19:40, 19/06/2023
Chiều 19/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường.
Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 với 473 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,75% tổng số đại biểu Quốc hội.
Tiếp đó, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi) và tiến hành biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi). Theo đó, với 92,91% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Giá (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn |
Sau phiên làm việc tại hội trường, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Qua thảo luận, các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Kinh doanh bất động sản. Dự thảo Luật phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Các tài liệu trong Hồ sơ dự án Luật về cơ bản được chuẩn bị công phu, bảo đảm yêu cầu theo quy định tại Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần phải bổ sung các quy định cụ thể về định giá các công trình bất động sản dở dang, giá chuyển nhượng và việc quy định các vấn đề liên quan tới chuyển nhượng.
Theo đại biểu, nếu không xác định rõ cơ chế chuyển nhượng theo giá nào, cạnh tranh như thế nào sẽ rất khó cho các doanh nghiệp đang có những dự án bất động sản dở dang. Đại biểu cho rằng, nếu có quy định, cơ chế như vậy sẽ tháo gỡ được rất nhiều dự án.
Quan tâm đến nội dung liên quan đến các công trình hình thành trong tương lai quy định ở Chương III của dự thảo Luật, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần phải định nghĩa nội dung này cụ thể và rõ ràng hơn. Theo đại biểu, việc mua bán, chuyển giao tiền liên quan đến các công trình này trong thực tế đã xảy ra những tình huống tranh chấp như giao nhà trễ theo hợp đồng, giao nhà không đúng chất lượng cam kết, nhà không đảm bảo hạ tầng văn hóa, xã hội đúng như bản vẽ thiết kế quy hoạch…
Đại biểu thảo luận tại Tổ 2. Ảnh: quochoi.vn |
Đại biểu cho rằng, trong các trường hợp này luôn rơi vào tình huống là đơn vị chủ đầu tư sai. Có những trường hợp đã gây nên sự bức xúc cho người dân. Do vậy, dự thảo Luật cần phải quy định một cách chi tiết và cụ thể trách nhiệm của nhà đầu tư, chủ đầu tư, kể cả cơ quan quản lý nhà nước cấp phép xây dựng đối với các công trình này. Đại biểu nhấn mạnh, cần phải quan tâm nhiều đến việc bảo vệ người yếu thế, tức là phía người mua nhà.
Cũng góp ý về nội dung này, đại biểu cho biết, người kinh doanh bất động sản luôn muốn làm sao huy động vốn càng sớm càng tốt; trong khi nhà ở hình thành trong tương lai thì chưa được nghiệm thu. Do vậy, những nhà ở này không thể đem ra bán được. Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần phải có quy định doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cần phải công khai và chịu trách nhiệm về sự đầy đủ, trung thực và chuẩn xác của các thông tin về các dự án.
Về điều tiết thị trường bất động sản, đại biểu đề nghị, cần tiếp tục hoàn thiện quy định về điều tiết thị trường bất động sản trên cơ sở tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này. Theo đại biểu, các quy định về điều tiết thị trường bất động sản quy định tại Điều 86 dự thảo Luật còn chung chung, không có nội hàm chính sách cụ thể, chỉ là những nguyên tắc trong công tác quản lý nhà nước nói chung;…
Nhấn mạnh việc điều tiết thị trường bất động sản theo quy định tại dự thảo Luật và dự thảo Nghị định chỉ là những giải pháp can thiệp mang tính chất tình thế; đại biểu lưu ý, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu quy định theo hướng công cụ hiệu quả nhất để bảo đảm phát triển và quản lý thị trường bất động sản.
Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát dự thảo Luật, đối chiếu với các dự thảo Luật có liên quan, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bám sát định hướng chính sách chung, không tạo ra rào cản về chính sách đối với sự phát triển kinh tế – xã hội.
Bên cạnh đó, các ý kiến đại biểu cũng góp ý vào nhiều quy định cụ thể liên quan đế phạm vi điều chỉnh; các loại bất động sản đưa vào kinh doanh; điều kiện đối với tổ chức kinh doanh bất động sản; sàn giao dịch bất động sản; điều tiết thị trường bất động sản;…
Đại biểu Ngô Trung Thành (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: quochoi.vn |
Thảo luận tại Tổ 13, đại biểu Ngô Trung Thành (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) đóng góp ý kiến liên quan đến quy định về sàn giao dịch bất động sản. Theo đại biểu, cần tôn trọng quyền lựa chọn tham gia giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản của doanh nghiệp và người dân.
Đại biểu đề nghị tại dự thảo Luật không nên quy định bắt buộc các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản như tại khoản 1, Điều 57, mà chỉ quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch kinh doanh bất động sản thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản.
Bên cạnh đó, đại biểu Ngô Trung Thành cũng đề nghị, cần quy định chặt chẽ về điều kiện, quyền và nghĩa vụ của sàn giao dịch bất động sản, tạo cơ sở pháp lý cho sàn giao dịch bất động sản phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, uy tín, thu hút được các bên tham gia giao dịch…
Lan Anh (tổng hợp)