Dành hai năm ròng rã để phát triển Dự án bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa Bahnar, Giáo sư David tin rằng ngôn ngữ này sở hữu một “trí tuệ sinh thái”, nắm giữ nhiều bí quyết và phương pháp hướng đến lối sống bền vững và bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam.
Từ năm 2022, Giáo sư K. David Harrison, Phó Hiệu trưởng phụ trách Học thuật, Đại học VinUni, đã đưa sinh viên từ Hà Nội vào Kon Tum cùng ăn ở, làm việc với đồng bào để tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ dân tộc Ba na (Bahnar).
Giáo sư K. David Harrison (áo xanh sơ mi chính giữa) đưa sinh viên cùng ăn ở, làm việc với đồng bào để tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ dân tộc Ba na (Bahnar). |
Vẻ đẹp của tiếng Ba na
Rất khó để nhiều người dân bản địa mường tượng ra hình ảnh một “ông Tây” cao lớn cùng ăn, cùng ở, ghi chép và lưu trữ lại mọi điều họ nói. “Ông Tây” này cũng từng dành một năm sống ở Seberia cùng những người chăn bò du mục để học ngôn ngữ của họ. “Khi còn là sinh viên 20 tuổi, tôi gặp một người nói tiếng Karaim, một ngôn ngữ đã gần như tuyệt chủng tại Lithuania. Kể từ đó, tôi bắt đầu yêu thích việc tìm kiếm và lưu giữ kiến thức, trí tuệ quý giá mà các ngôn ngữ sắp biến mất có thể để lại” – Giáo sư K. David Harrison nói.
Ông nhận định, Việt Nam sở hữu một hệ thống ngôn ngữ phong phú với hơn 100 thứ tiếng khác nhau. Tuy nhiên, có nhiều ngôn ngữ chưa từng được ghi nhận khoa học đang có nguy cơ biến mất. Trong đó, ông đặc biệt yêu thích tiếng Ba na. “Tiếng Ba na cuốn hút tôi bởi những cách diễn đạt sống động về thiên nhiên và rừng thiêng” – giáo sư David nói.
Tiếng Ba na cuốn hút tôi bởi những cách diễn đạt sống động về thiên nhiên và rừng thiêng |
Người dân tộc Ba na. Ảnh: Human Act Prize |
Năm 2022, ông chính thức sáng lập nên dự án Bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa dân tộc Ba na.
Dân tộc Ba na có tên tự gọi chung là “Bahnar”, có nghĩa là “Người ở núi”.
Người Ba na nói tiếng Ba na – một ngôn ngữ thuộc nhóm Môn-Khơ Me (ngữ hệ Nam Á).
Tổ tiên người Ba na chủ yếu sinh sống tại vùng dưới núi Mang Yang, dọc theo hai bờ sông Ba trở về phía đông tới những huyện đồng bằng giáp ranh miền núi và các huyện miền núi của tỉnh Bình Định, về sau, do tác động của quá trình di dân qua các thời kỳ, người Ba na chuyển cư dần sang phía tây tới lưu vực các sông Ayun, Đắk Bla và đến tận Kon Tum như hiện nay.
Theo số liệu điều tra 53 dân tộc thiểu số 1/4/ 2019, tổng dân số người Ba na: 286.910 người; dân số nam: 141.758 người; dân số nữ: 145.152 người; quy mô hộ: 4,6 người/hộ; tỷ lệ dân số sống ở khu vực nông thôn: 89,5%.
Trong hệ thống tín ngưỡng của người Ba na, sự sống hiển hiện như một thể thống nhất và là sự sắp đặt từ bàn tay của các vị thần linh (yang). Trong đó, Bok Kei Dei và Yă Kuh Keh là cặp đôi thần linh tối cao -là người sáng tạo ra tất cả và coi sóc con người, mùa màng. Ngoài ra, họ còn thờ thần Rừng (yang Bri), thần Đất (yang The), thần Đá (yang Tmo), thần Núi (yang Kông),…
“Với mối liên kết sâu sắc với thiên nhiên và rừng, người Ba na sở hữu một “trí tuệ sinh thái” đặc biệt, đồng thời nắm giữ nhiều bí quyết và phương pháp hướng đến lối sống bền vững và bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam” Giáo sư David nói.
GS K. David Harrison trực tiếp thực hiện các cảnh quay cho dự án nghiên cứu của mình. |
Ngôn ngữ đang biến mất
Theo cảnh báo của UNESCO, một nửa số ngôn ngữ trên thế giới có nguy cơ biến mất vào cuối thế kỷ này. Điều này đe dọa trực tiếp tới sự mất mát khổng lồ lớn về tri thức văn hóa và các hệ thống tri thức độc đáo khác đã được phát triển qua nhiều thế kỷ.
Việc bảo tồn các ngôn ngữ đang bị đe dọa không chỉ quan trọng đối với bản sắc văn hóa, mà còn giúp giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học.
Trên toàn cầu, các cộng đồng bản địa chỉ chiếm khoảng 5% dân số thế giới, nhưng họ lại bảo vệ tới 80% sự đa dạng sinh học của hành tinh (theo Liên Hợp Quốc). Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc bảo tồn không chỉ ngôn ngữ và văn hóa mà còn cả tri thức bản địa của các dân tộc này.
Bởi khi một ngôn ngữ biến mất, nhân loại không chỉ mất đi những từ ngữ, mà còn mất đi một cách nhìn, một cách hiểu về thế giới và thiên nhiên.
