Qua hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12-3-2003 về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” và Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12-3-2003 về “Công tác tôn giáo” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, tỉnh Khánh Hòa đã đạt được thành tựu nhiều mặt. Ông NGUYỄN KHẮC TOÀN – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa về một số nét nổi bật thực hiện 2 nghị quyết này.
Ông NGUYỄN KHẮC TOÀN – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa |
– Xin ông đánh giá đôi nét về những thành tựu đạt được trong thực hiện Nghị quyết số 23 trên địa bàn tỉnh?
– Trong những năm qua, Tỉnh ủy luôn quan tâm và ban hành nhiều chủ trương, giải pháp nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức để thực hiện mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã xây dựng nhiều chính sách nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cụ thể như: Quan tâm phát triển các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh; chú trọng liên kết vùng, hợp tác phát triển kinh tế – xã hội với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực; đầu tư nguồn lực phát triển những khu vực còn nhiều khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; quan tâm đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục…
Thời gian qua, chính quyền các cấp đã thể hiện rõ vai trò trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc; thường xuyên củng cố bộ máy cơ quan quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực phục vụ nhân dân. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch, sách nhiễu, cửa quyền… được tăng cường và thực hiện ngày càng có hiệu quả. Các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp triển khai, thực hiện quy chế phối hợp với MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác dân vận, quy chế dân chủ ở cơ sở.
Cùng với đó, MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư… đạt nhiều kết quả; nhiều mô hình, điển hình tiên tiến được phát huy, nhân rộng. Công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo tham gia củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được quan tâm đẩy mạnh. Qua đó, đã thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, như: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau; Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Cả nước đồng lòng, chung sức phòng, chống đại dịch Covid-19; Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam…
Tình hình kinh tế của tỉnh tăng trưởng ổn định và đạt kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Hơn 20 năm qua, kinh tế Khánh Hòa luôn có mức tăng trưởng khá. Chỉ tính riêng nửa nhiệm kỳ 2020 – 2025, tăng trưởng GRDP của tỉnh ước bình quân hàng năm đạt 7,62% (Nghị quyết Đại hội đề ra 7,5%); tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 97.043 nghìn tỷ đồng, đạt 54,73% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội; thu ngân sách nhà nước tăng khá, đạt hơn 47.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa ước đạt 14.410 tỷ đồng (tăng 1,23 lần so với năm 2020), tiếp tục cân đối ngân sách địa phương và có điều tiết về Trung ương…
Kết quả của các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn đã góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc; góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh.
– Kết quả nói trên có một phần đóng góp của đồng bào các tôn giáo trong việc thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt, từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 25 và Luật Tín ngưỡng tôn giáo (có hiệu lực năm 2018), các chức sắc, nhà tu hành, chức việc, tín đồ phấn khởi, luôn tin tưởng, chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông có thể đánh giá đôi nét về sự tham gia của đồng bào các tôn giáo trong thời gian qua?
– Những năm qua, đồng bào các tôn giáo trong tỉnh luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia lao động, phát triển sản xuất nâng cao đời sống, tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, giữ gìn an ninh, trật tự, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền, mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân. Trong hơn 20 năm qua, Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên chủ động tổ chức hơn 1.400 cuộc thăm hỏi các chức sắc, chức việc, lực lượng cốt cán tôn giáo; phối hợp tổ chức 246 cuộc tuyên truyền, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2020 – 2025, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu… cho hơn 4.600 chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh; thường xuyên tuyên truyền về biển, đảo, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, kiến thức pháp luật về công tác tôn giáo, hoạt động mặt trận với công tác tôn giáo cho chức việc, cán bộ có đạo, lực lượng cốt cán tôn giáo tại các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Qua đó, đồng bào các tôn giáo tích cực tham gia thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, công tác an sinh xã hội, trong đó có các phong trào thi đua mang tính đặc thù của từng tôn giáo, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh sống tốt đời đẹp đạo”; “Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa”; “Gắn bó đồng hành với dân tộc và xây dựng chùa tinh tiến”; “Xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”… góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân và đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh.
– Cùng với quá trình đổi mới đất nước, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của cả nước nói chung và ở tỉnh nói riêng cũng có nhiều chuyển biến mới. Xin ông cho biết đôi nét về việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong thời gian qua?
– Hiện nay, toàn tỉnh có 8 tôn giáo hoạt động, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Phật đường Nam Tông Minh Sư Đạo, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam và Cơ đốc Phục lâm Việt Nam; có 632 cơ sở tôn giáo với hơn 1.893 chức sắc, nhà tu hành, 3.755 chức việc, khoảng 371.620 tín đồ (chiếm khoảng 30% dân số toàn tỉnh).
