“Ơ Giàng, xin phù hộ cho cột nhà rông của làng luôn vững, mái nhà rông của làng luôn bền, dân làng làm được nhiều lúa gạo, không xảy ra dịch bệnh, ốm đau” – lời khấn của già làng A Thơr vọng về trong tiếng cồng chiêng, báo hiệu làng chính thức có nhà rông mới.
Dân làng làm nhà rông mới. Ảnh: TH
Suốt mấy ngày qua, dân làng vui lắm, bởi việc làm nhà rông mới của làng đã hoàn thành. Làm gì thì làm, mỗi sáng thức dậy hay mỗi khi chiều về, ai cũng tranh thủ ra ngắm mái nhà rông sừng sững, cao vút như một nhát rìu chém lên nền trời xanh.
Nhà rông của làng đấy, nó được dựng lên bằng chính mồ hôi công sức của mình, của dân làng mình- ai cũng tự hào nghĩ vậy và nói vậy.
Ngày mừng nhà rông mới, làng vui như hội. Phụ nữ đem những bộ váy áo mới nhất, đẹp nhất ra mặc, đàn ông đem cồng chiêng ra đánh những bài hay nhất để mừng nhà rông mới, mừng thần linh có nơi trú ngụ đẹp đẽ, dân làng có nơi để sinh hoạt cộng đồng đúng bản sắc.
Lễ mừng nhà rông mới bắt đầu bằng nghi thức khấn thông báo cho thần linh biết, chỉ có già làng A Thơr và người già tham gia. Để thực hiện nghi thức, già làng chuẩn bị một con gà, một dàn cúng nhỏ đặt tại cầu thang phía Đông nhà rông (cầu thang phụ).
Ông khấn to mong Giàng “phù hộ cho dân làng tổ chức lễ hội được may mắn, người đi chặt cây nêu không bị thương, không bị ngã, không trúng dao, trúng rựa.
“Ơ Giàng, xin phù hộ cho cột nhà rông của làng luôn vững, mái nhà rông của làng luôn bền, dân làng làm được nhiều lúa gạo, không xảy ra dịch bệnh, ốm đau” – lời khấn của già làng A Thơr vọng về trong tiếng cồng chiêng, báo hiệu làng chính thức có nhà rông mới.
Vậy là bây giờ, đêm đêm, người già, trẻ con, đàn ông, đàn bà trong làng lại được tụ tập lên nhà rông để hội họp, sinh hoạt cộng đồng cùng nhau.
Nhà rông của làng được xây dựng theo kiến trúc nhà rông truyền thống của dân tộc Xơ Đăng, cao 12m, dài 11m và rộng 9m, tổng kinh phí trên 200 triệu đồng. Trong đó Nhà nước hỗ trợ gần 160 triệu đồng, nhân dân đóng góp phần còn lại và ngày công lao động.
Đêm ấy, già A Thơr mời chúng tôi ở lại nhà rông, uống rượu ghè, ăn chuột rừng nướng, cá suối nấu măng và nghe kể chuyện làm nhà rông. Cái lạnh của rừng già, cho dù chưa cắt da cắt thịt, nhưng vẫn theo gió núi len lỏi qua kẽ liếp nhà rông, khiến mọi người xích gần bếp lửa đang rừng rực cháy.
Già làng A Thơr nâng cần rượu, mắt lim dim: Vậy là hồn làng đã có nơi trú ngụ khang trang rồi. Với người Xơ Đăng chúng tôi, không có nhà rông thì không thành làng, thần linh không về, vì đâu có nơi trú ngụ.
Lời già A Thơr lúc to, lúc nhỏ trong tiếng củi thông nổ lép bép: Làng có 150 hộ, chủ yếu là người Xơ Đăng. Được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, huyện, làng đã đạt được 6/10 tiêu chí về xây dựng thôn nông thôn mới. Diện mạo của làng thay đổi nhiều. Nhà cửa được sửa sang ấm cúng hơn; đường thôn được mở rộng ra, kéo dài thêm.
Người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất; biết dựng vườn trồng cây ăn quả, nuôi gia cầm, đào ao thả cá, không còn trông chờ, ỷ lại vào nhà nước mà tự tay xây dựng cuộc sống mới cho mình. Đây thật sự là một cuộc “cách mạng” trong tư tưởng của bà con.
Nhưng bà con vẫn đau đáu một điều là làng chưa có nhà rông. Với người Xơ Đăng, khi lập làng, việc đầu tiên là dựng nhà rông, bởi đó là nơi thần linh trú ngụ. Nhà rông luôn nằm ở vị trí đẹp nhất, hàng năm, những lễ hội vẫn diễn ra ở đó. Dù có lưu lạc đến đâu, dân làng vẫn dựng nhà rông, để cháu con mai sau biết ông bà mình có ngôi nhà chung như thế.
Dưới mái nhà rông, đêm này qua đêm khác, có khi kéo dài đến hàng chục đêm, những người già thường hát kể cho con cháu nghe những bản trường ca về những người anh hùng huyền thoại và về sự hình thành vũ trụ cùng sự sống trên trái đất này.
Dưới mái nhà rông, đêm đêm, ngay từ tấm bé, đứa trẻ đã được theo cha hay mẹ đến dự những buổi tụ hội cả làng ở nhà rông.
Quanh bếp lửa, qua trò chuyện, ca hát, chơi đùa, thậm chí cả la đà bên ghè rượu, người đi trước truyền cho sau, từ đời này sang đời khác cách trỉa lúa trên rẫy, cách xem trời nắng mưa, cách sống với rừng và với người, cách ứng xử với người già, người trẻ, người quen, người lạ, với bạn với thù, với người còn sống và người đã chết và với thần linh.
Dưới mái nhà rông, dân làng hội họp, bàn bạc, quyết định những vấn đề lớn nhỏ liên quan đến đời sống của dân làng; là nơi tiếp khách của làng; nơi già làng chủ trì thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng của cộng đồng làng.
|
Trước đây, làng cũng từng có nhà rông, tuy nhỏ nhưng cũng có nơi sinh hoạt. Vào một năm, mưa bão giật sập nhà rông ấy. 7 năm trước, dân làng dựng một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ, gọi là nhà văn hóa, để làm nơi hội họp.
Dù vậy, người già buồn, người trẻ cũng buồn. Bởi đây vẫn không phải nhà rông trong tâm tưởng của mọi người.
Thật vui khi mới đây, Nhà nước hỗ trợ dân làng dựng nhà rông mới. Dân làng nô nức góp công, góp của, với mong ước nhanh hoàn thành nhà rông.
Sau mấy tháng lo toan, nhà rông được dựng trên khoảnh đất đẹp nhất làng, vững chãi và bề thế, khiến già A Thơr cười mãi, như cô con gái nói “ông già không khép miệng lại được nữa rồi”.
Câu chuyện cứ thế kéo dài, kéo dài. Tôi mơ màng chợp mắt bên bếp lửa ấm sực. Ở ngoài kia, gió núi quất ù ù, báo hiệu chuyển mùa.
Và cũng trong sự mơ màng ấy, tôi thấy già A Thơr cười mãn nguyện khi nhìn mái nhà rông cao lớn sừng sững nơi đại ngàn hùng vĩ.
Thành Hưng