Hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý tại Kon Tum đã làm thay đổi nhận thức, tình cảm, niềm tin và hành vi của người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cư trú ở vùng sâu vùng xa, đặc biệt khó khăn.
Trợ giúp pháp lý được xác định là chính sách ưu đãi dành cho đồng bào DTTS
Xuyên suốt trong mọi chủ trương, chính sách, Đảng ta luôn xác định chính sách dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, điều đó đã được khẳng định trong các văn kiện, cương lĩnh của Đảng.
Những năm qua, cùng với việc nhất quán thực hiện bình đẳng, đại đoàn kết dân tộc, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân tộc Việt Nam và đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Bên cạnh các chính sách phát triển kinh tế – xã hội, trợ giúp pháp lý được xác định là chính sách ưu đãi dành cho đồng bào DTTS cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân nói chung, đồng bào DTTS nói riêng, thời gian qua, Uỷ ban Dân tộc phối hợp với Bộ Tư pháp đã tổ chức biên soạn, phát hành các đề cương, tài liệu tuyên truyền, phổ biến nội dung cơ bản của các luật, nghị quyết mới được thông qua của các kỳ họp Quốc hội và đăng tải công khai trên trang thông tin phổ biến và giáo dục pháp luật của Bộ Tư pháp để mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận, khai thác sử dụng.
Việc đẩy mạnh truyền thông trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS được triển khai tới từng địa phương, từ cấp tỉnh, cấp huyện, xã, thôn bản…
Kon Tum – 6 tháng tổ chức 15 đợt truyền thông trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS
Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở Bắc Tây Nguyên với tổng diện tích tự nhiên là 9.689,61 km2. Dân số toàn tỉnh khoảng 540.500 người, trong đó DTTS chiếm hơn gần 55%.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 43 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 7 dân tộc tại chỗ gồm: Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ-Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hre (Hrê). Ngoài ra, còn có các dân tộc từ miền Bắc di cư vào như: Tày, Nùng, Thái, Mường, Thổ, Sán Dìu, Sán Chay, HMông, Dao, Lào, Giáy… từ miền Trung có các dân tộc như: Cơ Tu, Cor, Vân Kiều, Ra Glai, Co Ho, Ê Đê, Tà Ôi… từ miền Nam có 2 dân tộc là Hoa, Khơ Me.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, trong giai đoạn I, năm 2021 – 2025 (Chương trình MTQG 1719), Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh triển khai thực hiện Nội dung số 3 – Tiểu dự án 1 – Dự án 10 về “Tăng cường, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi”.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, Kon Tum đã tổ chức được 15 đợt truyền thông, tiến hành đặt 36 biển thông tin về trợ giúp pháp lý tại các xã thuộc 2 huyện nghèo của tỉnh Kon Plông, TuMơRông, một số xã khó khăn huyện Đăk Tô và Huyện Sa Thầy, cấp phát miễn phí 10.800 tờ gấp pháp luật cho các đối tượng tham gia buổi truyền thông. Tổng số người tham dự là 1.296 lượt người.
Hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý đã làm thay đổi nhận thức, tình cảm, niềm tin và hành vi của người đồng bào DTTS cư trú ở vùng sâu vùng xa, đặc biệt khó khăn.
Người dân đã nắm bắt, hiểu hơn về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nâng cao hiểu biết về pháp luật, biết phản hồi, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Các đối tượng là đồng bào DTTS đã biết đến chính sách trợ giúp pháp lý của nhà nước để có thể liên hệ đến khi có tranh chấp, vướng mắc pháp luật.
Nhận thức về công tác trợ giúp pháp lý đối với cấp ủy, chính quyền địa phương cấp xã ngày càng nâng cao. Qua đó góp phần truyền thông sâu rộng về hoạt động trợ giúp pháp lý tại xã, thôn, làng khó khăn; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để Trung tâm trợ giúp pháp lý tổ chức truyền thông lưu động cho các đối tượng cư trú trên địa bàn.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin về trợ giúp pháp lý, tăng cường khả năng thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh:
Một là, tăng cường đẩy mạnh hoạt động Thông tin, truyền thông về Luật trợ giúp pháp lý 2017; phổ biến các chế độ, chính sách, quy định pháp luật đến với đồng bào DTTS và miền núi.
Hai là, tiếp tục bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý thực hiện một số nội dung của Chương trình trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, coi đây là kim chỉ nam trong các hoạt động của Chương trình.
Ba là, thu hút sự tham gia tích cực của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (như các cơ quan, người tiến hành tố tụng, UBND cấp xã, người có uy tín trong cộng đồng như trưởng thôn, cán bộ hòa giải, cán bộ Hội Phụ nữ, Hội Nông dân…) trong việc truyền thông, giới thiệu, giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý đến với người dân.
Bốn là, đảm bảo kinh phí cho hoạt động trợ giúp pháp lý trong Chương trình trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; vận dụng phối hợp phù hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia khác như xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Hải Anh