(kontumtv.vn) – Tỉnh Kon Tum có 43 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, ĐBDTTS chiếm hơn 54%. Hầu hết bà con có sinh kế gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp. Vì thế, đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng đối với bà con. Để giúp đồng bào ổn định đời sống và phát triển kinh tế bền vững, thời gian qua, các cấp ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho ĐBDTTS.

Xã Ia Chim là “thủ phủ” cây công nghiệp, cây ăn quả của thành phố Kon Tum. Với khoảng 70% dân số là DTTS, việc hỗ trợ đất sản xuất cho bà con được cấp uỷ, chính quyền địa phương tích cực thực hiện trong những năm qua nhằm nâng cao đời sống cho người dân và từng bước giảm nghèo bền vững.

Cách đây 3 năm, gia đình anh Hà Văn Khuyến, người dân tộc Thái và gia đình chị Y Vân, người dân tộc Gia Rai ở thôn Plei Sar, xã Ia Chim được Nhà nước cấp mỗi hộ 1.000 m2 đất sản xuất. Từ diện tích đất này, gia đình anh Khuyến và chị Vân liên kết với doanh nghiệp để canh tác cây chanh dây. Hiệu quả từ mô hình liên kết mang lại thu nhập hơn 60 triệu đồng/vụ/gia đình. Chị Y Vân chia sẻ:“Khi mà Nhà nước hỗ trợ đất sản xuất cho tôi, tôi rất vui mừng để có điều kiện cải thiện đời sống của gia đình tôi. Từ trước đến nay thì đời sống gia đình tôi cũng khá lên. Nếu mà Nhà nước không hỗ trợ thì tôi cũng hơi khó để mà mua được đất.”

Anh Hà Văn Khuyến nói:“Trước khi nhà tôi chưa được cấp đất là kinh tế gia đình cũng bình thường thôi, cũng không khá giá gì. Sau khi được cấp đất là gia đình có liên kết bên công ty, HTX để làm chanh dây. Từ hồi đó đến giờ cũng được 3 năm, nói chung kinh tế cũng ổn định hơn, khấm khá hơn, có thể mua những gì mình chưa có trước đây.”

Ước mơ có căn nhà khang trang đã trở thành sự thật đối với gia đình chị Y Tôn, người dân tộc Xơ Đăng ở thôn Rô Xia 2, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông. Là hộ nghèo, có mẹ già nên gánh nặng kinh tế đặt lên vai chị Tôn. Thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình chị, tháng 6/2024, chính quyền xã hỗ trợ gia đình hơn 500 m2 đất ở thông qua Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025. Từ sự hỗ trợ này cùng số tiền tích góp, gia đình xây dựng được căn nhà kiên cố. Sau bao nhiêu năm sống trong ngôi nhà chật hẹp, tạm bợ, giờ đây, gia đình chị yên tâm khi có chỗ ở ổn định, không phải lo lắng khi mưa gió.

Đảm bảo đất ở, đất sản xuất là một trong những điều kiện quan trọng giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế. Nhận thức rõ vấn đề này, thời gian qua, các cấp ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum tích cực triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình, đề án về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Bên cạnh rà soát, nắm danh sách các hộ DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất để ưu tiên nguồn lực hỗ trợ, các cấp ngành, địa phương còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người thân sang nhượng, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho con, cháu khi tách hộ, lập vườn, hạn chế tình trạng mua bán đất đai trong vùng ĐBDTTS. Thông qua các giải pháp thiết thực, đến nay, có hơn 77.210 hộ DTTS trên địa bàn tỉnh có đất ở, chiếm 99,31%; trên 77.200 hộ DTTS có đất sản xuất, chiếm 99,29%. Ông Nguyễn Thanh Phúc – Trưởng Phòng Dân tộc thành phố Kon Tum cho biết: “Phòng Dân tộc cũng đã tham mưu và phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND các xã, phường tổ chức rà soát thực hiện các chính sách để hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất. Đến hết năm 2023, tỉ lệ hộ DTTS có đất ở đạt khoảng 97%, hộ DTTS có đất sản xuất đạt 94,5%. Năm 2024, Phòng Dân tộc đã tham mưu thành phố ban hành kế hoạch số 28, ngày 2/2/2024 để tiếp tục thực hiện nội dung này, mục tiêu phấn đấu 2024 tỉ lệ hộ DTTS có đất ở đạt 99% và hộ DTTS có đất sản xuất đạt 97%.”

Thực tế cho thấy, việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã tạo điều kiện cho các hộ DTTS phát triển kinh tế, an cư lạc nghiệp, từng bước giảm nghèo bền vững. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh chỉ còn 10.220 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 6,84% và 56 thôn (làng) vùng ĐBDTTS đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, với đặc thù địa bàn cư trú của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa; hàng năm, do ảnh hưởng của thiên tai nên nhiều diện tích đất ở, đất sản xuất bị sạt lở, san lấp; cùng với đó, nhiều gia đình trẻ tách hộ, lập vườn nên nhu cầu về đất ở, đất sản xuất là khá lớn. Vì vậy, thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho ĐBDTTS với mục tiêu đến năm 2025 có 100% hộ DTTS có đất ở, đất sản xuất theo chỉ đạo của UBND tại Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Ông Đinh Quốc Tuấn – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho biết:“Trong thời gian tới, thực thiện Luật Đất đai 2024 về chính sách đất ở đối với ĐBDTTS thì Ban Dân tộc phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị, địa phương tham mưu HĐND, UBND các nhiệm vụ, giải pháp và các chính sách hỗ trợ nhằm giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho ĐBDTTS gồm: Thứ nhất là đảm bảo quỹ đất sinh hoạt cộng đồng DTTS; thứ hai là quỹ đất để thực hiện hỗ trợ đất đai cho các cá nhân người DTTS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất nông nghiệp và một số chính sách khác như hỗ trợ đào tạo nghề…”

Có thể thấy, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho ĐBDTTS không chỉ giúp bà con ổn định đời sống, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững mà còn thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với ĐBDTTS. Từ đó, góp phần củng cố niềm tin của bà con vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch./.

                                                                                   Đăng Huy – Đức Thắng