Theo đó với mục tiêu phát triển ngành du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế dịch vụ chuyên nghiệp, giàu bản sắc, có sức cạnh tranh ngày càng cao trong cả nước, kết nối và thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Các đại biểu trao đổi, bàn các giải pháp để phát triển du lịch Kon Tum nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung (Ảnh: Internet)
Cụ thể đến năm 2025 xây dựng và đưa vào vận hành ít nhất 05 khách sạn cao cấp hạng từ 4 đến 5 sao. Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương, các hộ kinh doanh đầu tư xây dựng các khách sạn, nhà nghỉ ở phân khúc trung bình và bình dân. Công nhận ít nhất 01-02 khu, 04-08 điểm du lịch địa phương. Thu hút đầu tư 02 khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp với thể thao. Mỗi huyện, thành phố xây dựng ít nhất 01 làng văn hóa đặc trưng gắn với phát triển du lịch; xây dựng từ 01-02 sản phẩm du lịch đặc trưng. Lượng khách du lịch đến tỉnh đạt 2,5 triệu lượt người.
Số ngày lưu trú trung bình của khách du lịch tại tỉnh từ 02 ngày trở lên về lao động phục vụ trong ngành du lịch khoảng 3.000 người trong đó lao động được đào tạo, bồi dưỡng là 1.500 người. Đến năm 2030 có ít nhất 9-10 khách sạn, khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn hạng từ 4 đến 5 sao. Công nhận thêm 01-02 khu du lịch cấp tỉnh, 06-10 điểm du lịch địa phương. Thu hút đầu tư thêm 01 khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp với thể thao, phấn đấu cơ bản hoàn thành các tiêu chí để công nhận Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen, huyện Kon Plông đạt chuẩn Khu du lịch cấp quốc gia.
Ngày Tết Làng tại nhà rông Kon Jơ Ri, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum (Ảnh: Internet)
Kon Tum cũng đưa ra các nhiệm vụ giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch hiệu quả như tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội đối với việc phát triển du lịch của địa phương. Nâng cao tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức triển khai nhiệm vụ hỗ trợ phát triển du lịch, cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển du lịch phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Chú trọng công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển du lịch, gắn việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch với việc đánh giá kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, đơn vị hàng năm.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; ban hành cơ chế, chính sách; huy động hiệu quả nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch. Tập trung hỗ trợ về lãi suất, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi số, xây dựng cơ sở lưu trú. Đồng thời, hỗ trợ, khuyến khích các làng dân tộc thiểu số bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, đặc biệt là di sản văn hóa cồng chiêng, khôi phục làng nghề truyền thống, góp phần tạo ra sản phẩm phong phú, phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm của du khách.
Liên kết với các trường đại học, cao đẳng để tổ chức bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh và thu hút sinh viên tốt nghiệp ngành du lịch về làm việc tại cơ quan, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, mở từ 02-04 lớp bồi dưỡng tập huấn về nghiệp vụ lữ hành, nghiệp vụ buồng, bàn, bar; kỹ năng giao tiếp, ứng xử; kỹ năng quản lý, điều hành du lịch cho các tổ chức, cá nhân làm dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025 có 90% lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch được bồi dưỡng, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh du lịch.
Dân Hùng