chiều 28/11 như dự kiến.
Cụ thể là Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (quyết nghị trong Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV).
Quốc hội xem xét quyết định việc tiếp tục thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) nhằm kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, là “khoan thư sức dân”. Người dân là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, vì giảm thuế GTGT sẽ tác động tích cực tới giá dịch vụ, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng được hưởng lợi khi chính sách được ban hành, bởi giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng hoạt động.
Việc giảm thuế này dự kiến áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024, song điều đặc biệt là Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể xem xét, quyết định việc tiếp tục giảm thuế GTGT sau thời điểm 30/6/2024 nếu tình hình kinh tế và doanh nghiệp, người dân vẫn còn khó khăn.
Một nội dung quan trọng khác được Quốc hội thông qua chính là Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, với tinh thần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay.
Về bản chất là Quốc hội cho phép được làm khác với luật trong thời hạn nhất định đối với các dự án, công trình đường bộ đã được chỉ định tại phụ lục kèm theo dự thảo nghị quyết. Cụ thể, các dự án trình lần này đều đã được xác định trong đầu tư công trung hạn, đã chuẩn bị thủ tục đầu tư, đã bố trí nguồn vốn nhưng có vướng mắc. Do đó, việc Quốc hội thông qua cơ chế, chính sách đặc thù sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ.
Quốc hội đổi mới, linh hoạt, đồng hành, kiến tạo, sẵn sàng quyết đáp yêu cầu thực tiễn và sự phát triển của đất nước – đó chính là dấu ấn Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Ngọc Thành(VOV.VN)