19:18, 06/06/2023
Chiều 6/6, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đinh Huệ, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh – xã hội và chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực dân tộc.
Chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc, các đại biểu tập trung vào các nội dung: Trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và công tác phối hợp với các bộ, ngành trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025; phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện KT-XH khó khăn và đặc biệt khó khăn. Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Việc giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát, chặt phá rừng.
Trả lời chất vấn của các đại biểu về khó khăn, vướng mắc trong phân định vùng đồng bào DTTS, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, việc phân định này được thực hiện qua 2 giai đoạn, giai đoạn 1 thực hiện theo Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị, lúc đó thực hiện phân định theo miền núi, vùng cao. Giai đoạn 2, thực hiện phân định theo trình độ phát triển, xác định các thôn, xã đặc biệt khó khăn để làm địa bàn đầu tư tập trung trọng tâm, trọng điểm.
Trong quá trình phân định thuộc 2 giai đoạn này, Ủy ban Dân tộc được giao chủ trì, tham mưu Chính phủ xác định các tiêu chí. Từ 1996 đến nay, các chính sách đầu tư vùng đồng bào DTTS được xây dựng trên tinh thần đầu tư ở vùng đặc biệt khó khăn nhất theo tiêu chí phân định 3 khu vực theo trình độ phát triển.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đinh Huệ điều hành phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn |
Gần đây nhất, Nghị quyết 120 của Quốc hội đã giao Chính phủ quy định tiêu chí cụ thể để xác định địa bàn trọng tâm, trọng điểm, trên tinh thần đó, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ ban hành Quyết định số 33 để xác định tiêu chí phân định theo 3 khu vực theo trình độ phát triển. Trên cơ sở tiêu chí được ban hành, Ủy ban Dân tộc đã trình Chính phủ ban hành Quyết định số 861, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc được Thủ tướng ủy quyền ban hành Quyết định số 612 phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn.
Quá trình phân định dựa trên một số tiêu chí: những xã, thôn có 15% dân số trở lên là người DTTS thì xác định là xã, thôn vùng đồng bào DTTS; xã có tỷ lệ hộ nghèo 15% trở lên thì là xã nghèo. Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, với những xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 15% thì không còn là xã nghèo nữa, tuy nhiên trong thực tế cũng xuất hiện một số bất cập.
Về tác động của quyết định số 861, các xã không còn là vùng đặc biệt khó khăn nữa, không được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư của giai đoạn 2016 – 2020, đã có tác động, ảnh hưởng đến 12 chính sách. Chính phủ đã giao các bộ, ngành điều chỉnh, sửa đổi một số quy định, thông tư có liên quan đến vùng đồng bào DTTS, trong đó có chính sách bảo hiểm với người DTTS.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan đang sửa Nghị định 146, trong đó có bổ sung, đưa các đối tượng thuộc diện không ở các xã đặc biệt khó khăn, nhưng vẫn là hộ DTTS khó khăn vào diện tiếp tục thụ hưởng. Dự thảo đang được xin ý kiến các cơ quan liên quan để trình Chính phủ trong thời gian tới.
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu Quốc hội về 12 chính sách bị tác động ảnh hưởng sau Quyết định 861, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết 12 nhóm chính sách đều ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng là con người, mà không phải là địa bàn. Các chính sách trực tiếp hướng đến con người và các bộ, ngành đã được giao nhiệm vụ cụ thể sẽ điều chỉnh, sửa đổi phù hợp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: quochoi.vn |
Trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến Nghị định 05, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, Nghị định đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc và ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện.
Tuy nhiên qua rà soát và đánh giá nhận thấy nhiều chủ trương, chính sách khác có liên quan đến vùng đồng bào DTTS cần phải được cập nhật và bổ sung điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.
Ủy ban Dân tộc đã chủ động cùng với các địa phương về đánh giá việc thực hiện Nghị định 05 và đề xuất điều chỉnh, sửa đổi một số nội dung trên tinh thần là cập nhật, bổ sung nội dung có liên quan đến chính sách dân tộc trong Hiến pháp các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương để trình Chính phủ trong năm 2027.
