Đỉnh Chư Hreng là điểm săn mây đẹp nhất tỉnh Kon Tum và có thể nhìn thấy một phần khung cảnh tỉnh Gia Lai do nằm giáp ranh giới hai tỉnh.
Dãy núi Chư Hreng nằm ở phía nam của TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum với tổng chiều dài khoảng 11km, bắt đầu từ Làng Kon K’Tu, xã Đắk Rơ Wa và kết thúc ở Đèo Sao Mai, xã Hòa Bình. Điểm cao nhất của dãy núi có độ cao khoảng hơn 1.152m so với mực nước biển.
Dãy núi nằm giáp ranh giới hành chính hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Từ trên đỉnh núi phóng tầm mắt ra xa có thể thấy toàn bộ TP Kon Tum ở phía bắc và những dãy núi trùng điệp thuộc địa phận Chư Păh, tỉnh Gia Lai ở phía nam, theo trang web Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.
Ngoài không khí mát mẻ, trong lành, mỗi sáng sớm trên đỉnh núi Chư Hreng lại xuất hiện những biển mây trắng dày, bồng bềnh và trải rộng trên phạm vi lớn. Do vậy, Chư Hreng trở thành điểm check in, cắm trại săn mây đẹp nhất tỉnh Kon Tum, theo trang web Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.
Trong chuyến đi về Kon Tum đón Tết trung thu, Nguyễn Đình Hoàng Khánh (29 tuổi, TP HCM) được một người bạn bản địa là anh Đào Viết Việt (29 tuổi) giới thiệu về Chư Hreng. Anh đã quyết định đến trải nghiệm săn mây vào ngày 30/9.
Chuyến trekking bắt đầu vào khoảng 4h sáng tại nghĩa trang Chư Hreng, xã Chư Hreng. Quãng đường từ chân núi lên đỉnh khoảng 3,5km, thông thường mất khoảng hơn một tiếng đi bộ. Tuy nhiên trong đoàn có thành viên nữ, thời gian nghỉ giữa đường khá nhiều nên nhóm mất khoảng hai tiếng mới đến nơi.
Di chuyển khi trời còn tối nên khi nhìn về phía sau có thể quan sát thấy toàn cảnh TP Kon Tum vẫn còn lấp lánh ánh đèn trong đêm. Đến khoảng 5h, trời hửng sáng, khung cảnh đập Đăk Yên (hồ thủy lợi Đăk Yên), xã Hòa Bình dần hiện ra rõ ràng hơn.
Khi lên cao, cảnh vật, địa hình và khí hậu dần thay đổi. Những dãy cỏ lau, cây dại nhường chỗ những cây thông, loài cây ôn đới cận nhiệt. Núi Chư Hreng hiện còn diện tích rừng nguyên sinh khoảng 20 ha với 15 ha mọc tập trung và gần 5 ha rải rác, còn lại là rừng tái sinh (khoảng 1.000 ha). Khí hậu trên đỉnh núi cũng trở nên mát mẻ, trong lành hơn.
Với anh Khánh, quãng đường từ chân núi lên đỉnh không khó khăn vì đây là con đường người dân thường xuyên qua lại. Dù chưa lên điểm cao nhất, trên đường đi, anh đã có thể nhìn thấy những lớp mây trắng nhạt bay lưng chừng.
Lên đến đỉnh, anh Khánh bất ngờ vì “với độ cao chỉ khoảng 1.000 m nhưng các lớp mây rất dày, bồng bềnh và trắng xốp như bông gòn”. Có thời điểm, mây tràn lên che khuất các đỉnh núi phía xa, tạo nên khung cảnh biển mây trải dài vô tận và “đẹp không thua kém các địa điểm săn mây nổi tiếng ở vùng núi phía Bắc”, anh nói.
Theo anh, Chư Hreng là một điểm đến lý tưởng và dễ tiếp cận cho những du khách phía nam.
Vì thời gian có hạn nên anh Khánh và nhóm bạn chỉ lên đỉnh Chư Hreng đón bình minh, ăn sáng và uống cà phê. Đến khoảng 8h khi mặt trời đã lên cao, cả nhóm thu dọn rác và đồ đạc để trở về.
Ngoài săn mây, trên đỉnh Chư Hreng có nhiều bãi đất trống, thảm cỏ xanh và những mỏm đá lớn, thích hợp để cắm trại tự túc. Anh Việt đã nhiều lần đến cắm trại qua đêm và săn mây tại đây.
Theo anh Việt, khoảng thời gian dễ săn mây trên đỉnh Chư Hreng nhất là từ tháng 7 đến cuối tháng 11. Trong những tháng còn lại vẫn có thể xuất hiện biển mây nhưng tỉ lệ không cao. Trước khi có ý định đến săn mây, du khách nên kiểm tra trước thời tiết và nên đi vào thời điểm sau cơn mưa khoảng một ngày. Lúc này mây sẽ lên dày và đẹp hơn.
Đã được đón bình minh và biển mây tại đây, Khánh cho biết anh sẽ sớm quay lại nơi này để ngắm hoàng hôn và cắm trại qua đêm, đợi thành phố lên đèn.
Quỳnh Mai
Ảnh: Nguyễn Đình Hoàng Khánh