Thành phố Kon Tum là một trong những vùng kinh tế động lực của tỉnh Kon Tum về thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp chế biến.
UBND tỉnh Kon Tum vừa phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố Kon Tum đến năm 2040. Phạm vi lập quy hoạch là toàn bộ ranh giới hành chính Thành phố Kon Tum, bao gồm 21 đơn vị hành chính (10 phường và 11 xã), với diện tích tự nhiên là 43.601,18 ha.
Thành phố Kon Tum là đô thị tỉnh lỵ, trung tâm chính trị – kinh tế, văn hóa – xã hội và khoa học – kỹ thuật của tỉnh Kon Tum; là một trong những vùng kinh tế động lực của tỉnh Kon Tum về thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp chế biến; là đầu mối giao thông quan trọng của khu vực miền Trung, Tây Nguyên và giao lưu quốc tế; là đô thị sinh thái, mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử, dân tộc vùng Tây Nguyên; có vị trí quốc phòng, an ninh quan trọng của vùng Bắc Tây Nguyên.
Đến năm 2030, dân số Thành phố Kon Tum khoảng 306.000 người (bao gồm cả dân số quy đổi khoảng 38.000 người); trong đó: dân số khu vực nội thành khoảng 236.500 người (tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 77,29%), dân số khu vực ngoại thành khoảng 69.500 người.
Đến năm 2040, dân số Thành phố Kon Tum khoảng 435.000 người (bao gồm cả dân số quy đổi khoảng 40.000 người); trong đó: dân số khu vực nội thành khoảng 360.000 người (tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 82,76%), dân số khu vực ngoại thành khoảng 75.000 người.
Về quy mô đất đai, đến năm 2030, đất dân dụng có diện tích khoảng 5.559,91 ha, chiếm tỷ lệ 12,75% tổng diện tích toàn thành phố; đất ngoài dân dụng có diện tích khoảng 5.550,85 ha, chiếm tỷ lệ 12,73% tổng diện tích toàn thành phố; đất nông nghiệp và chức năng khác có diện tích khoảng 32.490,42 ha, chiếm tỷ lệ 74,52% tổng diện tích toàn thành phố.
Đến năm 2040, đất dân dụng có diện tích khoảng 6.750,68 ha, chiếm tỷ lệ 15,48% tổng diện tích toàn thành phố; đất ngoài dân dụng có diện tích khoảng 10.406,53 ha, chiếm tỷ lệ 23,87% tổng diện tích toàn thành phố; đất nông nghiệp và chức năng khác có diện tích khoảng 26.443,97 ha, chiếm tỷ lệ 60,65% tổng diện tích toàn thành phố.
Dự kiến đến năm 2040, chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật chính của đô thị đạt: đất dân dụng khoảng 155,19 m2/người; đất dân dụng mới khoảng 97,50 m2/người; đất đơn vị ở khoảng 101,22 m2/người; đất đơn vị ở mới khoảng 40,39 m2/người; đất dịch vụ – công cộng đô thị khoảng 4,27 m2/người; đất cây xanh sử dụng công cộng đô thị khoảng 11,20 m2/người.
Về phân vùng phát triển, Thành phố Kon Tum lấy khu vực dọc dòng sông Đăk Bla làm trục không gian cảnh quan chủ đạo, được phân thành 6 vùng phát triển cơ bản gồm: Vùng 1 – Khu phát triển mới (đô thị mới phía Bắc); Vùng 2 – Khu trung tâm hiện hữu (cải tạo, chỉnh trang); Vùng 3 – Khu phát triển mới phía Đông; Vùng 4 – Khu phát triển mới (đô thị mới phía Nam); Vùng 5 – Khu nông thôn phía Đông; Vùng 6 – Khu nông thôn phía Tây.
Khu vực nội thành được định hướng mở rộng không gian phát triển đô thị dọc hai bên bờ sông Đăk Bla (từ đường Hồ Chí Minh đến đường và cầu nối xã Ngọk Bay – Đăk Năng). Lấy trục sông Đăk Bla làm trung tâm để tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, khai thác tối đa quỹ đất và cảnh quan dọc hai bên bờ sông để hình thành các khu đô thị, thương mại dịch vụ – du lịch và công viên cây xanh ven sông. Phát triển mở rộng không gian đô thị thành phố về phía Bắc (khống chế tới nút giao đường Hồ Chí Minh – đường trục chính phía Tây thành phố) và về phía Tây (tiếp giáp với đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây).
Khu vực ngoại thành tổ chức phân tán theo mô hình cụm, điểm trên các đường tỉnh, đường liên xã.
Kế thừa định hướng của Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1335/QĐ-UBND ngày 1/11/2016 (gọi tắt là Đồ án Quy hoạch chung năm 2016), phát triển Thành phố Kon Tum thành một thành phố hiện đại, sôi động và bền vững theo mô hình “Thành phố xanh mới – New Green City”. Cấu trúc đô thị đa trung tâm, dựa trên hệ thống giao thông tổ chức dạng hướng tâm, 3 vành đai và hành lang xanh dọc sông Đăk Bla và các suối.
Khu trung tâm hiện hữu (Khu cải tạo, chỉnh trang) có quy mô diện tích khoảng 1.141,75 ha, thuộc các phường: Quyết Thắng, Quang Trung, Trường Chinh, Thắng Lợi, Thống Nhất, Duy Tân; là nơi tập trung dân cư mật độ cao; bố trí các trung tâm chính trị – hành chính cấp tỉnh, cấp thành phố và trung tâm thương mại – dịch vụ, tổ hợp du lịch – thể thao tạo nên một đô thị tập trung tổng hợp đa chức năng; thực hiện công tác cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật các khu vực dân cư hiện hữu; điều chỉnh một số khu vực chức năng nhằm tái thiết xây dựng các chức năng mới phù hợp với định hướng chung của toàn khu vực.
Khu đô thị phía Tây Bắc có quy mô diện tích khoảng 1.959,42 ha, thuộc các phường: Ngô Mây, Quang Trung và xã Vinh Quang. Là khu vực làng xóm đô thị hóa, mở rộng phát triển đô thị của thành phố. Khu đô thị phía Bắc có quy mô diện tích khoảng 5.604,70 ha, thuộc các phường: Ngô Mây, Duy Tân, Trường Chinh và xã Đăk Cấm; là khu trung tâm hành chính của thành phố, phát triển khu ở mật độ thấp kết hợp công viên cây xanh, thương mại dịch vụ khu vực cửa ngõ phía Bắc thành phố; cụm công nghiệp và đất dự trữ phát triển của thành phố.
Khu vực mở rộng đô thị phía Đông có quy mô diện tích khoảng 581,94 ha, thuộc các phường: Thắng Lợi, Trường Chinh và xã Đăk Rơ Wa; là khu ở mật độ thấp và khu đô thị sinh thái kết hợp thể dục thể thao.
Khu vực mở rộng đô thị phía Nam, gồm Khu vực phát triển mới – khu đô thị hai bên bờ sông Đăk Bla có diện tích khoảng 5.218,02 ha, thuộc các phường: Thống Nhất, Thắng Lợi và các xã: Đăk Rơ Wa, Chư Hreng; là khu trung tâm hành chính của tỉnh, khu ở mới dọc sông Đăk Bla gắn với phát triển thương mại dịch vụ, du lịch, thể dục thể thao.
Khu vực đô thị phía Nam có diện tích khoảng 2.185,26 ha, thuộc các phường: Nguyễn Trãi, Lê Lợi và Trần Hưng Đạo. Là khu ở gắn với phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ và du lịch.