Tình hình tôn giáo trong tỉnh tiếp tục ổn định, mối quan hệ giữa các tôn giáo và chức sắc tôn giáo với Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp ngày càng được tăng cường, củng cố. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bình đẳng giữa các tôn giáo được quan tâm, tôn trọng. Các cấp, ngành luôn quan tâm tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo đăng ký sinh hoạt tôn giáo theo Hiến chương, Điều lệ. Cơ sở thờ tự, nơi sinh hoạt bị hỏng, xuống cấp đều được chính quyền cho phép xây dựng, tôn tạo, sửa chữa khang trang, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Vì vậy, chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo, đồng bào có đạo phấn khởi, an tâm tu hành.
Một góc TP. Nha Trang. Ảnh: Vương Mạnh Cường |
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn thăm hỏi, tặng quà chúc mừng các cơ sở thờ tự, các tổ chức tôn giáo nhân dịp những ngày lễ trọng; hỗ trợ và tặng nhiều phần quà cho gia đình các tôn giáo thuộc diện chính sách, hoàn cảnh khó khăn… Ngoài ra, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã tổ chức nhiều lượt tiếp xúc, thăm hỏi động viên, nắm tình hình, tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ các tôn giáo hoạt động ổn định, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó trong các tầng lớp nhân dân, đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh.
– Để tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thời gian tới, hệ thống chính trị trong toàn tỉnh sẽ làm gì để vận động đồng bào các tôn giáo tích cực cùng các tầng lớp nhân dân chung tay, góp sức xây dựng và phát triển tỉnh nhà, thưa ông?
– Thời gian qua, nhiều chức sắc, nhà tu hành, chức việc, tín đồ tiêu biểu của các tôn giáo tích cực tham gia làm thành viên của Mặt trận, các tổ chức chính trị – xã hội, HĐND các cấp, qua đó đã có nhiều đóng góp trong xây dựng và phát triển tỉnh. Ngoài ra, nhiều tín đồ của các tôn giáo có nhiều đóng góp xuất sắc trong các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, tham gia công tác an sinh xã hội; nhiều tín đồ tiêu biểu đã được xem xét kết nạp vào Đảng, từng bước phát huy được vai trò tiền phong gương mẫu trong xây dựng địa phương, cơ sở. Đây là những nhân tố sẽ được tiếp tục phát huy trong thời gian tới.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 23 và Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Tỉnh ủy xác định xây dựng và phát triển tỉnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, quân và dân toàn tỉnh. Vì vậy, trong thời gian tới, cần quan tâm một số nội dung trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục quán triệt và đẩy mạnh tổ chức thực hiện các chương trình hành động của Tỉnh ủy, các văn bản thông báo, kết luận của Trung ương về Nghị quyết số 23 và Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX. Cần phải nhất quán xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là chủ trương chiến lược, có ý nghĩa quan trọng quyết định sự thành bại của cách mạng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối cách mạng của Đảng. Mặt trận và các tổ chức thành viên tiếp tục thực hiện vai trò là nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hành dân chủ, tạo sự đồng thuận xã hội.
Hai là, tiếp tục xây dựng những định hướng chính sách nhằm tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội; đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, khuyến khích làm giàu chính đáng; phấn đấu nâng mức độ hưởng thụ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Ba là, phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ cương; đẩy mạnh đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, coi trọng vai trò của nhân dân trong đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và tiêu cực.
Bốn là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền quan điểm, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước; hướng dẫn và tạo điều kiện cho các tôn giáo tham gia hoạt động đối ngoại, thông qua đó góp phần làm cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức tôn giáo trên thế giới hiểu và ủng hộ chính sách tôn giáo đúng đắn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ta. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo đăng ký sinh hoạt theo Hiến chương, Điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận. Vận động đồng bào có đạo và chức sắc tôn giáo thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống “Tốt đời, đẹp đạo”.
Năm là, tiếp tục xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo của Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đủ sức tham mưu cấp ủy, chính quyền về lĩnh vực tôn giáo. Mặt khác, chú trọng công tác phát triển đảng viên và phân công nhiệm vụ cho đảng viên là người có đạo.
Sáu là, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vận động tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong nhân dân, đồng bào các tôn giáo trong thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 21-3-2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 55/2022/QH15, ngày 16-6-2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, phấn đấu đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
– Xin trân trọng cảm ơn ông!
ĐẠI HẢI (Thực hiện)
KỲ 1: Cống hiến cho Tổ quốc
KỲ 2: Tích cực tham gia xây dựng đời sống mới
KỲ 3: Chung tay xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh