Hiện nay, ngành Du lịch tỉnh đang từng bước tiếp cận với du lịch thông minh, đẩy mạnh công nghệ hóa, đa dạng các sản phẩm ứng dụng về du lịch để bắt kịp xu thế phát triển du lịch trong thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng công nghiệp 4.0).
Ông Nguyễn Văn Bình- Giám đốc Sở VH, TT&DL cho biết: “Du lịch thông minh được xây dựng trên nền tảng của công nghệ thông tin và truyền thông; trong đó việc chuyển đổi số sẽ thúc đẩy tương tác, kết nối chặt chẽ giữa nhà quản lý, doanh nghiệp và du khách, giúp nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ. Với tiềm năng thế mạnh sẵn có, ngành Du lịch tỉnh đang nỗ lực xây dựng hệ thống du lịch thông minh, cải thiện cơ sở dữ liệu, hạ tầng để tối ưu hóa hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá, mở rộng thị trường, phát triển du lịch trực tuyến, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng thương hiệu du lịch của tỉnh”.
Video clip về du lịch là một trong những sản phẩm tiềm năng giúp xúc tiến, quảng bá du lịch trên nền tảng số. Ảnh: H.T
Thực hiện kế hoạch phát triển du lịch số giai đoạn 2021- 2025, Sở VH, TT&DL phối hợp với Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng công tác chuyển đổi số trong hoạt động du lịch. Nội dung tập huấn nhằm tập trung vào việc xây dựng các nền tảng số hỗ trợ du lịch như: Ứng dụng Du lịch Việt Nam- Vietnam Travel; Nền tảng “Quản trị và kinh doanh du lịch”; Hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam; Hệ thống thẻ-vé điện tử; Thẻ du lịch thông minh; Hệ thống thuyết minh đa phương tiện (multimedia guide); Kênh truyền thông trên các nền tảng số. Đồng thời, thành lập trang website du lịch với 2 tên miền: dulichkontum.com.vn, kontumtourism.com.vn; xây dựng các tiện ích về bản đồ, tìm đường, giới thiệu quảng bá các điểm du lịch, vui chơi giải trí, ẩm thực, shopping, tích hợp vào trang website du lịch của tỉnh.
Các địa phương của tỉnh chú trọng đẩy mạnh triển khai thực hiện, chỉ đạo các đơn vị, hộ kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động du lịch kết nối liên thông các hệ thống đã có với các nền tảng số được xây dựng. Qua đó, đưa sản phẩm du lịch lên các nền tảng số, giúp tăng cường tương tác với du khách để kịp thời nắm bắt nhu cầu, thị hiếu và xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp.
Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 30% doanh nghiệp du lịch có website để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Nhiều khách sạn, nhà hàng, điểm vui chơi đã có wifi miễn phí; các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng mã code QR thuyết minh thông tin về di tích bằng ngôn ngữ Việt – Anh.
Có thể kể đến xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum) là một trong những địa phương tiên phong trong việc chuyển đổi số, đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để quảng bá những nét văn hóa đặc trưng của ĐBDTTS tại chỗ, góp phần phát triển hiệu quả du lịch cộng đồng tại địa phương.
Phát triển nền tảng số du lịch giúp du khách chủ động hơn với những trải nghiệm tại địa phương. Ảnh: HT
Bà Y Khiêm- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa cho biết: “Xã Đăk Rơ Wa đã đăng tải tin, bài về du lịch trên trang TTĐT của địa phương. Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ người dân chuyển dịch từ mô hình kinh doanh, tiếp thị truyền thống sang mô hình kinh doanh hiện đại; xây dựng các trang web, facebook, zalo để quảng bá, xúc tiến du lịch. Tiêu biểu như Làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu, hiện có 6 hộ làm homestay đã xây dựng Website, Facebook riêng nhằm cung cấp hình ảnh dịch vụ, thông tin để du khách tìm hiểu, lựa chọn từ xa; 100% khách đến lưu trú đều đặt trực tuyến”.
Bà Lê Thị Tiến- Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh cho biết: “Thực hiện công tác thông tin và xúc tiến du lịch, chúng tôi đã đi đầu, đưa các sản phẩm du lịch lên các nền tảng số để đem đến cho người dân, du khách những thông tin, trải nghiệm chân thực, sinh động. Qua đó, giúp tăng lượng tương tác, thu hút du khách đến với website dulichkontum.com.vn, các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo và Youtube của Trung tâm”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu, việc chuyển đổi số, xây dựng nền du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Một trong những nguyên nhân là do hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, mang tính tự phát; điều kiện hạ tầng, thiết bị thông tin của các địa phương, đơn vị chưa đồng đều; nguồn lực công nghệ thông tin thiếu hụt.
Vì vậy, rất cần sự chung tay của ngành chức năng và các doanh nghiệp, người dân làm du lịch trên lộ trình chuyển đổi số du lịch, hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh; xây dựng, khai thác tốt cơ sở dữ liệu về du lịch để phát triển du lịch bền vững.
Theo đó, thời gian tới, một trong những giải pháp quan trọng mà ngành Du lịch tỉnh hướng đến là tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch thông minh, nâng cấp Cổng thông tin du lịch; duy trì sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị, địa phương trong việc sử dụng hệ thống phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu du lịch; tăng cường hoạt động số hóa di sản, xây dựng cơ sở dữ liệu và ứng dụng trên nền tảng số đối với các công trình lịch sử, văn hóa.
Song song với đó, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho người dân và du khách nhằm nâng cao nhận thức về gìn giữ môi trường du lịch, phát triển du lịch theo hướng thông minh, bền vững; tăng cường quảng bá thông tin trên các trang mạng xã hội (như Tiktok, Youtube, Facebook, Twitter, Instagram, Google map); đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch thông minh, đội ngũ nhân lực có trình độ nghiệp vụ cao, chuyên nghiệp và có những hiểu biết cũng như kỹ năng về ICT.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để hình thành hệ sinh thái du lịch giữa 3 đối tượng: du khách, chính quyền, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, hướng đến xây dựng ngành Du lịch tỉnh Kon Tum trở thành điểm đến an toàn, thân thiện và mến khách.
Hoàng Thanh