(ĐN) – Ngày 24-5, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 3 của Kỳ họp thứ 5 tại nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Phòng thủ dân sự. Cả 2 dự án luật được nhiều đại biểu quan tâm và thảo luận sôi nổi.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tại phiên thảo luận ngày 24-5. Ảnh: HẢI YẾN |
* Đề xuất mở rộng chỉ định thầu rút gọn với cả thuốc, trang thiết bị y tế và hóa chất xét nghiệm
Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã có 16 đại biểu phát biểu, 5 đại biểu tranh luận. Trong đó, có nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm để hoàn thiện dự án luật như: phạm vi, đối tượng áp dụng; việc áp dụng luật đối với doanh nghiệp nhà nước; quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; trách nhiệm của các bên tham gia hoạt động đấu thầu; mua sắm thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế…
Về chỉ định thầu rút gọn, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này quy định các gói thầu được chỉ định thầu rút gọn theo hạn mức gói thầu.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) đề nghị có điều riêng trong dự thảo quy định về chỉ định thầu rút gọn, trong đó mở rộng các trường hợp áp dụng chỉ định thầu rút gọn gồm cả trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm và thuốc.
Nội dung dự thảo cần quy định phân biệt các trường hợp chỉ định thầu rút gọn và chỉ định thầu, không để xảy ra lúng túng trong việc áp dụng pháp luật như hiện nay.
* Làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến về: phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự; áp dụng pháp luật phòng thủ dân sự và các luật liên quan; chính sách của Nhà nước trong phòng thủ dân sự; trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự; cấp độ phòng thủ dân sự…
Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Lê Hoàng Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cơ bản tán thành, đánh giá cao dự thảo luật đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đại biểu Lê Hoàng Hải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tham gia ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự. Ảnh: HẢI YẾN |
Để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu đóng góp thêm một số ý kiến về nội dung quy định cụ thể.
Về phạm vi điều chỉnh của Luật, dự thảo luật quy định: “Luật này quy định nguyên tắc, hoạt động phòng thủ dân sự; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm thực hiện phòng thủ dân sự.”
Cho rằng, phòng thủ dân sự là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân, đại biểu kiến nghị cần sửa đổi thành: “Luật này quy định nguyên tắc, hoạt động phòng thủ dân sự; trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm thực hiện phòng thủ dân sự.”
Về sự đồng bộ, thống nhất trong giải thích từ ngữ, Khoản 4, Điều 2 đã giải thích thuật ngữ “Đối tượng dễ bị tổn thương” như sau: “Đối tượng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi hơn từ sự cố, thảm họa so với những nhóm người khác trong cộng đồng. Đối tượng dễ bị tổn thương bao gồm trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo, người nghèo, người mất năng lực hành vi dân sự, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật”.
Đại biểu cho biết, nhóm đối tượng này cũng đã được quy định tại Luật Phòng, chống thiên tai, đại biểu đề nghị bổ sung việc sửa đổi quy định tại Khoản 4, Điều 3 của Luật Phòng, chống thiên tai để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong sử dụng, giải thích từ ngữ trong hệ thống pháp luật.
Thanh Hải (tổng hợp)
.