Việc lấy phiếu tín nhiệm được coi như một “cuộc sát hạch giữa nhiệm kỳ”, giúp những người được lấy phiếu thấy được mức độ tín nhiệm của mình, từ đó có phương hướng rèn luyện, cống hiến, nâng cao hiệu quả công việc.
HĐND tỉnh khóa XI lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND tỉnh bầu, phê chuẩn (năm 2018). Ảnh: HL
Trong vài ngày qua, sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận nhất chính là việc Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 44 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn, diễn ra vào ngày 25/10, theo Nghị quyết số 96/2023/QH15 ngày 23/6/2023 của Quốc hội.
Điều này cũng cho thấy, cử tri và nhân dân ta không hề thờ ơ trước những sự kiện chính trị lớn của đất nước và luôn đặt niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; chứ không như luận điệu rêu rao xuyên tạc của các thế lực thù địch trên mạng xã hội trong thời gian qua.
Như bất cứ cử tri nào, tôi đặc biệt quan tâm, theo dõi hoạt động này, với tất cả niềm tin và kỳ vọng.
Đây là lần thứ 4 việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện tại Quốc hội sau các năm 2013, 2014, 2018. Thống kê cho thấy, trong cả ba lần trước, không có ai bị trên 50% tín nhiệm thấp.
Mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn chính là sự ghi nhận, đánh giá của đại diện cử tri đối với những nỗ lực trong thực thi quyền hạn, nhiệm vụ được giao và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Việc này nhằm tăng cường hiệu quả giám sát, bảo đảm Quốc hội thực hiện tốt hơn trách nhiệm của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, thay mặt nhân dân giám sát người giữ chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là cơ sở quan trọng để cấp có thẩm quyền đánh giá cán bộ, thực hiện quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ một cách hiệu quả, đúng người, đúng việc; khuyến khích những người tín nhiệm thấp tự nguyện từ chức; kịp thời đưa ra khỏi vị trí lãnh đạo những người không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ mà không phải chờ đến hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.
Mặt khác, việc lấy phiếu tín nhiệm được coi như một “cuộc sát hạch giữa nhiệm kỳ”, giúp những người được lấy phiếu thấy được mức độ tín nhiệm của mình để có phương hướng khắc phục khuyết điểm, thiếu sót, từ đó tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, phát huy tối đa năng lực và nhiệt huyết để cống hiến, nâng cao hiệu quả công việc. Nhất là trong tình hình một bộ phận cán bộ, lãnh đạo thoái hóa, biến chất bị xử lý, kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự cả ở trung ương và địa phương.
Không phụ niềm tin và kỳ vọng của cử tri và nhân dân, kết quả lấy phiếu tín nhiệm 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn được công bố chiều 25/10 cho thấy, Quốc hội đã thể hiện sự khách quan, thận trọng, công tâm và trách nhiệm trong đánh giá mức độ tín nhiệm của mình đối với người được lấy phiếu.
Việc xem xét, đánh giá trên cơ sở quan điểm toàn diện, tổng thể, trong đó có nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực mà người được lấy phiếu đảm nhiệm; về phẩm chất, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật.
Các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu, xem xét không chỉ riêng về giải quyết của ngành mà thể hiện cả lập trường chính trị, quan điểm, năng lực điều hành, tinh thần trách nhiệm của các chức danh được Quốc hội bầu, phê chuẩn tại ngành đó.
Các đại biểu cũng đã cân nhắc kỹ lưỡng trước khi bỏ lá phiếu. Ví dụ như, có những ngành ban đầu có dư luận này, dư luận khác nhưng khi phát hiện ra thì họ đã xử lý như thế nào, có quyết tâm hay không? Có thỏa đáng hay không? Có nhận được sự đồng thuận hay không? Chứ không có nghĩa, khi có vấn đề này, vấn đề khác, có dư luận xã hội lại đổ lên đầu lãnh đạo.
|
Cử tri tin, việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện chặt chẽ, khoa học, đảm bảo khách quan, thận trọng; người bỏ phiếu sẽ tinh tường, công tâm, loại bỏ được tình trạng nể nang, không bày tỏ chính kiến, không làm tròn trách nhiệm.
Những lá phiếu được bỏ trong ngày 25/10 không bị chi phối bởi cảm tình, nể nang hay lý do nào đó. Việc nào ra việc ấy, tình riêng là tình riêng, phép công là phép công. Không vì tình riêng mà phụ lòng cử tri trông đợi; không vì lý do nào đó để mất sự tin cậy của nhân dân.
Bên cạnh đó, cử tri tin vào sự công bằng. Có thể nói, những người công tác ở cơ quan công quyền thường va chạm với nhiều người, do thực tế công việc của họ có tác động trực tiếp, trực diện giải quyết các công việc hằng ngày, nhất là trong các lĩnh vực dân sinh bức xúc như giáo dục, y tế, giao thông, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Càng tin các đại biểu Quốc hội có nhiều luồng thông tin khác nhau để soi rọi dưới các góc nhìn khác nhau, từ đó có thể “tiếp cận gần chân lý nhất”- nghĩa là từng lá phiếu có độ chính xác cao nhất.
Và cử tri kỳ vọng, khi kết quả kiểm phiếu được công bố, người được nhiều tín nhiệm cao sẽ thêm phấn khởi, tiếp tục phát huy. Người được nhiều phiếu tín nhiệm thấp sẽ có thêm “liều thuốc” nhắc nhở cần cố gắng, nỗ lực hơn khi thực hiện chức trách.
Hẳn rằng, thực hiện Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị và Nghị quyết số 96/2023/QH15 ngày 23/6/2023 của Quốc hội về việc Quốc hội, HĐND lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, sau Quốc hội, sẽ đến địa phương triển khai việc này.
Như vậy, sẽ có đợt “lửa thử vàng” đối với các chức danh do HĐND bầu, phê chuẩn.
Hồng Lam