(ĐN) – Ngày 31-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tham gia ý kiến tại phiên thảo luận vào ngày 31-5. Ảnh: HẢI YẾN |
Các vấn đề về bệnh sợ trách nhiệm, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giữ vững kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo cuộc sống cho người lao động… được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thẳng thắn đánh giá.
* Bức tranh kinh tế đủ các gam màu sáng tối
Theo Báo cáo của Chính phủ, tình hình kinh tế – xã hội những tháng cuối năm tiếp tục phục hồi, đóng góp vào kết quả chung của cả năm 2022.
Về tình hình, kết quả triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội những tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.
Trong điều kiện rất khó khăn, GDP quý I vẫn duy trì đà tăng trưởng nhưng không cao, chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng giảm, bình quân 4 tháng tăng 3,84%.
Thu ngân sách nhà nước 4 tháng ước đạt 632,5 ngàn tỷ đồng, bằng 39% dự toán năm; xuất siêu 7,56 tỷ USD (cùng kỳ xuất siêu 2,25 tỷ USD). Giải ngân vốn đầu tư công tăng 15 ngàn tỷ đồng so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, báo cáo Chính phủ nhận định, tăng trưởng GDP quý I-2023 (đạt 3,32%) thấp hơn cùng kỳ (5,03%). Trong đó, nhiều địa phương sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí có địa phương tăng trưởng âm so với cùng kỳ.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tuy có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu…
* Chấn chỉnh tình trạng không dám làm, sợ chịu trách nhiệm
Thảo luận ở hội trường, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho rằng, vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc do còn tình trạng cán bộ không dám làm, sợ chịu trách nhiệm.
Đại biểu đánh giá, việc chậm giải quyết các công việc, thủ tục hành chính đã làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị. Nếu tình trạng kéo dài sẽ làm giảm hiệu lực quản lý của nhà nước, giảm lòng tin của nhân dân.
Quang cảnh phiên thảo luận ở hội trường chiều 31-5. Ảnh: quochoi.vn |
Đại biểu cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trong đó, nguyên nhân khách quan là pháp luật có những điểm thiếu cụ thể, chưa đồng bộ, chưa có quy định trách nhiệm rõ ràng và quy định cụ thể về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) nêu rõ, vấn đề đặt ra là làm sao bắt cho đúng bệnh. Ở đây có trách nhiệm của người đứng đầu, cần phải quyết tâm, quyết liệt xử lý những người không làm được việc.
* Cần thái độ “phụng sự doanh nghiệp”
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần phải có quyết tâm thật cao, tập trung theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và thế giới để có giải pháp, chính sách chủ động, kịp thời. Đặc biệt, chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Theo đại biểu, cần tiếp tục rà soát thể chế, đơn giản thủ tục hành chính một cách thực chất hơn và đặc biệt cần thay đổi văn hóa “doanh nghiệp phải đi xin, đi chạy”. Chính quyền, nhà quản lý cần thể hiện thái độ “phụng sự doanh nghiệp”, chủ động, thực tâm, thực lòng đến với doanh nghiệp để gỡ khó.
Những việc gì cần làm để hệ thống doanh nghiệp phát triển thì nên làm ngay, quyết định ngay, bớt các khâu xin ý kiến, trao đổi lòng vòng giữa các cơ quan, bộ ngành, đến khi giải quyết được thì doanh nghiệp “đã gần đất xa trời”.
“Đối với những dự án pháp lý đầy đủ, làm đúng quy trình thì các địa phương cần ký đồng ý để triển khai ngay, tránh việc cứ rà soát mãi mà cả năm không ra đời được dự án nào” – đại biểu Trịnh Xuân An nói.
* Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) băn khoăn, tốc độ tăng trưởng của những tháng đầu năm 2023 tăng trưởng chậm lại, hoạt động sản xuất kinh doanh đang rất khó khăn. Vì vậy, Chính phủ cần rà soát những vướng mắc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…
Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, trước tiên, cần rà soát, tháo gỡ ngay những rào cản về thể chế, về các quy định cứng nhắc, siết chặt quá mức; hạn chế tối đa các cuộc thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó là khơi thông dòng vốn tín dụng, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm chi phí tối đa cho doanh nghiệp.
Thảo luận về vấn đề này, nhiều ĐBQH cho rằng, để ổn định kinh tế vĩ mô, cần khởi động lại các động lực phát triển qua những dự án đầu tư. Tuy nhiên, thời gian lập, thẩm định các dự án còn dài, phê duyệt dự án còn chậm khiến nguồn lực đưa vào nền kinh tế bị chậm.
Cùng với các chính sách như giảm thuế VAT, giảm thiểu các thủ tục trong việc vay vốn hỗ trợ cho các đối tượng ưu tiên… cũng sẽ góp phần kích thích nền kinh tế.
Sớm có chính sách hỗ trợ người lao động Trước thực trạng người lao động đột ngột mất việc, giảm giờ làm hoặc cắt giảm các khoản phúc lợi, nhiều ĐBQH cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu và triển khai xây dựng quỹ dự phòng an sinh xã hội với tầm nhìn dài hạn nhằm hỗ trợ người lao động mất việc làm, ứng phó với những khó khăn, rủi ro đột ngột.
Hiện nay, tồn dư ngân quỹ của Nhà nước gửi hệ thống ngân hàng còn 1 triệu tỷ đồng. Chính phủ cần linh hoạt bố trí, hỗ trợ ngay cho người lao động, người mất việc làm hoặc sử dụng để xây dựng nhà ở cho thuê, nhà trọ cho người lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, đồng thời hỗ trợ đào tạo việc làm, chuyển đổi nghề cho người lao động.
|
Thanh Hải (tổng hợp)
.