Nhiều dự án giao thông trên địa bàn tỉnh đang có nguy cơ chậm tiến độ do phải dừng thi công hoặc thi công cầm chừng để chờ di chuyển hạ tầng lưới điện trên tuyến. Sự chậm trễ này không chỉ gây khó khăn cho đơn vị thi công mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả nguồn vốn đầu tư.
Dự án nâng cấp cải tạo đường tỉnh 454, đoạn từ thành phố Thái Bình đến cầu Sa Cao có nguy cơ chậm tiến độ vì hạ tầng lưới điện.
Đường nào cũng “vướng điện”
Trên 250 cột điện chưa được di chuyển là con số ghi nhận chỉ tại 5 dự án giao thông mà Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đang quản lý và triển khai. Ngoài ra, tại các dự án do chủ đầu tư là ban quản lý dự án xây dựng cơ sở hạ tầng 8 huyện, thành phố làm chủ đầu tư, số lượng cột điện chưa di dời tại các dự án lên tới trên 500 cột và nhiều trạm biến áp. Việc chậm trễ di dời hạ tầng lưới điện ra khỏi phạm vi của các dự án giao thông hiện nay đang là trở ngại rất lớn, làm chậm tiến độ chung dự án, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư.
Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 455 đoạn từ xã An Dục, huyện Quỳnh Phụ đến đường tỉnh 456, huyện Thái Thụy có chiều dài trên 7km. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án diễn ra tương đối thuận lợi; đặc biệt, đoạn qua địa phận huyện Quỳnh Phụ đã được bàn giao xong mặt bằng đất nông nghiệp và đất ở trên tuyến cho đơn vị thi công. Tuy nhiên, hiện trên tuyến còn vướng mặt bằng tại vị trí của 60 cột điện khiến đơn vị thi công chưa thể hoàn thành các hạng mục như kế hoạch.
Ông Phạm Vũ Hiệp, cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Thịnh Vượng TVT cho biết: Hầu hết các cột điện này nằm vào phạm vi lòng đường, rãnh thoát nước nên nhiều vị trí phải bỏ lại không thi công được nền đường, rãnh thoát nước, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn lao động, an toàn điện và an toàn giao thông trên tuyến.
Tại dự án nâng cấp cải tạo đường tỉnh 454, đoạn từ thành phố Thái Bình đến cầu Sa Cao, trong đó giai đoạn 1 của dự án có chiều dài gần 3,5km, đoạn từ đầu tuyến đến nút giao với đường ĐH.13. Dự án được khởi công từ tháng 9/2021, thời gian thực hiện hợp đồng là 25 tháng, theo đó thời hạn chỉ còn 5 tháng. Đến nay, đơn vị thi công đã hoàn thành nền mặt đường đến lớp bê tông nhựa C19 đạt 2,5/3,47km; thi công đến lớp cấp phối đá dăm loại 2 được 2,9/3,47km; thi công rãnh dọc 3,9/4,9km; sản lượng xây lắp đạt khoảng 101/137 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của chủ đầu tư dự án và đơn vị thi công, dự án có nguy cơ không hoàn thành đúng kế hoạch nếu “nút thắt” về mặt bằng lưới điện không sớm được giải quyết.
Ông Nguyễn Kim Tuyến, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Môi trường xanh Long Hưng cho biết: Hiện dự án còn vướng mắc mặt bằng của 35 cột điện và 2 trạm biến áp; trong đó, giai đoạn 1 của dự án còn 16 cột trung thế chưa được di dời. Đơn vị thi công đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương và ngành điện để tháo gỡ, tuy nhiên quá trình triển khai vẫn chậm dẫn đến việc thi công bị ngắt quãng, ảnh hưởng tới tiến độ cũng như chất lượng công trình.
Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 455 đoạn từ xã An Dục, huyện Quỳnh Phụ đến đường tỉnh 456, huyện Thái Thụy còn vướng mặt bằng 60 cột điện.
Nguy cơ chậm tiến độ vì hạ tầng lưới điện
Ông Bùi Châu Bình, Trưởng phòng Điều hành dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết, nhiều dự án giao thông đã thi công hoàn thành cơ bản các hạng mục, nhưng vì hạ tầng lưới điện chậm di chuyển khiến dự án chậm tiến độ, nhiều lần phải xin gia hạn. Dự án tuyến đường tỉnh 454 (đường 223 cũ) đoạn từ đường Trần Thái Tông đến nút giao với quốc lộ 10 tại khu công nghiệp TBS Sông Trà là một ví dụ điển hình. Được khởi công từ tháng 9/2020, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2022, tuy nhiên, dự án đã phải xin gia hạn hợp đồng vì nhiều vướng mắc liên quan đến GPMB, trong đó có việc chậm di chuyển hệ thống lưới điện trên tuyến.
Anh Đoàn Quang Nam, chỉ huy thi công công trình, Công ty Cổ phần Quản lý đường bộ Thái Bình cho biết: Trong quá trình triển khai thi công dự án, do vướng mắc mặt bằng trên 20 cột điện, nên đơn vị thi công đành phải khắc phục, thi công theo kiểu “xôi đỗ” làm nền đường, đặt rãnh nước tại các vị có mặt bằng, còn lại để chờ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ cũng như chất lượng công trình. Ngoài ra, khi chúng tôi thi công rải thảm, láng nhựa mặt đường xong, nhiều cột điện vẫn “chình ình” giữa đường, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Đến cuối năm 2022, nhờ sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của chính quyền các cấp cũng như sự vào cuộc, phối hợp tích cực, đồng bộ của các ngành chức năng và đơn vị thi công, những vướng mắc này mới được giải quyết.
Trong 5 dự án mà Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đang quản lý và triển khai thi công hiện đang vướng mắc 259 cột điện và 4 trạm biến áp. Hiện quá trình thi công gặp nhiều khó khăn do vướng mặt bằng tại các vị trí cột điện. Hầu hết các cột điện này nằm vào phạm vi lòng đường, rãnh thoát nước nên nhiều vị trí phải bỏ lại không thi công được nền đường, rãnh thoát nước, gây mất an toàn lao động, an toàn điện và mất an toàn cho người tham gia giao thông.
Để bảo đảm tiến độ thi công xây dựng các dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị Công ty Điện lực Thái Bình và UBND các huyện, thành phố về việc phối hợp di chuyển hệ thống hạ tầng đường điện phục vụ thi công các công trình giao thông. Trong đó, đề nghị Công ty Điện lực Thái Bình khẩn trương lập phương án di chuyển ra khỏi phạm vi mặt bằng dự án, sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai vẫn “dậm chân tại chỗ”, kéo theo nguy cơ chậm tiến độ của nhiều dự án.
Cột điện giữa đường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
(còn nữa)
Nguyễn Thơi