90 tân sinh viên năm tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum không chỉ nhận được hơn học bổng cùng quà tặng, laptop của nhà tài trợ mà còn là rất nhiều tình thương, sự sẻ chia của cộng đồng.
Các bạn là những tấm gương vượt khó mà xã hội rất trân quý. Còn nhiều bạn khó khăn bất hạnh nhưng các bạn ở đây là những điển hình, những bông hoa tươi thắm nhất trong vườn hoa người tốt việc tốt. Các bạn đã chạm đến môi trường tri thức và xứng đáng được hỗ trợ, động viên.
Ông NGUYỄN THÁI HỌC (quyền bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng)
Những tấm gương làm rơi lệ
Ka Thẩm ở xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) từng trở thành tân sinh viên Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) một năm trước. Nhưng chỉ một tháng sau khi nhập học, những cơn đau ập đến buộc bạn phải đi bệnh viện kiểm tra. Kết luận ung thư, u lympho Hodgkin giai đoạn 3B của Bệnh viện Chợ Rẫy khiến cô gái choáng váng. Bác sĩ chỉ định phải hóa trị sớm nhất.
Nghĩ mọi đường, Ka Thẩm quyết định lờ đi cơn bệnh và khuyến nghị của bác sĩ, tiếp tục đi học. Bạn cũng không dám nói với mẹ nhưng ung thư giai đoạn 3 không phải trận cảm xoàng. U hạch nổi khắp người, Ka Thẩm xin bảo lưu kết quả về nhà chờ phép màu cho đời mình.
Cả nhà chọn cách chữa trị bằng các loại thuốc đông y. May sao sau ba tháng uống thuốc, các hạch bắt đầu nhỏ lại, Ka Thẩm tươi tỉnh hơn và những cơn đau dần qua. Tháng 9-2024, Ka Thẩm quay lại nhập học và hiện đang là tân sinh viên.
Câu chuyện của bạn Phạm Thị Nhớ – tân sinh viên ngành hệ thống thông tin quản lý Trường ĐH Đà Nẵng – khiến mọi người cảm phục. Mẹ bỏ đi khi Nhớ mới 3 tuổi, hai cha con nương tựa nhau trong căn nhà xiêu vẹo. Ba là cựu chiến binh, sức khỏe yếu, không làm được việc nặng nhưng ba luôn cố gắng để con gái không chịu thiệt thòi trong cảnh “gà trống nuôi con”.
Nhưng tai ương không buông tha, ba trở bệnh rồi vĩnh viễn rời xa con gái khi Nhớ học lớp 6. Cô ruột Phạm Thị Bông đón đứa cháu tội nghiệp về cưu mang ở thôn 4, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) từ ấy đến nay dù gia cảnh không khá giả gì. Nhà có ít ruộng đất, cô phải nuôi năm người con ăn học giờ thêm đứa cháu mồ côi.
Bà Bông nói Nhớ rất có ý chí và ham học. Các con bà Bông lớn, lần lượt đi làm và ra riêng, Nhớ như con út trong nhà. Hằng ngày hai cô cháu làm bánh mang ra chợ bán. Hay tin được học bổng Tiếp sức đến trường, Nhớ nói mình hạnh phúc lắm vì yên tâm hơn với những bước đầu đời sinh viên. “Tôi sẽ học thật tốt để xứng đáng với những gì xã hội, cộng đồng dành tặng” – Nhớ nói.
Đi qua khó khăn, tôi nhận ra được đi học quan trọng hơn cả những dự báo của bác sĩ tính bằng con số tháng, ngày. Tôi sẽ trở thành một luật sư.
Tân sinh viên KA THẨM
Câu chuyện vượt khó đầy cảm xúc của Ka Thẩm và Phạm Thị Nhớ – Thực hiện: NHÃ CHÂN – MINH PHƯƠNG – TRUNG TÂN – QUỐC TUẤN – MAI VINH – DIỄM HƯỜNG
Học để thắp sáng buôn làng Tây Nguyên
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học có mặt tại buổi lễ nói rằng nghị lực của các tân sinh viên đã thắp sáng buôn làng Tây Nguyên. Ông Học nói 90 bạn nhận học bổng đều là những mảnh đời đầy ý chí, nghị lực vươn lên mà không phải ai cũng làm được.
Với niềm tin các bạn sẽ vượt qua chặng đường phía trước bằng năng lượng tích cực từ những gì đã tích lũy, ông Nguyễn Thái Học mong báo Tuổi Trẻ cùng nhà tài trợ tiếp tục giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, không chỉ là những bạn tân sinh viên này mà còn nhiều bạn trẻ nghị lực khác cần được tiếp sức.
Ông Ngô Văn Đông – tổng giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền – chia sẻ học bổng là bước chuẩn bị đầy nghĩa tình giúp tân sinh viên mở cánh cửa cuộc đời, mong các bạn học thật tốt để trở thành nguồn lao động chất lượng cao cho xã hội.
“Các bạn rất khó khăn nhưng hết sức nghị lực. Chính điều đó đã truyền cảm hứng để chúng tôi đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó có điều kiện lan tỏa tình yêu thương, tấm lòng đến với tấm lòng” – ông Đông bày tỏ.
Nhà báo Lê Xuân Trung – phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, phát biểu tại lễ trao học bổng – Thực hiện: NHÃ CHÂN – TRUNG TÂN – MAI HUYỀN
Nhà báo Lê Xuân Trung – phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ – nhận định các tân sinh viên khu vực Tây Nguyên được trao học bổng đã viết nên những câu chuyện đầy nghị lực vượt khó, làm rung động các trang báo. Báo Tuổi Trẻ xem sự ủy nhiệm của cộng đồng bạn đọc cùng các nhà hảo tâm, nhà quản lý trao học bổng tận tay các bạn là công việc đầy trách nhiệm của những người làm báo.
Theo nhà báo Lê Xuân Trung, sự thành công của sinh viên chính là thành công của học bổng này, cũng là lời cảm ơn ý nghĩa dành cho các nhà tài trợ, nhà hảo tâm đã gắn bó với chương trình hàng chục năm qua.
“Chúng tôi rất tự hào về các bạn vì các bạn là nhân vật nổi trội trên các trang báo. Câu chuyện về nghị lực sống, nỗ lực học tập của các bạn trên trang báo Tuổi Trẻ đã truyền thêm động lực, cảm hứng cho cộng đồng về tinh thần hiếu học, ý chí vươn lên dù tuổi đời các bạn còn rất trẻ” – nhà báo Lê Xuân Trung nói.
Trao học bổng Tiếp sức đến trường 2024 cho sinh viên 5 tỉnh Tây Nguyên
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” – như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam – Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các Câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, Phú Yên; Câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Tiền Giang – Bến Tre và Câu lạc bộ Doanh nhân Tiền Giang, Bến Tre tại TP.HCM, Công ty Dai-ichi Life Việt Nam, ông Dương Thái Sơn và những người bạn cùng các doanh nghiệp và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ…
Ngoài ra, Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam còn tài trợ 50 máy tính xách tay cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập trị giá khoảng 600 triệu đồng, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ 1.500 ba lô trị giá khoảng 250 triệu đồng.
Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ tài trợ 50 suất học bổng ngoại ngữ miễn phí trị giá 625 triệu đồng. Thông qua Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Bắc Á tài trợ 1.500 quyển sách về giáo dục tài chính, hướng dẫn kỹ năng quản lý tài chính cho tân sinh viên…
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công Thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.