(kontumtv.vn) – Đón năm mới 2025, người dân ở nhiều thôn làng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum vui tươi, phấn khởi vì hoàn thành mục tiêu xây dựng khu dân cư, địa phương đạt chuẩn nông thôn mới.
Việc được chọn xây dựng mô hình điểm trong thực hiện Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với việc xây dựng thôn, làng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”, đặc biệt là sự giúp đỡ của Tổ công tác 262 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã giúp thôn Làng Mới, xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei có nhiều khởi sắc trong phát triển KT-XH.
Từ chỗ làm lúa nước 1 vụ, vườn bỏ hoang, hộ nghèo hơn 70%, đến nay, thôn Làng Mới trồng được 37 ha cà phê, hơn 21.000 cây Sâm Ngọc Linh, 100% gia đình biết làm lúa nước 2 vụ, trồng rau, hoa, cây ăn quả trong vườn nhà. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt hơn 36,7 triệu đồng, hộ nghèo còn dưới 2% và không còn nhà tạm. Bà Y Bia – Bí thư Chi bộ, Thôn trưởng thôn Làng Mới nói: “Tổng dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, nhà cửa, nhà rông cho sạch sẽ, chi bộ vận động bà con nấu rượu ghè theo truyền thống của Xê Đăng mình rồi gói nếp theo truyền thống của mình, ai có cái gì góp cái đấy để chúng ta thực hiện ngày lễ cho thành công.”
Với quyết tâm chính trị mạnh mẽ, Chỉ thị số 12, ngày 18/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đề ra mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 50% số thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn thôn nông thôn mới. Theo đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh vào cuộc quyết liệt để giúp các thôn ĐBDTTS phát triển, đặc biệt tại các thôn điểm. Quá trình thực hiện đã xuất hiện nhiều khu dân cư tiêu biểu, nhiều cách làm hay và cá nhân điển hình trong xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu có làng Kon Brắp Ju, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy. Năm 2022, làng chỉ đạt 3 tiêu chí, đến nay đạt 10/10 tiêu chí. Ông Phan Văn Lừng, người dân làng Kon Brắp Ju, chia sẻ: “Những năm qua, bà con cũng đã biết phát triển kinh tế có giá trị cao. Thứ hai bà con biết cách tận dụng vườn để trồng rau, trồng hoa màu, trồng cây xanh quanh nhà rông và tuyến đường ĐH21, xây dựng đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp.”
Xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy và thôn điểm Đăk Wớt Yốp là điểm sáng trong thực hiện Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đến nay, hộ nghèo của xã Hơ Moong còn dưới 6%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 52 triệu đồng, cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tại thôn điểm Đăk Wớt Yốp, trong số 110 hộ chỉ còn 6 hộ nghèo. Phát huy kết quả này, xã Hơ Moong nỗ lực xây dựng thôn Đăk Yo – thôn điểm của xã về đích vào cuối tháng 12/2024. Hiện nay, hai tiêu chí khó nhất là giảm nghèo và thu nhập thôn đã đạt và vượt. Ông Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch UBND xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, cho hay: “Cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung các nguồn vốn chương trình MTQG triển khai lồng ghép chương trình MTQG bằng sinh kế để hỗ trợ cây con giống cho bà con có nền tảng phát triển kinh tế một cách bền vững để có cơ sở thoát nghèo, phát triển kinh tế nâng cao đời sống gia đình.”
Với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, đến đầu tháng 12/2024, tỉnh Kon Tum có 29 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và 84 thôn (làng) vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới. So với năm 2022, tăng 65 thôn đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là cơ sở để tỉnh tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu Chỉ thị 12 đề ra. Ông Huỳnh Văn Liêm – Phó Giám đốc sở NN&PTNT, cho biết: “Mục tiêu năm 2025 là toàn tỉnh có thêm 7 xã NTM, nâng tổng số đạt chuẩn NTM lên 70 xã. Mục tiêu thứ 2 là xây dựng thôn làng ĐBDTTS đạt chuẩn NTM thì 50% thôn làng đạt chuẩn tương đương 200 thôn làng đạt chuẩn NTM theo Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Cùng với đó xây dựng các huyện đạt chuẩn NTM theo NQ Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh.”
Niềm vui, sự phấn khởi đã và đang lan tỏa trong từng gia đình khi khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả này phản ánh Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã và đang được các địa phương triển khai thực hiện tốt./.
Văn Hiển
Nguồn: https://kontumtv.vn/tin-tuc/tin-trong-nuoc/khi-chi-thi-so-12-di-vao-cuoc-song