06/12/2023 06:04
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 vừa diễn ra tại Hà Nội. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên, người lao động cả nước.
Một trong những mục tiêu Nghị quyết mà Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028 đặt ra là: Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Theo Chủ nghĩa Mác-Lênin, sứ mệnh lịch sử giai cấp công nhân là xóa bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa, xóa bỏ chế độ người bóc lột người, giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể nhân loại khỏi mọi sự áp bức, bóc lột, nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
|
Đối với Việt Nam, giai cấp công nhân nước ta có sứ mệnh lịch sử to lớn: Là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Cũng vì lẽ đó mà sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân hiện nay vẫn là một trong những mội dung mà các thế lực thù địch tập trung chống phá trong đời sống chính trị hiện đại.
Hiện nay, sau sự sụp đổ của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, cùng với những tác động mạnh mẽ của cách mạng khoa học – kỹ thuật đã dẫn đến những biến đổi trong cơ cấu giai cấp công nhân theo hướng giảm số lượng công nhân truyền thống, gia tăng đội ngũ công nhân trí thức, khiến cho một số người vội vã kết luận rằng: Giai cấp công nhân không đủ trình độ để giữ vai trò lãnh đạo, hoặc đang “biến mất”, do vậy, sứ mệnh lịch sử giai cấp công nhân không còn nữa.
Tất nhiên, đây chỉ là những luận điệu, quan điểm không có cơ sở khoa học, thiếu căn cứ thực tiễn về vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, cần phải kiên quyết đấu tranh bác bỏ.
Cũng có quan điểm cho rằng: Ngày nay, chủ nghĩa tư bản hiện đại đang “tự điều chỉnh”, “tự thích nghi” để đi lên chủ nghĩa xã hội, không cần sứ mệnh của giai cấp công nhân.
Giai cấp công nhân luôn là giai cấp tiên tiến nhất và cách mạng nhất, là lực lượng xã hội duy nhất có sứ mệnh lịch sử. Và trong suốt những năm qua, giai cấp công nhân Việt Nam đã khẳng định được vai trò của mình, xứng đáng là bộ phận của giai cấp công nhân thế giới, tiếp tục lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng.
|
Trong bài viết của mình về “Một số vấn đề về lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Chúng ta thừa nhận rằng, chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học-công nghệ. Nhiều nước tư bản phát triển, trên cơ sở các điều kiện kinh tế cao và do kết quả đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đã có những biện pháp điều chỉnh, hình thành được không ít các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước. Từ giữa thập kỷ 70 và nhất là từ sau khi Liên Xô tan rã, để thích ứng với điều kiện mới, chủ nghĩa tư bản thế giới đã ra sức tự điều chỉnh, thúc đẩy các chính sách “tự do mới” trên quy mô toàn cầu; và nhờ đó hiện vẫn còn tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, chủ nghĩa tư bản vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó”.
Phương hướng xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay đã được Đảng ta xác định đó là: Chiến lược xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh phải gắn kết chặt chẽ với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam phát triển cả về số lượng, chất lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, được trí tuệ hóa và thích ứng nhanh với cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế; xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và sự nỗ lực vươn lên của mỗi người công nhân; xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh phải gắn liền với xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, đồng thời giữ vững, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, nâng cao tính chiến đấu của Đảng, không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, phẩm chất cộng sản… để Đảng Cộng sản đảm bảo quyền lãnh đạo và uy tín chính trị trong quá trình lãnh đạo thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định, đến năm 2030 là năm kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập bình quân cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trở thành nước phát triển thu nhập cao.
Vì vậy, mục tiêu: “Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” được Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đặt ra không chỉ tiếp tục khẳng định vai trò, sứ mệnh lịch sử to lớn của giai cấp công nhân hiện nay, mà còn là cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Để thực hiện mục tiêu cao cả đó, hơn lúc nào hết, mỗi công nhân, lao động cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp mình, của tổ chức Công đoàn, từ đó không ngừng rèn luyện, học tập, phấn đấu vì mục tiêu chung.
Đồng thời, cần nỗ lực, chung tay xây dựng Công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh, toàn diện, xứng đáng là một tổ chức đại diện lớn nhất, là trung tâm tập hợp đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước, là lực lượng tiên phong trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Phát biểu tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn và tin tưởng rằng: “Nhiệm kỳ 2023-2028 là nhiệm kỳ hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Thành lập Công đoàn Việt Nam. Làm sao để tổ chức Công đoàn Việt Nam và phong trào công nhân lao động sẽ có bước phát triển mới, lập nên những thành tích to lớn và ấn tượng hơn nữa, đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân đối với đất nước và dân tộc là xây dựng đất nước Việt Nam: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Sông Côn