14:57, 24/05/2023
Sáng 24/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe các báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan bám sát mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật để hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng: Rà soát, chỉnh lý phạm vi, đối tượng áp dụng luật, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa quy định của Luật Đấu thầu với các luật có liên quan; rà soát quy trình, giảm thời gian đấu thầu, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, đặc biệt là vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế thời gian qua; quy định rõ các hành vi bị cấm, các ưu đãi đối với doanh nghiệp trong nước, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu; luật hóa những nội dung đã được quy định ở văn bản dưới luật đã thực hiện ổn định; quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, bên mời thầu, bên dự thầu..
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn |
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu bày tỏ thống nhất và đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) toàn diện. Luật Đấu thầu là dự án luật khó ở cả trong quan điểm chính sách và cả kĩ thuật lập pháp. Bởi Luật vừa phải giải quyết vướng mắc phát sinh vừa phải tạo được điều kiện thuận lợi cho đấu thầu, vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Đâu là điểm cân bằng cho các yêu cầu này là điều rất khó. Quản lý chặt quá lại khiến mất tự chủ, lại gây khó khăn ách tắc, nếu lỏng quá lại không bảo đảm quản lý nhà nước.
Đại biểu cũng nêu rõ, dự thảo luật này đã nhận được nhiều sự quan tâm của đông đảo cử tri trong thời gian qua, đặc biệt là những người trong ngành y tế để khắc phục những vướng mắc trong việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế.
Đại biểu cho biết, nhiều sai phạm trong thời gian qua đều có liên quan đến giá gói thầu. Giá gói thầu là nội dung đặc biệt quan trọng trong xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu được quy định tại khoản 2 Điều 39. Hiện nay, việc xác định giá gói thầu được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 68 của Bộ Tài chính, đang tồn tại nhiều bất cập. Một trong các phương thức đang được sử dụng là “3 báo giá” có mâu thuẫn với quy định tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) và các tiêu chuẩn thẩm định giá. Trong dự thảo không có hướng dẫn về xác định giá gói thầu, đại biểu kiến nghị cần xây dựng nguyên tắc xác định giá gói thầu trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn |
Về các hành vi bị cấm, đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn các hành vi bị cấm như “thông thầu, dàn xếp, thỏa thuận”, “cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu”.
Đại biểu cho rằng, hiện nay hành vi gian lận trong đấu thầu rất phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó nhận biết do chưa có quy định cụ thể. Việc có quy định cụ thể về các hành vi bị cấm sẽ giúp công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu và việc thi hành pháp luật đấu thầu được thi hành công khai, chặt chẽ và minh bạch hơn.
Về đối tượng áp dụng, tại khoản 2, Điều 2 có 2 phương án quy định về hoạt động lựa chọn nhà thầu, đại biểu thống nhất với phương án 2 để đảm bảo tính khả thi, tính pháp lý, đồng thời tránh việc lạm dụng các cơ chế khác để né tránh các quy định của luật đấu thầu, bảo toàn các nguồn vốn đầu tư của nhà nước, giúp quá trình lựa chọn nhà thầu công khai, minh bạch.
Thống nhất quy định đối với các hình thức lựa chọn nhà thầu thì cần phải đấu thầu, tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, không phải lĩnh vực nào cũng đấu thầu và không phải mỗi lần đấu thầu đều mang lại hiệu quả thiết thực cho Nhà nước. Đại biểu nêu dẫn chứng, thời gian qua, có những trường hợp giá trị gói thầu cao nhưng khi bỏ thầu thì giá trị rất thấp. Trong những chiêu trò của một số chủ đầu tư thời gian qua muốn nhà thầu quen thân của mình trúng thầu thì đã có phương pháp cụ thể, cuối cùng nhà thầu thân quen sẽ trúng; do vậy cần xem xét lại, quy định cụ thể hơn.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn |
Về điều kiện xem xét được trúng thầu đối với nhà thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, đại biểu cho rằng cần làm rõ giá đề nghị trúng thầu bao gồm tất cả khoản chi phí về thuế của gói thầu, không xét đến giá hàng hóa của gói thầu. Vì thực tế có những gói thầu giá đề nghị trúng thầu không vượt qúa giá dự toán phê duyệt, nhưng có một số hàng hóa có giá cao hơn giá đã được phê duyệt. Tuy nhiên, hiện các cơ quan thanh tra, kiểm tra ngoài việc xác định giá trúng thầu đúng quy định, còn bóc tách giá của từng loại hàng hóa cấu thành trong gói thầu để so sánh với giá nhập khẩu, để xác định mức độ tăng giảm của từng hàng hóa, mức độ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, hiện chưa có quy định kiểm soát giá trần với nhà thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp. Đại biểu cho rằng, đây là một trong những bất cập thời gian qua, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ nội dung để có sự thống nhất…
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đã tham gia nhiều ý kiến để hoàn thiện dự án luật như: phạm vi, đối tượng áp dụng, các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, các trường hợp chỉ định thầu, quy trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, trách nhiệm của các bên tham gia hoạt động đấu thầu, giải quyết khiếu nại trong đấu thầu…
* Chiều nay, Quốc hội sẽ nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa – kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Lan Anh (tổng hợp)