Nâng cao ý thức xây dựng hình ảnh “người công bộc” gần dân, trọng dân, lắng nghe dân. Trên từng “mặt trận” đời sống, họ tự hào “tôi là đảng viên” nên ý thức trách nhiệm làm tốt vai trò, tận tâm cống hiến vì nhân dân “bắt đầu từ việc nhỏ nhất”.
Chú Phương luôn tích cực, nhiệt huyết với công tác an sinh xã hội tại địa phương. |
“Vác tù và hàng tổng” làm cho gia đình đầm ấm, xóm làng an vui
Đó là nhiệm vụ của người “thắt chặt” tình làng nghĩa xóm, là niềm đam mê dành cho công tác hòa giải ở cơ sở mà cô Huỳnh Ngọc Mai- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp An Phú A (xã Long An, huyện Long Hồ) đảm nhận suốt thời gian qua.
Đi trong cái nắng gay gắt đổ lửa cuối tháng 4, chúng tôi cảm nhận được sự nhiệt huyết trên gương mặt còn vương mồ hôi nhưng tràn đầy năng lượng của cô Mai. “Sáng hôm nay thì vận động làm đèn năng lượng, vớt rác trên sông.
Trưa kịp về nhà ăn miếng cơm là lại chạy đi tiếp”- cô Mai cười nói. Làm hòa giải ở cơ sở, thật nhiều cái tên, con số, diễn biến của những câu chuyện được cô Mai “nhớ từng chi tiết. Phải sát cánh với bà con, nắm rõ chủ trương, chính sách, pháp luật thì cán bộ hòa giải mới có thể hiểu rõ vấn đề, tự tin truyền đạt và thuyết phục người dân”.
Cô H.T.C.- bên bị đơn trong vụ tranh chấp liên quan đến lối đi- vẫn còn nhớ rõ cảm xúc “không nói nên lời” khi hay tin mình bị hàng xóm gửi đơn kiện.
“Vì mâu thuẫn trong lối đi từ nhà ra đường lớn mà tôi và nhà bà A. ngày càng căng thẳng. Nhưng nhờ có cô Mai đứng ra giải quyết mà vụ việc mới êm xuôi. Hồi đó, tôi nói kiểu gì bà hàng xóm cũng không chịu, bà ấy giận nên gửi đơn thưa. Vậy là tôi lập tức đi kiếm cô Mai”- Cô H.T.C. kể lại và nói chắc nịch “ở đây ai cũng tin tưởng cô Mai”. Còn với bà N.T.H., từ “không biết là ai” đến mối quan hệ gần gũi với cô Mai như hiện tại bắt nguồn từ việc hòa giải thành vụ việc “giật hụi”.
“Lúc bị giựt hụi tui hổng biết tính sao. Rồi nghe bà con nói cô Mai hòa giải hay, nói được làm được. Vậy là tui quyết tâm tìm cô Mai”- bà N.T.H. chia sẻ.
Nhờ lợi thế gần gũi, hiểu tâm lý, nữ Bí thư Chi bộ ấp luôn có mặt lúc cần thiết, nỗ lực giải quyết vụ việc theo hướng “chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không”, giúp gia đình yên ấm, xóm làng thêm vui; cùng người dân xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Bằng những kiến thức pháp luật có liên quan, bằng lời nói nhẹ nhàng, thái độ chân thành để phân tích, giải thích cho có lý, có tình theo phương châm “đúng sai phân minh”, “lý tình trọn vẹn”, năm 2022, cô Mai cùng tổ hòa giải cơ sở đã hòa giải thành 12 vụ việc. Đặc biệt hơn, có tới 7 vụ “mâu thuẫn” được cô Mai và đồng nghiệp tiếp nhận hòa giải ngay khi đang trên đường đi công tác cơ sở.
