Đại biểu Phạm Thị Kiều cho rằng: dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đã cơ bản tháo gỡ được những “điểm nghẽn” về bình ổn giá, định giá, thẩm định giá… bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật dân sự, kinh tế liên quan nhằm củng cố hành lang pháp lý đồng bộ, tạo thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện. Đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính nhà nước, trong đó có cải cách thể chế là một nội dung quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hiệu quả các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, để góp phần hoàn thiện hơn, đại biểu Phạm Thị Kiều tham gia một số vấn đề như:
Để tránh sự lúng túng, các sai phạm trong quá trình thực hiện, dự thảo Luật cần bổ sung thêm quy định về cơ sở, nguyên tắc, phương pháp, quy trình thẩm định giá của Nhà nước tại mục 3, chương VI dự thảo Luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
Nội dung tại Điều 57 (Nguyên tắc xác định giá dịch vụ thẩm định giá) quy định như sau: “Giá dịch vụ thẩm định giá thực hiện theo giao dịch dân sự giữa doanh nghiệp thẩm định giá với khách hàng thẩm định giá và được ghi trong hợp đồng thẩm định giá; đảm bảo nguyên tắc bù đắp chi phí thực tế hợp lý để thực hiện đầy đủ các hoạt động theo phạm vi công việc được quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam”.
Hiện nay, nhu cầu thuê tổ chức thẩm định giá để thực hiện thẩm định giá tài sản trong mua sắm tài sản công, xử lý các vấn đề liên quan đến định giá tài sản là rất lớn. Tuy nhiên, mức giá dịch vụ thẩm định giá được xác định như thế nào cho hợp lý lại chưa có hướng dẫn cụ thể, dẫn đến chi phí thẩm định giá cho cùng một tài sản khi tham khảo các báo giá của các đơn vị thẩm định giá có sự chênh lệch khá lớn (có trường hợp mức chênh lệch hơn cả trăm triệu đồng). Do đó, để đảm bảo việc xác định mức giá dịch vụ thẩm định giá hợp lý, đảm bảo cơ sở xác định giá gói thầu khi thực hiện đấu thầu để lựa chọn đơn vị thẩm định giá. Đề nghị xem xét bổ sung quy định về căn cứ xác định giá dịch vụ thẩm định giá. Trường hợp cần thiết nên đưa dịch vụ thẩm định giá vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá hoặc danh mục hàng hóa, dịch vụ phải công bố giá tham chiếu.
Điều 60 (Hợp đồng thẩm định giá) quy định Hội đồng thẩm định giá phải có tối thiểu 03 thành viên là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý, sử dụng của người thành lập Hội đồng thẩm định giá; phải có ít nhất 50% thành viên bao gồm Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá có chứng nhận chuyên môn về thẩm định giá. Tuy nhiên, việc có thành viên của Hội đồng thẩm định giá không có chuyên môn, nghiệp vụ về thẩm định giá sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ (nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về ý kiến thẩm định giá của mình), không đảm bảo chất lượng thẩm định giá. Do đó, đề nghị điều chỉnh nội dung này theo hướng tất cả các thành viên của Hội đồng thẩm định giá đều phải có chuyên môn.
Ngoài ra, theo điểm a, khoản 3, Điều 60 dự thảo Luật, trước khi tiến hành phiên họp thẩm định giá, những thành viên vắng mặt phải có văn bản gửi tới Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá nêu rõ lý do vắng mặt và có ý kiến độc lập của mình về các vấn đề liên quan đến giá của tài sản cần thẩm định. Mặt khác, điểm b, khoản 3, Điều 60 của dự thảo Luật quy định “Hội đồng thẩm định giá lập Thông báo kết quả thẩm định giá theo ý kiến đa số đã được biểu quyết và thông qua của thành viên Hội đồng thẩm định giá có mặt tại phiên họp”. Vậy, ý kiến độc lập tại văn bản của thành viên vắng mặt có được tính vào kết quả biểu quyết, kết quả thẩm định tại phiên họp hay không? Nếu không thì có cần thiết thành viên vắng mặt phải nêu ý kiến bằng văn bản?
Dự thảo Luật quy định Điều 70 (Trách nhiệm thanh tra, kiểm tra) như sau:
“1. Thanh tra tài chính, cơ quan quản lý nhà nước về giá tại Trung ương thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về giá theo quy định của pháp luật về thanh tra.
2. Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá theo quy định của Luật này. Bộ Tài chính quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá”.
Để phù hợp với thực tiễn, đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nội dung quy định tại Điều 70 theo hướng:
“1. Thanh tra tài chính, cơ quan quản lý nhà nước về giá tại Trung ương thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về giá theo quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá theo quy định của Luật này.
2. Bộ Tài chính quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá”.