Thơm ngon, độc đáo và lạ – đó chính là những nhận xét của nhiều du khách khi thưởng thức các món ăn chế biến từ lá mì tại Phiên chợ nông sản sạch huyện Đăk Hà. Mang nét mộc mạc, bình dị trong văn hóa ẩm thực của người Xơ Đăng, các món ăn từ lá mì có thể “gây nghiện” cho bất kỳ ai, cho dù đó chỉ là lần đầu thưởng thức.
Trong chuyến đi công tác về xã Đăk Ui (huyện Đăk Hà) vừa qua, tôi cùng các đoàn viên, thanh niên chuẩn bị các nguyên liệu, gia vị, để chế biến các món ăn làm từ lá mì trưng bày tại Phiên chợ nông sản sạch huyện Đăk Hà.
Khoác trên vai những chiếc gùi rỗng nhẹ tênh, chị Y Ngân – Bí thư Đoàn xã Đăk Ui dẫn đầu nhóm hướng về khu sản xuất nằm sâu trong thôn. Đi bộ chừng 20 phút, những rẫy mì đã hiện ra trước mắt chúng tôi.
Vỗ vỗ vào chiếc quai gùi đang đeo trên vai, chị Y Ngân hào hứng: Mọi người chia ra hái lá mì nhé! Sáng nay, mỗi người phải hái lá mì đầy chiếc gùi của mình mới đủ chỉ tiêu. Vì các phần việc vẫn còn rất nhiều, nên các chị em tập trung hái nhanh để về kịp sơ chế. Mọi người lưu ý, nên hái những lá mì non, gần ngọn nhé. Có như vậy, món ăn mới ngon và cho hương vị đặc biệt hơn.
|
Dưới bàn tay nhanh nhẹn, thoăn thoắt của chị em, những chiếc gùi dần dần được lấp đầy những lá mì xanh nõn. Xong công đoạn hái lá, vừa ngơi tay, mọi người đã vội vã chuẩn bị quay trở về nhà rông thôn 8.
Vừa lấy tay ấn lá mì trong gùi nhằm tránh lá rơi vãi trên đường về, chị Y Ngân vừa trò chuyện: Lá mì là một trong những món ăn truyền thống, gắn bó từ lâu đời đối với người Xơ Đăng. Tuy nhiên, không phải lá mì nào cũng có thể ăn được. Có những loại lá mì, thậm chí trâu, bò, gia súc ăn phải, say ngất ngư nhiều giờ đồng hồ liền, chứ chưa nói đến con người. Còn đối với loại mì này là mì gòn, thường trồng nhiều ở vùng này. Thân cây mì gòn không cao to như nhiều loại mì khác, có cuống lá màu tím. Lá mì gòn chế biến, ăn thơm ngon và không bao giờ say.
Khi các chị em hái đem lá mì về tập kết tại nhà rông thôn 8, một nhóm chị em khác chờ đợi ở đó để bắt tay vào công đoạn sơ chế. Các vật dụng như: Ghè ủ, nia, hũ được đặt ngay ngắn tại một góc nhà rông.
|
Nở nụ cười rạng rỡ với tôi thay cho lời chào, chị Y Út – Bí thư Chi đoàn thôn 8, xã Đăk Ui kể về tình huống chị gặp trong lần Phiên chợ nông sản sạch đợt trước: Khi mình đang lụi hụi chuẩn bị cho gian hàng ẩm thực lá mì, thì một chị khách (có vẻ là ngoài tỉnh) hỏi “Món gì đây em? Trông có vẻ dân dã và bắt mắt thế!”. “Lá mì đấy chị ạ! Chính xác là lá mì chua, đặc sản của dân tộc Xơ Đăng chúng em đấy!”- mình trả lời.
“Lá mì cũng có thể ăn được hả em? Đây là lần đầu tiên chị biết đấy! Xưa nay chị tưởng mì chỉ trồng để lấy củ thôi chứ?”- chị khách hỏi thật như đùa.
Thế là mình mời chị khách nếm thử. Sau đó chị khách tấm tắc khen ngon. Trước khi rời khỏi gian hàng, chị khách đã không quên mua vài hũ cho mình và làm quà cho người thân.
