(kontumtv.vn) – Di sản văn hóa phi vật thể được xác định là một bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa, là động lực của sự phát triển bền vững. Theo đó, thời gian qua, tỉnh Kon Tum luôn chú trọng công tác bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Tỉnh Kon Tum có 7 DTTS tại chỗ sinh sống như Xơ Đăng, BaNa, Giẻ – Triêng, Gia Rai, Hrê, Brâu và Rơ Măm. Những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các DTTS đã tạo cho Kon Tum một hệ thống di sản văn hóa phi vật thể phong phú. Hiện toàn tỉnh có 4 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ VH,TT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Kon Tum cho biết sự chú trọng của ngành trong việc bảo tồn di sản văn hóa: “Đối với việc bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS nói chung, cũng như nghề dệt thủ công truyền thống của các dân tộc, đây là công việc không phải ngày một, ngày hai mà chúng ta cần phải duy trì, bền bỉ. Bên cạnh đó, sự tuyên truyền, vận động người dân trong việc nhận thức lại các cái giá trị về văn hóa của mình để từ đó họ cảm thấy yêu thích và bảo tồn một cách rất là bền bỉ.”
Đối với các DTTS ở Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng, cồng chiêng là tài sản vô giá. Cồng chiêng luôn xuất hiện trong những dịp sinh hoạt cộng đồng, lễ hội… Việc không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã tạo động lực lớn cho bà con sáng tạo, phát huy văn hóa cồng chiêng. Nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Bùi Trọng Hiền, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đánh giá về cồng chiêng tại Kon Tum: “So với 5 tỉnh Tây Nguyên, có thể nói tỉnh Kon Tum bào chứa nhiều sắc tộc thiểu số nhất. Cũng chính vì thế, ở đây có rất nhiều biên chế cồng chiêng khác nhau, đặc biệt là biên chế cồng chiêng của người Bahnar, Gia Rai, Xơ Đăng, đấy là biên chế được đánh giá là giàn cồng chiêng lớn nhất trên Tây Nguyên, kết hợp giữa cả cồng và chiêng. Vì thế, nó khiến cho công việc nghiên cứu cồng chiêng và bảo tồn cồng chiêng của Kon Tum bộn bề nhiều hơn, cũng chính vì thế hấp dẫn hơn.”
Toàn tỉnh hiện có khoảng 2.270 bộ cồng chiêng. Hầu hết các thôn, làng đều có đội cồng chiêng. Đội cồng chiêng thôn Đăk Xam, xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei thành lập từ đầu năm 2022 với 24 thành viên. Thôn được địa phương hỗ trợ 1 bộ cồng chiêng gồm 12 chiêng và 1 trống. Anh A Thôn, Đội trưởng Đội cồng chiêng thôn Đăk Xam nói: “Tầm quan trọng của cồng chiêng, thì hiện tại bây giờ cồng chiêng giống như bà con trong thôn thì lễ hội hay là ngày hội đoàn kết bà con cũng tập múa diễn cồng chiêng. Từ nay về sau bà con cũng cố gắng tập múa thêm mấy bài nữa.”
Công tác khôi phục, xây dựng, sửa chữa nhà rông truyền thống của các DTTS luôn được địa phương chú trọng. Toàn tỉnh hiện có 434 nhà rông. Nhà rông của mỗi dân tộc có những nét riêng trong kiến trúc, tạo dáng, trang trí hoa văn và điểm chung là xây dựng cao, rộng, thể hiện sự hiên ngang, oai phong.
Nhà rông của thôn Kon Rờ Bàng 1, xã Vinh Quang, T.P Kon Tum hoàn thành vào năm 2022, tổng giá trị gần 600 triệu đồng; trong đó, nhà nước hỗ trợ 200 triệu đồng, còn lại do Nhân dân đóng góp tiền và ngày công. Chị Y Blek, Thôn trưởng thôn Kon Rờ Bàng 1 cho biết, nhà rông là trái tim của làng và là chủ thể trọng tâm của Không gian văn hóa cồng chiêng. Từ ngày có nhà rông mới, thôn thuận lợi hơn trong việc tổ chức sinh hoạt cộng đồng, gắn kết mọi người với nhau.
Hầu hết các DTTS tại chỗ tỉnh Kon Tum vẫn luôn gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Nghề dệt tạo ra các sản phẩm phục vụ cuộc sống của bà con như trang phục mặc ngày thường, dự lễ hội; túi sách; khăn choàng… Trong đó, trang phục tham gia các nghi lễ thường dệt tỉ mỉ, sử dụng nhiều gam màu và hoa văn sặc sỡ hơn trang phục thường ngày.
Đến nay, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của nhóm A Ráp dân tộc Gia Rai tại huyện Sa Thầy và thành phố Kon Tum; nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Ba Na tại các huyện Đăk Hà, Sa Thầy, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều này mở ra cơ hội phát triển nghề nghề dệt truyền thống của người DTTS. Bà Y Léo ở thôn Plei Lay, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum phấn khởi nói: “Bên Gia Rai mình thì thích lắm, dệt thổ cẩm, sau này, nếu mà mình dệt thổ cẩm, mình dệt áo, hoặc là mình dệt quần có người nào mua thì mình bán, mong muốn thành lập tổ dệt, sau này càng ngày càng phất lên hơn, càng ngày càng vui hơn.”
Di sản văn hóa phi vật thể vừa góp phần tạo nên nền văn hóa phong phú, vừa là yếu tố thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Theo đó, bên cạnh việc bảo tồn, gìn giữ, tỉnh Kon Tum còn chú trọng phát huy, khai thác hiệu quả những giá trị di sản văn hóa phi vật thể của các DTTS, nhất là trong phát triển du lịch cộng đồng./.
Cát Tiên – Công Luận
Nguồn: https://kontumtv.vn/tin-tuc/van-hoa-the-thao/bao-ton-phat-huy-di-san-van-hoa-phi-vat-the