(kontumtv.vn) – Ngay từ đầu năm 2025, một số ngân hàng đã tung các gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng cũng như kích cầu tín dụng trong giai đoạn cao điểm mua sắm Tết Nguyên đán. Với mức tăng trưởng GDP phấn đấu trên 8%, các ngân hàng được nhận định sẽ có nhiều dư địa đẩy tín dụng trong năm nay.
Lãi vay ưu đãi chỉ từ 3,5%/năm
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa công bố gói tín dụng ưu đãi lên đến 110.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân. Đây được xem là bước đi chiến lược của ngân hàng này trong việc kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm mua sắm Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Theo Agribank, trong gói tín dụng này, ngân hàng dành riêng 30.000 tỷ đồng cho các khoản vay phục vụ đời sống, với lãi suất vay ngắn hạn chỉ từ 4,5%/năm, thấp hơn tối đa 1% so với lãi suất thông thường và 6%/năm đối với khoản vay trung dài hạn được áp dụng trong giai đoạn đầu.
Để hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tạo động lực tiêu dùng hàng hóa nội địa, Agribank cũng phân bổ 70.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi trong gói tín dụng này nhằm hỗ trợ khách hàng đầu tư và mở rộng hoạt động sản xuất.
Bên cạnh đó, Agribank thiết kế gói 50.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu vốn lưu động nhanh chóng cho các cá nhân và hộ kinh doanh nhỏ lẻ với lãi suất; gói 20.000 tỷ đồng cho các khoản vay trung và dài hạn với lãi suất từ 6%/năm, nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân thực hiện các kế hoạch đầu tư lớn hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh lâu dài.
Đáng chú ý, các dự án xanh, thân thiện môi trường sẽ được vay với sàn lãi suất chỉ từ 3,5%/năm. Nội dung này nằm trong gói tín dụng xanh của Agribank có giá trị 10.000 tỷ đồng, dành cho khách hàng cá nhân mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực xanh, vốn thường đòi hỏi chi phí khởi đầu cao.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng vừa thông báo triển khai chương trình cho vay lãi suất ưu đãi chỉ từ 4,6%/năm dành cho khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh ngắn hạn. Đáng chú ý, quy mô gói tín dụng này lên tới 250.000 tỷ đồng, được ngân hàng áp dụng từ ngày 1/1/2025.
Không chỉ riêng 2 ngân hàng trên, nhiều ngân hàng thương mại khác cũng đang lên kế hoạch giải ngân vốn ngay từ đầu năm với các gói tín dụng ưu đãi dành cho từng nhóm khách hàng ưu tiên. Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%, tăng thêm khoảng 1% so với kết quả năm 2024.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, việc đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay được đưa ra dựa trên cơ sở đánh giá kết quả năm qua và mục tiêu tăng trưởng kinh tế được Quốc hội đặt ra và Chính phủ đang phấn đấu đạt trên 8%. Dù vậy, điều này sẽ còn tùy thuộc vào điều kiện thực tế và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Trước đó, cuối tháng 12/2024, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi các ngân hàng thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025. Điều này giúp các ngân hàng thương mại có sự chủ động rất lớn trong việc triển khai hoạt động kinh doanh trong năm.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến thực tế để điều hành tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng một cách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Qua đó giúp cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và đảm bảo an toàn hệ thống, gắn với ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Động lực tăng trưởng tín dụng đến từ đâu?
Tại hội nghị nhà đầu tư mới đây, ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, năm 2025, ngân hàng sẽ dành ít nhất 50% room tín dụng cho phân khúc bán lẻ và các doanh nghiệp vừa và nhỏ; phần còn lại phân bổ cho các doanh nghiệp lớn. Trong số đó, các doanh nghiệp thuộc nhóm lĩnh vực ưu tiên vẫn sẽ được ngân hàng này tập trung đẩy mạnh cho vay.
Theo ông Phạm Như Ánh, chiến lược tập trung vào phân khúc bán lẻ được ngân hàng này lên kế hoạch cho giai đoạn phát triển 2022 – 2026. Tuy nhiên, trong hai năm qua, tín dụng bán lẻ tăng trưởng khá chậm, do thị trường bất động sản đóng băng, nhu cầu mua nhà của người dân chững lại, trong khi nền kinh tế còn khó khăn nên người dân cũng hạn chế đầu tư. Do đó, trong thời gian tới, MB sẽ ưu tiên tập trung phát triển mảng bán lẻ để đảm bảo chiến lược đề ra.
