Ít ai biết, đằng sau lễ hội sôi động ấy là sự chuẩn bị công phu, tốn tiền nhọc sức của biết bao chủ trâu đất Cảng.
Lặn lội tìm trâu
Khi lễ hội chọi trâu đã gần kề, ông Lưu Đình Nam (trú quận Đồ Sơn) gần như dành hết thời gian cho “ông trâu” của mình. “Ăn cùng trâu, ngủ cùng trâu, lo cho trâu hơn cả thân mình là có thật”, ông Nam chia sẻ.
Ông Nam chính là chủ trâu vô địch lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2023. Ngay sau khi lễ hội năm ngoái kết thúc, ông Nam cùng huấn luyện viên đã vào huyện miền núi của tỉnh Nghệ An để mua trâu.
Theo ông Nam, để mua được trâu chọi không dễ, phải lặn lội đi khắp cả nước hoặc ra cả nước ngoài để tìm.
“Năm nay, tôi được một lái trâu ở Nghệ An giới thiệu một “ông trâu” 13 tuổi, gốc Campuchia. Khi được lái trâu chụp ảnh từng chi tiết về khoang, khoáy, móng, đuôi, sừng… tôi liền lên đường vào ngay. Đến nơi, “ông trâu” này vẫn còn gầy gò, nặng khoảng 700kg. Tuy nhiên, tôi đã mua với giá gần 200 triệu đồng để đưa về huấn luyện”, ông Nam kể.
Cùng “chia lửa” việc chăm sóc, huấn luyện “ông trâu” suốt một năm qua cùng ông Nam là ông Lưu Đình Hồng. Ông Hồng chia sẻ, hàng ngày ông bắt đầu công việc huấn luyện trâu từ 5h sáng. Trâu dậy là người huấn luyện cũng phải dậy theo, đưa trâu đi tập thể dục khoảng 1 tiếng. Sau đó, trâu được ăn sáng bằng cỏ và mía tươi.
“Trâu chọi không giống trâu bình thường. Phần lớn những “ông trâu” chọi khi mua về đều là trâu nuôi ở vùng núi, có phần hoang dã hơn trâu nhà nên người chăm trâu phải làm quen, tìm hiểu, nắm được sở thích của “ông trâu”. Chế độ dinh dưỡng của trâu chọi là 4 bữa/ngày, sáng – trưa – chiều và 21h đêm với cỏ non, cháo và mía tươi”, ông Hồng cho hay.
Sau gần 1 năm được mua về, “ông trâu” của ông Nam từ 700kg nay đã nặng tới gần 1 tấn. Càng gần ngày tổ chức lễ hội, “ông trâu” càng được bổ sung thêm nhiều đồ ăn, thức uống tốt hơn để tăng sức chiến đấu và sự dẻo dai. Giấc ngủ của trâu chọi cũng được chú trọng bằng việc chuồng trại luôn sạch sẽ, đảm bảo nhiệt độ mát mẻ.
Huấn luyện đặc biệt
Để tham gia sới chọi, trâu phải trải qua những bài tập rèn luyện thể lực, phản xạ. Mỗi ngày, ông Nam cho trâu lội nước, tắm bùn, đi bộ 3-5km. Khi trâu đã béo tốt và đảm bảo thể lực, cân nặng, các chủ trâu có thể đưa trâu thi đấu cọ xát để lấy kinh nghiệm, dắt trâu ra những khu vực đông người để trâu quen tiếng chiêng trống, hò reo…
Suốt cả năm qua, dù nắng hay mưa, mùa đông hay mùa hè, ông Hồng đều duy trì thói quen dắt trâu đi tắm hàng ngày. Mùa hè, có khi trâu lội bùn cả buổi chiều, mùa đông thì tắm nhanh hơn để trâu không nhiễm lạnh.
Và quan trọng là phải kỳ cọ thật sạch cho đất cát khỏi bám vào lỗ tai và sừng. Bởi theo ông Hồng, đất cát bám lâu ngày sẽ khiến sừng bị mục, ảnh hưởng đến chất lượng sừng khi thi đấu.