“Nhiều khi tôi đang chạy xe trên đường, người dân gọi lại để trình bày thắc mắc hoặc có yêu cầu hòa giải thì tôi luôn sẵn sàng lắng nghe, giải đáp ngay tại chỗ mà không cần phiền người dân phải theo quy trình. Cái gì có thể làm sớm được cho người dân thì phải làm liền”- cô Mai chia sẻ.
“Kiên nhẫn giải thích cho dân hiểu, nếu dân chưa hiểu thì phải kiên trì thuyết phục, mưa dầm thấm lâu mà. Khi gặp khó khăn, tôi sẽ cùng bàn bạc cách giải quyết với đồng nghiệp trong ban hòa giải, cán bộ chuyên môn, nghiên cứu các điều luật liên quan để tăng tính thuyết phục… Kiểu gì cũng phải tìm ra giải pháp chứ nhất định không bỏ cuộc”- cô Mai nói đó còn là trách nhiệm của người đảng viên, vì sự tín nhiệm của đồng nghiệp và bà con.
Đối với người dân ấp An Phú A, hình ảnh cô Mai cùng bà con không ngại khó khăn, chèo xuồng “làm sạch, làm xanh dòng sông” cũng vô cùng thân thương và ý nghĩa. “Vì vậy, vai trò tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên không thể tự nhiên mà có, phải tự tu dưỡng, rèn luyện hàng ngày. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Người đảng viên- dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp- ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng để quần chúng bắt chước, làm theo”- cô Mai rất tâm đắc lời dạy của Bác.
Và tất cả việc làm của cô Mai không chỉ là sự đồng cảm, sẻ chia, mà còn là mệnh lệnh nơi trái tim gắn liền với những lời căn dặn của Bác, với tư cách một người đảng viên, người cán bộ cơ sở- người “phục vụ” nhân dân. Đó cũng là câu trả lời của Bí thư Chi bộ ấp Huỳnh Ngọc Mai cho câu hỏi “sao ăn cơm nhà mà vác tù và hàng tổng”!
“Đảng viên phải là cầu nối, gương mẫu đi đầu”
Ông Trương Hoàng Phương (ấp Phú Thuận A, xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít)- một nông dân tâm huyết với cây nhãn Idor và đầy nhiệt tâm với phong trào tại địa phương, phấn đấu gần cả cuộc đời để được kết nạp vào Đảng ở tuổi gần 60.
Với nhiều vai trò khác nhau, ông Phương luôn làm việc hết sức mình để tạo uy tín, hình ảnh đẹp trong lòng người dân “bắt đầu từ những việc đơn giản, như động viên người trồng hoa, làm việc có ích. Công nhận những việc tốt họ làm, dù là việc nhỏ cũng sẽ mang lại khích lệ lớn”.
Ông Trương Hoàng Phương cùng bà con xây những con đường, làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn. |
Là “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022”, thành công từ mô hình trồng nhãn Idor, ông Phương cho biết: “Tôi luôn ý thức tinh thần tự lực, tự cường, rèn luyện ý chí vươn lên. Tôi luôn tiên phong xây dựng các mô hình kinh tế”.
Năm 2017, ông Phương chuyển sang trồng nhãn Idor kết hợp chăn nuôi. Với diện tích 1,5ha, ông trồng 600 gốc nhãn Idor, xen tứ quý để lấy ngắn nuôi dài, dưới mương nuôi ốc bươu đen, cá. Đến nay, chỉ tính riêng nhãn Idor đã đem lại thu nhập cho gia đình trên dưới 1 tỷ đồng/năm.
Là Chi Hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Phú Thuận A, ông Phương được người dân tin tưởng, quý mến, cùng “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, xây dựng NTM…
Năng nổ, nhiệt tình, dám nghĩ dám làm, hết lòng với công việc- là nhận xét của người dân dành cho ông Phương. “Tôi trồng 10 công nhãn Idor, nhờ anh Phương hướng dẫn, tận tình giúp đỡ cách xử lý nhãn, năm vừa rồi lời khoảng 15 triệu đồng/công, cuộc sống gia đình khấm khá lên”- nông dân Dương Văn Phước ở xã Nhơn Phú nói và quả quyết “anh Phương luôn động viên anh em cùng vươn lên làm giàu”.
