(kontumtv.vn) – Sinh thời, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Sô Lây Tăng có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền và sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Kon Tum. Những đóng góp này được các lớp cán bộ và Nhân dân tỉnh Kon Tum trân trọng và phát huy.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sô Lây Tăng được người dân kính trọng, nhớ đến với hình ảnh người đảng viên kiên trung. Ông tham gia cách mạng từ nhỏ và thuộc thế hệ học sinh miền Nam ra Bắc học tập. Năm 1970, ông tốt nghiệp Đại học Y khoa, trở thành bác sĩ đầu tiên của dân tộc Giẻ Triêng. Sau đó, ông tiếp tục trở về Nam tham gia kháng chiến chống Mỹ. Sau giải phóng, ông là Phó Ty Y tế, Trưởng Ty Y tế, Phó Chủ tịch, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai – Kon Tum.

Cuối năm 1991, tỉnh Gia Lai – Kon Tum chia tách thành hai tỉnh. Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ X, tháng 12/1991 bầu ông Sô Lây Tăng làm Bí thư Tỉnh ủy. Lúc ấy, Kon Tum là một trong những tỉnh nghèo nhất nước. Với quan điểm lãnh đạo “muốn có chủ trương đúng thì phải bám sát dân, phải đi cơ sở nhiều, lắng nghe dân nói, nghĩ cho cùng, mọi chủ trương, nghị quyết của Đảng phải bắt nguồn từ cuộc sống”, gần 10 năm làm Bí thư Tỉnh ủy, ông tăng cường đi cơ sở vận động bà con thay đổi cách thức phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo,

Thôn Brông Mỹ, xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei có địa hình lòng chảo, đất sản xuất ít. Bà con chủ yếu trồng mì, lúa, thu nhập thấp, rất khó thoát nghèo. Năm 1995, Bí thư Tỉnh ủy Sô Lây Tăng chỉ đạo các sở, ngành triển khai chương trình hỗ trợ bà con thôn Brông Mỹ trồng thí điểm cây cà phê, ban đầu 5ha. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, cà phê phát triển tốt, cho thu nhập khá. Dần dần, bà con yên tâm, mạnh dạn nhân rộng diện tích cây cà phê. Anh A Hái, người dân thôn Brông Mỹ, chia sẻ: “Được sự quan tâm của Đảng và nhà nước, ở đây cụ thể là bác Sô Lây Tăng đã đưa mô hình trồng thí điểm cà phê trên địa bàn xã Đăk Môn, đặc biệt là thôn Brông Mỹ hiện tại là có gần hơn 40ha, để trồng cây cà phê. Nhờ cây cà phê này mà bà con cải thiện được đời sống  mua sắm được nhiều đồ dùng phục vụ đời sống hằng ngày như xe máy, tivi, tủ lạnh.”

Ở các vị trí công tác, ông thể hiện tầm nhìn của một nhà lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói ít, làm nhiều; coi trọng đội ngũ cán bộ; quan tâm, đào tạo cán bộ trẻ, nhất là cán bộ DTTS… Ông A Thuận – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei, nói: “Qua tiếp xúc với bác Sô Lây Tăng bản thân cũng thấy được bác là một người lãnh đạo có tâm, có tầm, hết lòng hết sức phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân, luôn luôn gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Tôi là thế hệ trẻ nguyện học tập tấm gương, phong cách làm việc, thẳng thắn chính trực của bác.”

Nhờ nỗ lực của tập thể Đảng bộ tỉnh, trong đó có vai trò của nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Sô Lây Tăng đã giúp tỉnh Kon Tum đạt một số kết quả nổi bật. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 1992 -1995 đạt 9,15%, 1996-2000 đạt 9,85%; giảm tỷ lệ hộ đói nghèo của tỉnh trên 65 % năm 1999 xuống còn hơn 38 % năm 2005. Anh Đinh Công Bình – Bí thư Huyện đoàn Đăk Tô, bày tỏ: “Thế hệ trẻ vô cùng thương tiếc đối với sự ra đi của đồng chí Sô Lây Tăng. Kế thừa tinh thần bất khuất thì tuổi trẻ Đăk Tô sẽ quyết tâm không ngừng phấn đấu học tập để rèn luyện, trưởng thành để phát triển quê hương Đăk Tô ngày càng phát triển.”

Trân trọng và phát huy những đóng góp của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sô Lây Tăng, tin tưởng rằng, tỉnh Kon Tum tiếp tục có bước phát triển về kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội./.

Cát Tiên – Công Luận