Sáng ngày 21-5-1963, Bác về dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ V được diễn ra tại Hội trường Nhà máy Dệt Nam Định (nay là Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định). Cùng đi với Bác có đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị; đồng chí Lê Văn Lương, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đồng chí Trần Độ, Ủy viên dự khuyết Trung ương, Thiếu tướng – Chính ủy quân khu hữu ngạn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm khu tập thể công nhân Nhà máy Dệt Nam Định, ngày 24-4-1957.
Ảnh: Tư liệu
|
Tại Đại hội, Người chỉ ra cho Đại hội những ưu điểm cần phát huy, những khuyết điểm cần sửa chữa, thấy hết những thuận lợi và khó khăn của địa phương để vươn lên hoàn thành nhiệm vụ. Người cũng căn dặn các cấp uỷ cần chú trọng đến việc phát triển Đảng và củng cố chi bộ, đẩy mạnh việc phê bình và tự phê bình trong Đảng, làm cho mỗi cán bộ, mỗi đảng viên nhận rõ vai trò lãnh đạo của mình và biểu dương những tiến bộ của địa phương trong phong trào hợp tác hoá và sản xuất nông nghiệp. Người nhắc nhở phải chú ý hơn nữa đến việc cải tiến kỹ thuật, tăng cường làm thuỷ lợi, phân bón, phát triển chăn nuôi, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lấy gỗ; chú ý thực hiện và thực hiện tốt nghị quyết Bộ Chính trị về cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc. Bác lưu tâm các cấp uỷ Đảng phải giúp đỡ các hợp tác xã của đồng bào theo đạo Thiên chúa, nhằm cho hợp tác xã ngày càng vững mạnh, xã viên thu nhập ngày càng tăng, đời sống no ấm, làm cho đồng bào hiểu rõ chính sách của Đảng thì đồng bào càng gắn bó với hợp tác xã… Bác đặc biệt quan tâm đến vấn đề đoàn kết nội bộ, Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, tránh lãng phí, tránh hình thức và mất dân chủ. Bác mong mỏi toàn Đảng bộ ra sức phát huy ưu điểm, đoàn kết một lòng thực hiện đầy đủ nghị quyết của đại hội để xây dựng tỉnh Nam Định giàu mạnh, thiết thực góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà.
Đặc biệt trong dịp này, Người lại dành thì giờ thăm công nhân Nhà máy Dệt, thăm nơi ăn, ở của công nhân và ân cần chỉ bảo cho các đồng chí lãnh đạo nhà máy phải chăm lo tổ chức tốt điều kiện sinh hoạt cho đội ngũ công nhân. Tại đây, cán bộ công nhân báo cáo với Bác về kết quả thi đua với Nhà máy Dệt Bình Nhưỡng (Triều Tiên), nhà máy đã sản xuất vượt mức kế hoạch 42 vạn thước vải, 120 tấn sợi và 2.000 chăn… Sau khi nghe cán bộ nhà máy báo cáo, Bác khen ngợi: “Nhà máy đã sớm chữa được gần 1.000 máy dệt cũ hồi Pháp thuộc thành máy nửa tự động, với loại máy cũ, mỗi công nhân chỉ đứng được từ 1 đến 2 máy; nay với loại máy sửa chữa lại, mỗi người đứng được từ 4 đến 6 máy”. Người còn đến thăm các cháu ở nhà trẻ, thăm bệnh nhân và nói chuyện với các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Người căn dặn cán bộ và nhân viên bệnh viện phải thực hiện tốt “lương y như từ mẫu”, nâng cao tinh thần trách nhiệm để phục vụ người bệnh.
Sáng ngày 22-5-1963, tại Quảng trường Hoà Bình, thành phố Nam Định, Người đã nói chuyện với trên 5 vạn cán bộ và nhân dân trong tỉnh. Người khen ngợi cán bộ và nhân dân tỉnh Nam Định đã có nhiều cố gắng, tiến bộ về các mặt, đồng thời nhắc nhở đảng viên, nhân dân trong tỉnh phải đoàn kết chặt chẽ, ra sức thi đua thực hiện tốt nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh, hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1963. Kết thúc buổi mít tinh, Người nói: “Đồng bào Nam Định có truyền thống đoàn kết và đấu tranh anh dũng. Trong thời kỳ kháng chiến, tỉnh Nam Định đã lập nhiều chiến công vẻ vang. Ngày nay, Nam Định lại kết nghĩa với Mỹ Tho anh hùng, Bác tin rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân và cán bộ Nam Định sẽ thu được nhiều thắng lợi rực rỡ”.
Cuối hành trình Người đến tham quan Nhà triển lãm thông tin đường Cột cờ thành phố Nam Định. Người đã xem một số hình ảnh về lịch sử đấu tranh của Đảng bộ và nhân dân Nam Định. Bác đã ghi lên trang đầu cuốn sổ vàng của tỉnh: “Tiếp tục truyền thống cách mạng vẻ vang, xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi”. Đây là tư liệu quý, góp phần giáo dục truyền thống quê hương, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho các thế hệ nhất là thế hệ trẻ. Hiện nay, cuốn sổ vàng được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Nam Định./.
(Theo Đề cương tuyên truyền Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)