“Là đảng viên phải có trách nhiệm, phải là người đi đầu, gương mẫu trong phát triển kinh tế địa phương. Muốn khuyên người khác làm gì thì mình phải làm trước. Từ thành công của bản thân, tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa đến mọi người để cùng nhau làm giàu”- ông Phương bày tỏ được đứng vào hàng ngũ của Đảng là mong ước lớn nhất cuộc đời.
Ông dành phần lớn thời gian tự nghiên cứu, tìm tòi những bài học, tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Thấm nhuần lời dạy của Bác “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, ông luôn tiên phong trong mọi phong trào, hoạt động của hội nông dân, địa phương phát động.
Với ông Phương: “Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ học cả đời cũng không hết, nên cần phải vận dụng vào lao động, đời sống, thái độ ứng xử với bà con nông dân. Nói phải đi đôi với làm, có học thì phải thực hành, không nề hà, kể công, kể khổ.
Từ những câu chuyện của Bác, giúp tôi dần thay đổi tư tưởng, có những suy nghĩ và hành động tốt hơn. Tôi là đảng viên, tôi sẽ tuyên truyền cho gia đình và người dân thực hiện tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó giúp người dân phân biệt đúng- sai rạch ròi, phản biện các luận điệu sai trái, chống phá Đảng, Nhà nước”.
Khi địa phương chủ trương xây dựng các tuyến đường đan, ông Phương hăng hái đi đầu. Bí quyết “dân vận” để lắp đặt đèn chiếu sáng, xây dựng đường giao thông nông thôn,… của ông Phương là “gần dân, hiểu dân, tất cả mọi việc đều vì lợi ích của nhân dân”.
Mà quan trọng nhất là tận dụng những gì có sẵn, như gạch ngói bỏ đi để gia cố thêm cho mặt đường, trang trí thành những hoa văn đẹp mắt. “Làm đẹp” cho những con đường xóm ấp khang trang hơn, qua đó “ấp tôi sẵn sàng phát triển du lịch trong tương lai”. Ông Phương mong muốn làng xóm đổi mới sẽ mở ra cơ hội làm ăn mới, hấp dẫn du khách đến với quê hương mình.
Nghệ sĩ Khmer múa cho đồng bào xem
Chị Thạch Thị Ni Ta (xã Trà Côn, huyện Trà Ôn, bên trái) sinh năm 1995, công tác tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long, có niềm đam mê đặc biệt dành cho điệu múa rô băm từ khi còn nhỏ.
Là đảng viên người Khmer duy nhất đang sinh hoạt tại chi bộ cơ quan, chị Ni Ta càng nhận thức được vai trò “làm cầu nối” giữa các chủ trương của Đảng với quần chúng nhân dân thông qua các tiết mục giao lưu văn nghệ, nghệ thuật truyền thống Khmer. “Là một diễn viên múa, cũng là cán bộ tuyên truyền văn hóa, thì mọi chủ đề, cách đặt tên, thông điệp trong từng tiết mục phải thể hiện rõ giá trị văn hóa dân tộc gắn với sự phát triển của xã hội, đặc biệt phải phù hợp với những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong mỗi buổi diễn, tôi thường dành thời gian để nói chuyện với bà con, nhờ họ chỉ ra chỗ hay, chỗ dở. Gần gũi với bà con nên luôn được bà con quý mến, nếu đêm nào có ít tiết mục là bà con không chịu về vì coi chưa đã ghiền, thấy vậy nên chúng tôi thường bật nhạc để bà con cùng lên múa giao lưu”- chị Ni Ta tâm sự.
|
Bài, ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN
>> Kỳ 3: Đối thoại với nhân dân