“Đấy, thế mới nói, tuy lá mì là món ăn quá đỗi quen thuộc với bà con ở đây, nhưng đối với nhiều người ở các vùng miền khác thì món ăn này còn xa lạ lắm. Ngày xưa, các món ăn chế biến từ lá mì chủ yếu là để “cứu đói”, thay cơm. Vậy mà sau này, món ăn chế biến từ lá mì lại trở thành đặc sản, nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của người Xơ Đăng mình và nhiều DTTS khác ở Tây Nguyên. Thế mới thấy đáng tự hào!” – chị Y Út hãnh diện.
|
Theo tìm hiểu, phổ biến nhất trong các món ăn được chế biến từ lá mì chính là món lá mì chua. Sau khi được bà con hái về, lá mì được rửa sạch, rải muối lên và vo lá mì lại đến khi thật săn, thật se. Tiếp theo là bỏ lá mì vào ghè ủ chua. Mọi người quan niệm, tùy tay người làm mà lá mì sẽ chua nhanh hay chậm. Đối với những người mát tay, ghè ủ lá mì có thể đạt tới độ chua trong khoảng 2 ngày, còn những người lâu hơn thì từ 3-4 ngày.
Một điểm cần chú ý trong quá trình chế biến chính là khâu vò lá mì. Người làm phải vò hoàn toàn bằng tay không, chính vì vậy, buộc phải sử dụng nia truyền thống để vò, chà cho bớt mủ và nhựa của lá.
Ngoài ủ chua, người Xơ Đăng còn có thể chế biến lá mì theo nhiều cách khác nhau. Cách chế biến nhanh nhất, đơn giản nhất là vò lá mì sơ qua rồi luộc chín, vớt lá ra chấm mắm. Phức tạp hơn là lấy lá mì luộc chín hoặc ủ chua cùng với các loại thực phẩm khác như thịt chim, chuột, cá suối. Cho dù là cách chế biến nào, lá mì đều có hương vị bùi, thơm, để lại dư vị đậm đà nơi đầu lưỡi.
Theo chị Y Ngân, qua nắm bắt nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, Đoàn thanh niên xã đã phối hợp với Hội LHPN xã Đăk Ui vận động đoàn viên, hội viên tham gia tổ hợp tác nông sản sạch. Các thanh viên phân chia nhau đảm nhận các khâu tìm kiếm nguyên liệu từ rừng, chế biến thành các sản phẩm, trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc sản của địa phương. Thông qua việc tiêu thụ sản phẩm lá mì từ các phiên chợ nông sản sạch, tổ hợp tác nông sản sạch góp phần tăng thêm thu nhập cho các thành viên.
|
Chị Y Út tâm sự: “Ngày còn nhỏ, mình được mẹ nấu cho ăn các món từ lá mì. Đến khi lớn hơn một chút, thì bản thân đã có thể phụ giúp mẹ chế biến. Lúc lấy chồng, mình tự làm và lại tiếp tục dạy con cháu cách chế biến. Cứ thế, nếp sinh hoạt đó, món ăn đó, vẫn luôn được tiếp nối, kế thừa”.
Nhờ thói quen trong sinh hoạt và các hoạt động duy trì, phát triển ở tổ hợp tác nông sản sạch địa phương, nên thế hệ trẻ tại các thôn, làng đều hiểu rõ cách chế biến các món ăn từ lá mì. Dù giàu có hay nghèo khổ, dù thời xưa hay thời nay, lá mì luôn hiện hữu trong bữa ăn của người Xơ Đăng. Bởi vậy, món lá mì đương nhiên là một trong những món ẩm thực truyền thống của người Xơ Đăng.
Trở về sau chuyến đi từ xã Đăk Ui, tôi vẫn luôn ấn tượng bởi sự đa dạng trong các món ăn chế biến từ lá mì của người Xơ Đăng. Không cầu kỳ, hoa mĩ, các món ăn từ lá mì tuy dân dã, nhưng thơm ngon, khó quên. Đi cùng với đó, không thể nào quên tấm lòng hiếu khách, thơm thảo, chân chất của bà con Xơ Đăng ở vùng đất này.
TẤT THÀNH