(kontumtv.vn) – Thực hiện Nghị quyết số 05, ngày 25/11/2021 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, thời gian qua, các chủ thể sản xuất cà phê trên địa bàn huyện Đăk Hà đầu tư sản xuất cà phê theo hướng chế biến sâu gắn với xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo nền tảng quan trọng để khẳng định thương hiệu “Cà phê Đăk Hà”.

Nhiều năm nay, gia đình ông Phan Tiến Dũng ở thôn Đăk Bình, xã Đăk Ngọk áp dụng quy trình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, bền vững. Trên cơ sở hướng dẫn, khuyến cáo của địa phương, toàn bộ quy trình sản xuất, gia đình ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học hữu cơ, tuyệt đối không dùng thuốc diệt cỏ. Bên cạnh đó, ông thực hiện nghiêm túc việc thu hái cà phê đảm bảo trên 95% quả chín để nâng cao chất lượng nguyên liệu. Ông Dũng nói: “Người nông dân sản xuất cà phê phải tập trung vào khâu chế biến và khâu thu hoạch. Thu hoạch thì phải đảm bảo tỷ lệ quả chín theo hướng chín đến đâu thu hoạch đến đó. Như gia đình tôi thì nhiều năm nay thu hoạch trên 95% quả chín. Để đưa ra các sản phẩm được thị trường quốc tế người ta công nhận thì khâu chăm sóc thì phải tuân thủ nghiêm quy định về việc tuyệt đối không sử dụng thuốc cỏ, đối với các thuốc bảo veeh thực vật khác thì nằm trong danh mục cho phép.”

Vườn cà phê nguyên liệu của ông Đỗ Văn Phương, chủ thể sản xuất sản phẩm cà phê sạch Noni tại thôn 1, xã Đăk Mar nhiều năm nay được áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường. Có vùng nguyên liệu sạch ổn định, ông học hỏi, đầu tư dây chuyền chế biến cà phê sạch với thương hiệu Noni. Đến nay, sản phẩm Cà phê nguyên chất Noni được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Ngoài ra, để đảm bảo quá trình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, ông liên kết với các hộ canh tác cà phê trong khu vực với tổng diện tích trên 20 hecta. Qua đó, nâng cao thu nhập cho các hộ dân, góp phần nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Ông Phương chia sẻ kinh nghiệm: “Nếu mình không chế biến sâu mà xuất thô ra thị trường thì sẽ chịu rất nhiều áp lực. Thứ nhất là về ép giá, thứ hai nữa là đánh giá sâu về các tiêu chí, sản phẩm đã qua chế biến mà đưa ra thị trường thì nó có lợi nhuận hơn rất là nhiều. Để mà người dân làm ra được sản phẩm đặc sản của địa phương theo chuỗi liên kết thì nếu một mình thì không thể làm được mà phải có nhiều người cùng làm. Do vậy là các hộ đã có sự liên kết giữa các hộ với nhau để cùng nhau làm ra sản phẩm có giá trị, chất lượng đưa đến người tiêu dùng.”

Với nhiều nỗ lực của các cấp ngành, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, thương hiệu “Cà phê Đăk Hà” đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với 04 loại sản phẩm gồm cà phê nhân, cà phê rang, cà phê bột và cà phê tinh. Việc tuân thủ các quy định về quản lý, sử dụng và khai thác Chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm “Cà phê Đăk Hà” là yếu tố quan trọng giúp người dân, doanh nghiệp nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm cà phê khi đưa ra thị trường. “Đối với các chủ thể sản xuất, chế biến cà phê mang chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà thì phải tuân thủ theo đúng các quy trình kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến theo các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực. Thứ hai là sử dụng chỉ dẫn địa lý hoàn toàn bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Thứ ba nữa là chỉ được sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà theo các quy chế, quy định có liên quan đến sử dụng chỉ dẫn địa lý”, ông Đinh Văn Hùng – Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Đăk Hà, cho biết.

Đến nay, huyện Đăk Hà có 12 cơ sở chế biến cà phê thành phẩm với nhiều sản phẩm như cà phê bột nguyên chất, cà phê hòa tan, cà phê hòa tan 2 trong 1, cà phê hòa tan 3 trong 1; trong đó, có 21 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao, 01 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia. Một số sản phẩm cà phê Đăk Hà xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Ấn Độ, Thụy Sĩ… Ông Hà Tiến – Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà, khẳng định: “Theo xu thế hiện nay thì sản phẩm cà phê Đăk Hà được chế biến sâu. Nếu như trước đây người ta trồng rồi bán quả tươi, thì huyện đã tuyên truyền vận động để người dân thu hái, sơ chế để bán khô, bán nhân và bây giờ thì sản phẩm cà phê Đăk Hà được hế biến theo hướng xuất ra thị trường là cà phê bột. Và chất lượng sản phẩm cà phê Đăk Hà đã có những bước vươn tầm ra thị trường quốc tế, được thị trường chấp nhận. Qua đó đã mang lại giá trị kinh tế cao hơn, nâng cao thu nhập cho người nông dân.”

Cà phê được huyện Đăk Hà xác định là sản phẩm chủ lực của địa phương, từ đó, có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng bền vững. Cùng với các chủ trương của tỉnh, huyện về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các doanh nghiệp, người dân chủ động đầu tư thiết bị, ứng dụng tiến bộ KHKT vào các khâu sản xuất, chế biến theo hướng bền vững. Qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cà phê đảm bảo theo các tiêu chuẩn của thị trường trong nước và quốc tế./.

CTV Trọng Nghĩa