Tiếp tục Kỳ họp thứ 5, chiều 8-6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 với tỷ lệ 91,3% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái trả lời chất vấn tại hội trường Quốc hội. Ảnh: QUOCHOI.VN |
* Năm 2024 sẽ giám sát tối cao 2 chuyên đề
Với 451/459 đại biểu đồng ý, Quốc hội đã thông qua nghị quyết Chương trình giám sát năm 2024 và quyết định sẽ giám sát tối cao 2 chuyên đề.
Chuyên đề 1: Việc thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
Cụ thể, dự án Sân bay Long Thành; dự án Đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025; dự án Đường Vành đai 4 – vùng thủ đô Hà Nội; dự án Đường Vành đai 3 – TP.HCM.
Các dự án đường bộ cao tốc: Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1.
Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
Đồng thời, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề, cụ thể:
Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
* 4 giải pháp cốt lõi để kiểm soát quyền lực
Trước đó, sáng 8-6, sau phần trả lời chất vấn của 4 “tư lệnh” ngành, lĩnh vực, Phó thủ tướng Lê Minh Khái thay mặt Chính phủ đã trả lời chất vấn nhiều vấn đề đại biểu nêu, liên quan đến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường này phát triển an toàn, lành mạnh; giải pháp cốt lõi để kiểm soát quyền lực; giải pháp tổng thể điều hành giá…
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 với tỷ lệ 91,30% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Ảnh: QUOCHOI.VN |
Tại diễn đàn Quốc hội, trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội về kiểm soát quyền lực trong phòng, chống tham nhũng, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, tổng kết 10 năm thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đã đưa ra 8 bài học kinh nghiệm quan trọng, trong đó có bài học: muốn phòng, chống tham nhũng hiệu quả cần kiểm soát được quyền lực.
Đây là việc có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, do quyền lực có xu hướng gây tha hóa khi không kiểm soát. Nhấn mạnh tham nhũng, tiêu cực là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, Phó thủ tướng cho rằng kiểm soát quyền lực là việc căn cơ trong phòng, chống tham nhũng, giúp loại bỏ, phát hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm sai phạm.
Phó thủ tướng phân tích, nguyên nhân sâu xa của tha hóa quyền lực là chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cá nhân dẫn đến suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Thực tiễn cho thấy phải kiểm soát quyền lực chặt chẽ tại các cơ quan thực hiện quyền lực nhà nước, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, cần thiết lập được cơ chế kiểm soát quyền lực với người có chức vụ, quyền hạn, phải nhốt quyền lực vào lồng cơ chế.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Phó thủ tướng cho rằng cần thực hiện tốt các nhiệm vụ:
Hoàn thiện cơ chế thực thi quyền lực nhà nước, xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan quyền lực nhà nước trong thực hiện quyền hành pháp, tư pháp, lập pháp.
Cần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, truy tố, điều tra, xét xử, những cơ quan thực thi pháp luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng.
Cần tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực thi công việc của người có chức vụ, quyền hạn, đảm bảo thực thi các cơ chế tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình. Những người có chức vụ, quyền hạn cần tự soi, tự sửa, tự rèn luyện.
Cần kết hợp chặt chẽ giữa các cơ chế kiểm soát, gồm cơ chế kiểm soát của Đảng, của Nhà nước, của Nhân dân, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức đoàn thể, của báo chí và đặc biệt là vai trò của Nhân dân trong tiếp cận thông tin, thực hiện quyền phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định.
Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tham gia ý kiến tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 8-6. Ảnh: QUOCHOI.VN |
Trước đó, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng GT-VT, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) tranh luận về một số dự án mà Bộ trưởng nêu ra chưa có thời gian, thời hạn và khẳng định cụ thể, nhất là đối với các dự án BOT. Do đó, đại biểu đề nghị với nhiều dự án, Bộ trưởng cần có cam kết hết sức cụ thể để người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư yên tâm.
Liên quan đến huy động nguồn lực cho giao thông, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, trong phát triển kết cấu đường giao thông không thể cái gì cũng dùng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trước thực trạng Luật PPP ban hành vừa qua, chúng ta phải chuyển dự án từ đầu tư PPP sang đầu tư công.
Đại biểu nhận thấy, giải pháp mà Bộ trưởng đã đưa ra như kêu gọi xúc tiến đầu tư chỉ là một phần, còn vấn đề liên quan đến thể chế chính sách, nhât là quy định về tỷ lệ vốn nhà nước trong Luật PPP, quy định của Luật Ngân sách, Luật Xây dựng, Luật Giao thông đường bộ liên quan đến chi ngân sách ở Trung ương và địa phương còn nhiều điểm vướng.
Do vậy, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị Bộ trưởng phải tổng kết, đánh giá và tham mưu cho Chính phủ, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xử lý vấn đề liên quan đến thể chế để khơi dậy nguồn lực, sự cần thiết cho phát triển giao thông trong thời gian tới.
Thanh Hải
.