Ngôn ngữ Ba na đang trên bờ vực biến mất do số lượng người nói ngôn ngữ này ngày càng giảm, kéo theo những giá trị lịch sử, văn hóa, tri thức và sự am hiểu về môi trường của họ. Mặt khác, dù người Ba na có kiến thức, bài học quý giá trong việc bảo vệ và quản lý tài nguyên thiên nhiên, nhưng tri thức của họ thường bị coi nhẹ trong quá trình đô thị hóa, gây lãng phí nguồn tri thức nhân loại.
Ngôn ngữ Bahnar đang trên bờ vực biến mất do số lượng người nói ngôn ngữ này ngày càng giảm. Ảnh: Human Act Prize |
Dự án bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa Ba na
Dự án bảo tồn ngôn ngữ Ba na được ra đời nhằm bảo tồn ngôn ngữ và những giá trị tri thức của người Ba na. Đồng thời bảo vệ người Ba na trước nguy cơ mất đi nền tảng văn hóa và sinh kế của mình do áp lực của đô thị hóa. Dự án cũng góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam và đẩy mạnh quảng bá truyền thông các giá trị văn hóa truyền thống, tiêu biểu của dân tộc Việt Nam ra thế giới.
Dự án đã nhận được sự ủng hộ và chung tay từ đông đảo cộng đồng người Việt lẫn quốc tế. Hơn 200 cá nhân (sinh viên, giảng viên, thành viên cộng đồng) đã tham gia trực tiếp vào công tác nghiên cứu bảo tồn, bao gồm cả các chuyên gia dân tộc học và khán giả quốc tế.
Trong suốt hai năm ròng rã, nhóm nghiên cứu của Giáo sư David đã đi thực địa, ăn ở tại Kon Tum, phỏng vấn nhiều chuyên gia ngôn ngữ Bahnar và thực hiện các video tư liệu về những chủ đề văn hóa quan trọng như thuyền độc mộc, canh tác lúa, cây thuốc, đan lát và tri thức về văn hóa.
“Thử thách lớn nhất đối với tôi là học tiếng Việt và tiếng Ba na làm sao để giao tiếp. Rất may, trong cộng đồng Ba na có nhiều người biết nói tiếng Anh và tiếng Pháp. Ngay cả khi ngôn ngữ là rào cản, họ vẫn luôn chào đón chúng tôi bằng sự ấm áp và thân tình” – Giáo sư David vui vẻ kể lại.
Mới gần đây, nhóm nghiên cứu cũng đã tạo ra bộ từ điển tiếng Bahnar – Anh và kết hợp tổ chức triển lãm ảnh.
Giáo sư K. David Harrison cùng sinh viên nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ dân tộc Ba na. Ảnh: Human Act Prize |
Bàn về tác động của dự án, Giáo sư David khẳng định, cộng đồng Ba na có thể được hưởng lợi trước tiên từ việc nhận được sự công nhận và tôn trọng lớn hơn từ công chúng đối với văn hóa và ngôn ngữ của họ.
Người Ba na tự hào là một phần của Việt Nam và đang đóng góp tích cực vào các lĩnh vực văn hóa, môi trường không chỉ trong nước mà còn trên phạm vi quốc tế.
Điều này cũng sẽ thúc đẩy du lịch sinh thái đến cộng đồng những người Ba na, đồng thời tạo thêm cơ hội để người Ba na quảng bá và giới thiệu văn hóa của mình.
Ngoài ra, họ cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ ngoại lực đáp lại cho những nỗ lực của họ trong việc bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa, vốn thuộc về “Không gian văn hóa cồng chiêng” – một di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận.
GS David Harrison đã mang ngôn ngữ Ba na thuyết trình ở rất nhiều nơi trên thế giới: Đại học Bahrain (2022), Hội nghị Giáo dục National Geographic ở Abu Dhabi (2022), Hội nghị Giáo dục National Geographic tại Phú Quốc (2022), Cuộc họp thường niên của Daylight Academy ở Lausanne, Thụy Sĩ…
Kết quả định lượng của dự án. Ảnh: Human Act Prize |
Bàn về định hướng trong tương lai, Giáo sư David cho biết nhóm nghiên cứu dự định mở rộng dự án tới các làng Ba na khác và các nhóm dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Nguyên.
Tại Đại học VinUniversity, ngày càng nhiều nhiều giảng viên và sinh viên quốc tế bày tỏ sự yêu thích khám phá văn hóa Ba na và sự đa dạng văn hóa của Việt Nam. Vì vậy, ông và các đồng nghiệp muốn tạo thêm cơ hội giáo dục về cộng đồng Ba na.
“Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn tạo điều kiện cho sinh viên tại VinUniversity tham gia vào các dự án bảo tồn văn hóa. Đây sẽ là một trải nghiệm có tính chuyển mình đối với các em sinh viên: Kết nối và học hỏi thông qua việc hòa mình vào một nền văn hóa hoàn toàn khác biệt” – Giáo sư David kết luận.
Tháng 11/2024, Dự án bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa Bahnar được đề cử Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng hạng mục Dự án Triển vọng.
Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng – Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo” tiếp tục tìm kiếm, vinh danh và kết nối những cá nhân, tổ chức đang dấn thân vì cộng đồng trên cả nước. Lễ vinh danh sẽ được tổ chức vào ngày 14/12/2024 tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội.
Uyển Hương – Ngân Giang
Nguồn:https://nhandan.vn/bao-ton-ngon-ngu-dan-toc-bahnar-ngon-ngu-so-huu-mot-tri-tue-sinh-thai-post849715.html