Trả lời về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia gặp nhiều vướng mắc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chia sẻ với những trăn trở của tất cả các cấp, các ngành và các đại biểu bởi chương trình rộng lớn và nằm ở địa bàn khó khăn, phức tạp. Các dự án, các chính sách được tích hợp vào chương trình bao gồm cả chính sách của giai đoạn trước còn hiệu lực.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho hay trăn trở lớn nhất hiện nay là quá trình triển khai trên thực địa bởi có những dự án triển khai cụ thể đến tận thôn bản, từng hộ gia đình.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết về mặt thể chế về cơ bản các văn bản hướng dẫn đã ban hành đầy đủ, tuy nhiên không tránh khỏi trong thực tế có những vấn đề phát sinh, do đó Trung ương sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thế và hướng dẫn tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho địa phương. Đối với các địa phương, trong các văn bản hướng dẫn lần này sẽ tăng cường phân cấp tối đa tất cả mọi nguồn lực để cho địa phương quyết, tập trung lực lượng để triển khai.
Về vấn đề văn hóa, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, chủ trương về bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc là chủ trương lớn của Đảng, sau Đại hội Đảng XIII, hệ thống chính trị càng thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến vấn đề này. Ủy ban Dân tộc đã thường xuyên phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch để thực hiện công tác này.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk tham dự phiên chất vấn. Ảnh: quochoi.vn |
Đến thời điểm hiện nay, vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện để làm tốt hơn trong giai đoạn tới, đó là các vấn đề về chính sách hỗ trợ với nghệ nhân đồng bào DTTS để gìn giữ nét đẹp văn hóa; chính sách hỗ trợ để xây dựng thiết chế văn hóa phù hợp với phong tục tập quán; chế độ chính sách hỗ trợ hoạt động văn hóa của đồng bào… Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục nghiên cứu để thực hiện tốt các nhiệm vụ này.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về tình trạng di cư còn tái diễn, Bộ trưởng khẳng định, có nhiều nhóm cộng đồng dân cư có điều kiện sống rất tốt, được bố trí tái định cư sau thu hồi đất nhưng vẫn di cư, chủ yếu do tập quán và kinh tế.
Giải pháp hiện nay vẫn là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục bà con Nhân dân tại chỗ. Ngoài ra, khi xây dựng các dự án tái định cư khi thu hồi đất cần xây dựng các dự án tái định cư theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước là đầy đủ các điều kiện về dịch vụ cơ bản để người dân ổn định cuộc sống.
Chất vấn tại phiên làm việc, đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) băn khoăn việc triển khai dự án của các chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện theo đúng các dự án đã được tổng hợp trong báo cáo nghiên cứu khả thi.
Đại biểu cho biết, hiện nay, tỉnh Đắk Lắk cũng như các địa phương khác trong cả nước đang triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tuy nhiên, đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm nhận thấy, có rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải có ý kiến trả lời bằng văn bản của Ủy ban Dân tộc. Đại biểu cho biết, tỉnh đã có nhiều văn bản xin ý kiến từ tháng 11/2022 cho đến nay nhưng chưa được hướng dẫn.
Đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm đề nghị Bộ trưởng cho biết về triển khai dự án, có phải thực hiện theo đúng các dự án đã được tổng hợp trong báo cáo nghiên cứu khả thi hay không? Đồng thời việc tổ chức rà soát, xác định đối tượng, lựa chọn hình thức bố trí ổn định dân cư, tập trung xen ghép hoặc ổn định tại chỗ cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương có phải thẩm quyền của UBND tỉnh hay không?
Trả lời đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết đã nhận được văn bản của tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời làm rõ theo nguyên tắc của chương trình thì thẩm quyền điều chỉnh trong phạm vi nội bộ của một dự án, một địa bàn địa phương là của UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh. Trường hợp điều chuyển sang dự án khác, địa bàn khác phải có báo cáo và thống nhất với Trung ương để chiều chỉnh bởi liên quan đến mục tiêu của chương trình.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết đã phân công một tổ công tác gồm đại diện Bộ Kế hoạch – Đầu tư và Ủy ban Dân tộc vào làm việc với Đắk Lắk và đã giải đáp vấn đề này và đề nghị Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh để chỉ đạo các sở, ngành thống nhất để xử lý.
Lan Anh (tổng hợp)