(Dân trí) – Ngày 10/7, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ký công văn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh này về việc kiến nghị, đề xuất một số chủ trương phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn.
Quảng Nam là một trong 2 địa phương tại Việt Nam, cùng với tỉnh Kon Tum, sở hữu cây đặc hữu sâm Ngọc Linh – được xem là cây quốc bảo.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, công tác bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh thời gian qua đã đạt được những kết quả bước đầu; tuy nhiên còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết.
Cây sâm được trồng dưới tán rừng ở xã Trà Linh, huyện Nam Trà My (Ảnh: Hoàng Thọ).
Theo Luật Đất đai năm 2024, việc cho thuê môi trường rừng trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất để nuôi trồng cây dược liệu được quy định rõ ràng. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể về trình tự thủ tục hồ sơ, thời gian thuê, mức giá thuê và hạn mức thuê để triển khai thực hiện tại địa phương.
Đồng thời, Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ quy định sâm Ngọc Linh (tự nhiên) thuộc nhóm IA, được cấp mã số cơ sở nuôi trồng vì mục đích xuất khẩu. Tuy nhiên vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để xác định sâm Ngọc Linh tự nhiên và sâm Ngọc Linh nuôi trồng nhân tạo.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, việc này gây khó khăn trong cấp mã số cho cơ sở nuôi trồng, triển khai phát triển sản xuất, kinh doanh hướng đến xuất khẩu sâm Ngọc Linh nuôi trồng nhân tạo; ảnh hưởng đến quản lý và phát triển sản xuất cây sâm Ngọc Linh tại địa phương.
Tỉnh Quảng Nam đã quy hoạch hơn 15.500ha bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh (Ảnh: Hoàng Thọ).
Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc cấp, quản lý mã số vùng trồng cho cây sâm Ngọc Linh và các loài cây dược liệu khác trồng trên đất lâm nghiệp, dưới tán rừng tự nhiên. Việc xác định cây sâm Ngọc Linh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chưa được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, hạ tầng để kiểm định, phân định rõ ràng.
Tình trạng sâm Ngọc Linh giả vẫn diễn ra thường xuyên và phức tạp, ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng cây sâm Ngọc Linh. Do đó, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh này kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành luật sâm Việt Nam.
Tỉnh Quảng Nam cũng kiến nghị Chính phủ chủ trương đầu tư hạ tầng thủ phủ vùng sâm Ngọc Linh, nâng cấp quốc lộ 40B (đoạn huyện Bắc Trà My, giáp tỉnh Kon Tum, dài 45km) với kinh phí dự kiến khoảng 1.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, đề xuất đầu tư xây dựng tuyến đường chiến lược vùng sâm Ngọc Linh (dài 60km) với kinh phí khoảng 911 tỷ đồng. Chính phủ cũng nên kêu gọi và thu hút các tập đoàn lớn vào đầu tư phát triển sâm tại Quảng Nam và chọn một ngày trong năm để người dân Việt Nam sử dụng sâm Việt Nam (đề xuất ngày 1/8 hàng năm).
Quảng Nam đã quy hoạch diện tích vùng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh hơn 15.500ha. Tỉnh này đang nghiên cứu trồng di thực sâm Ngọc Linh ở một số địa phương khác có điều kiện tương đồng để mở rộng, phát triển diện tích trồng sâm Ngọc Linh.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 2 đơn vị sự nghiệp công lập nhà nước đang chăm sóc và bảo vệ vườn sâm giống gốc tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My: Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nam Trà My.
Trong giai đoạn 2018-2020, các đơn vị đã cung ứng cho doanh nghiệp và người dân gần 48.000 cây giống sâm Ngọc Linh 1 năm tuổi, thu về hơn 9.600 tỷ đồng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có trên 10 doanh nghiệp thu mua và chế biến sâm Ngọc Linh. Các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh bao gồm trà túi lọc, mật ong sâm, dung dịch uống và viên ngậm sâm…
Nguồn: https://dantri.com.vn/xa-hoi/quang-nam-kien-nghi-quoc-hoi-ban-hanh-luat-sam-viet-nam-20240710101543416.htm