Các “ông trâu” tốt, sau một thời gian huấn luyện sẽ trở nên dạn, tự mài sừng vào các gò đất để cho sắc, nhọn và tự có những miếng đánh riêng của mình. Lúc này, cũng là giai đoạn chủ trâu có thể tham gia bốc thăm, phân công nhau để đại diện cho phường tham gia thi đấu.
Thu tiền tỷ nếu trâu vô địch
Chia sẻ với PV, nghệ nhân Hoàng Gia Bổn cho biết, để có được một “ông trâu” tốt phải hội tụ 11 tướng quý. Những “ông trâu” có dáng dấp hùng dũng; lông da đen tuyền; sừng có độ vòng cung chuẩn mực; đôi mắt nhỏ và đen; đuôi trâu che kín phần hậu môn; các móng khum hình bát; đủ 4 khoáy; miệng hàm đỏ tươi; phần khoang bên cạnh sườn hẹp; bộ phận sinh dục săn chắc… sẽ là trâu có miếng đánh hay, khỏe.
Từ khi lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được khôi phục năm 1990 đến nay, chủ trâu có trâu đoạt giải được trao phần thưởng bằng tiền mặt. Năm 2023, trâu vô địch được thưởng 100 triệu đồng.
Theo ông Nam, 100 triệu tiền thưởng cho trâu vô địch từ Ban tổ chức lễ hội chọi trâu năm ngoái, ông chia đều cho những người gắn bó, chia sẻ với mình trong quá trình chăm sóc trâu chọi. Còn số tiền bán thịt trâu vô địch, ông thu được gần 850 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí mua, chăm sóc trâu tham dự lễ hội năm 2023, còn dư gần 400 triệu đồng, ông Nam dùng để đầu tư cho trâu tham dự lễ hội năm nay.
Thú chơi tốn kém
Người có trâu vô địch như ông Nam mới có lãi để đầu tư cho “ông trâu” khác, còn các chủ trâu không có trâu vô địch đều lỗ, may mắn lắm là hòa. Mặc dù cầm chắc hòa đến lỗ, nhưng nhiều người Đồ Sơn vẫn đam mê với lễ hội chọi trâu truyền thống của quê hương. Họ không tính toán số tiền 300 – 500 triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng để mua, chăm sóc trâu chọi. Một người không đủ kinh phí thì nhiều người chung tay.
“Năm ngoái, trâu của tôi đại diện cho phường Vạn Hương vô địch, sau đó mọi chuyện đều thuận lợi, hanh thông từ sức khỏe đến kinh tế”, ông Nam tâm sự.
Ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, Trưởng ban tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn cho biết, lễ hội chọi trâu còn là nét đẹp truyền thống đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Việt Nam từ năm 2013.
“Với tổng chi phí khoảng 10 tỷ đồng cho một lần tổ chức và hoàn toàn vận động bằng công tác xã hội hóa, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân Đồ Sơn”, ông Tuấn nhìn nhận.
Vé xem chọi trâu phát miễn phí
Ngày 9/8 Âm lịch (11/9 Dương lịch) sắp tới, Lễ hội Chọi trâu truyền thống Đồ Sơn 2024 diễn ra tại Sân vận động trung tâm quận Đồ Sơn với sự tham gia của 16 “ông trâu”, đại diện cho các phường thuộc quận Đồ Sơn. Vé xem lễ hội chọi trâu được phát miễn phí.
Ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho biết, mỗi phường trong quận được đăng ký 2 suất trâu. Ngoài ra, 4 chủ trâu đạt giải năm 2023 (Nhất, Nhì, đồng giải Ba) mỗi người được đăng ký tham gia 1 suất. Cơ cấu giải thưởng năm nay vẫn giữ nguyên như năm trước, giải Nhất trị giá 100 triệu đồng, giải Nhì 60 triệu đồng, và hai giải Ba đồng hạng mỗi giải 30 triệu đồng.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/ky-cong-nghe-nuoi-trau-choi-o-do-son-192240906104602407.htm