Lãnh đạo MB cũng cho biết, bước sang năm 2025, dự báo nền kinh tế sẽ khởi sắc hơn, Chính phủ kỳ vọng tăng trưởng 8 – 10%. Nếu tăng trưởng GDP đạt kết quả cao, các ngân hàng sẽ nhiều dư địa để cho vay. Tăng trưởng tín dụng của MB dự kiến có thể đạt từ 25 – 26% trong năm nay.
Dưới góc độ của chuyên gia, ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital nhận định, năm 2025, các ngân hàng vẫn sẽ là bên hưởng lợi từ sự chuyển dịch sang tăng trưởng GDP nhờ vào các yếu tố nội tại. Bởi lẽ, các ngân hàng tài trợ gần như tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế trong nước; đồng thời cũng cho vay nhiều đối với bất động sản và tiêu dùng – những lĩnh vực dự kiến sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế trong năm 2025.
Theo VinaCapital, Chính phủ sẽ có những biện pháp cụ thể để thúc đẩy thị trường bất động sản. Tăng trưởng cho vay mua nhà theo đó có thể tăng gấp đôi từ 10% năm 2024, lên gần 20% trong năm nay. Thị trường bất động sản phục hồi cũng sẽ thúc đẩy niềm tin tiêu dùng, từ đó kéo theo các mảng cho vay tiêu dùng có biên lãi ròng cao như cho vay mua ô tô và mua sắm trả góp.
“Chính phủ dự định sẽ hỗ trợ tăng trưởng GDP năm 2025 bằng cách đẩy mạnh đầu tư công, nhờ đó kỳ vọng sẽ mở rộng thêm cơ hội cho vay cho các ngân hàng. Tổng hòa việc đẩy mạnh đầu tư công, bất động sản và tiêu dùng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và cải thiện chất lượng tài sản của các ngân hàng”, ông Michael Kokalari nhận định.
VinaCapital dự báo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống sẽ duy trì ở mức khoảng 15% trong năm 2025. Trong số đó, tăng trưởng cho vay phân khúc khách hàng cá nhân vốn có biên lợi nhuận cao dự kiến sẽ tăng tốc từ khoảng 12% năm 2024 lên 15% năm nay. VinaCapital cũng kỳ vọng các ngân hàng sẽ đẩy mạnh cho vay các dự án hạ tầng, cho vay kinh doanh bất động sản, nhất là khi thị trường này tiếp tục phục hồi.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng do Vụ Dự báo, Thống kê (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) mới công bố cho thấy, nhu cầu tín dụng năm 2025 được kỳ vọng tăng đối với tất cả các lĩnh vực, đối tượng, loại tiền và kỳ hạn. Trong đó, lĩnh vực phát triển công nghiệp và xây dựng có tỷ lệ tổ chức tín dụng dự báo nhu cầu vay vốn tăng cao nhất; theo sau là nhu cầu vay phục vụ đời sống, tiêu dùng và nhu cầu vay thương mại – dịch vụ và lĩnh vực vay phát triển nông, lâm, thủy sản.
Các tổ chức tín dụng dự kiến lĩnh vực bán buôn, bán lẻ; xuất, nhập khẩu và vay phục vụ đời sống, tiêu dùng sẽ là 3 lĩnh vực động lực tăng trưởng tín dụng cao nhất năm nay.
Theo các ngân hàng, diễn biến tăng trưởng kinh tế, lãi suất, sự thay đổi nhu cầu đầu tư vào sản xuất kinh doanh, chất lượng phục vụ cải thiện là những nhân tố ảnh hưởng tích cực đến sự gia tăng nhu cầu tín dụng của nhóm khách hàng doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm và cả năm 2025.
Bên cạnh đó, việc cải tiến sản phẩm cho vay, điều kiện và thủ tục cho vay của tổ chức tín dụng cũng được dự báo sẽ tác động nhiều đến sự gia tăng nhu cầu vay vốn của nhóm khách hàng cá nhân trong năm 2025…
Nguồn: https://kontumtv.vn/tin-tuc/kinh-te/ngan-hang-thuc-giai-ngan-von-tin-dung-ngay-tu-dau-nam