Cuộc sống khó khăn vì tảo hôn
Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở Bắc Tây Nguyên với tổng diện tích tự nhiên hơn 9.690 km2. Toàn tỉnh có 10 huyện, thành phố. Là tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia. Dân số toàn tỉnh gần 580 nghìn người; đồng bào DTTS chiếm gần 55%, với 43 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 7 DTTS tại chỗ gồm: Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Gié Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hrê.
Cũng như nhiều tỉnh thành khác trong cả nước, tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói chung và vùng đồng bào DTTS nói riêng vẫn còn xảy ra. Những cặp vợ chồng lấy nhau ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” dù là tình yêu tự nguyện hay gả ép hầu hết đều có kết cục không mấy sáng sủa. Sau kết hôn, các em phải gánh vác trách nhiệm nặng nề của một gia đình, vượt quá sức hiểu biết và không ít cặp vợ chồng rơi vào cảnh bế tắc, đói nghèo đeo bám, tương lai bất định.
Điển hình như em Y Xen ở thôn Kroong Klah, xã Kroong, thành phố Kon Tum, năm nay 16 tuổi nhưng đã có con hơn 1 tuổi. Lập gia đình nhưng đến giờ này, Y Xen cũng chỉ biết ở nhà nấu cơm, giặt đồ, rửa chén. Chồng thì đi làm thuê khi ai đó trong thôn có việc cần. Vì vậy, vợ chồng phụ thuộc vào sự hỗ trợ về kinh tế của bố mẹ.
Em Y Xen chia sẻ: Khi yêu nhau thì lúc đấy em được 14 tuổi, sau khi có con thì cũng thấy công việc khó khăn, vợ chồng cũng lo không nổi phải phụ thuộc vào gia đình. Con đau ốm không có tiền cũng phải nhờ vào bố mẹ.
Ông Nguyễn Đức Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Kroong, Tp. Kon Tum cho biết: Khó khăn nhất đối với các cặp có con với nhau thì phải sống cùng với cha mẹ và chưa đủ tuổi thành niên, nhà cửa chưa có, chưa có công việc làm ổn định, con cái sinh ra hầu như là nhờ vào sự hỗ trợ giúp đỡ của bố mẹ. Đồng thời, áp lực của những gia đình tảo hôn lên xã hội là không nhỏ khi phần lớn trong số này rơi vào diện nghèo.
Chính từ thực trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra trong vùng đồng bào DTTS, tỉnh Kon Tum đã xác định rõ những nguyên nhân để có giải pháp tuyên truyền, vận động phù hợp. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do phong tục tập quán và phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến con em, nhiều gia đình có sự buông lỏng quản lý đối với con em mình; các gia đình chưa nắm rõ về chính sách, pháp luật về vấn đề hôn nhân và gia đình…
Ông Bloong Hâm – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi cho biết: Qua khảo sát thì nguyên nhân của việc xảy ra tảo hôn trên địa bàn xã là hiện nay một số hộ gia đình không đủ điều kiện để mà chăm lo cho việc học hành của con em mình đến nơi, đến chốn nên dẫn đến có tình trạng bỏ học giữa chừng, rồi sau đó là quan hệ nam nữ dẫn đến bắt buộc phải tảo hôn. Nguyên nhân nữa là hiện nay dưới sự tác động mạnh mẽ của mạng xã hội thời buổi 4.0 thì việc tiếp xúc những hình ảnh nhạy cảm đối với giới trẻ diễn ra mạnh mẽ hơn dẫn đến sự trưởng thành về tâm sinh lý của nam, nữ có sự nhanh chóng hơn.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Kết luận số 08 về triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”; Chỉ thị số 13 “về tăng cường sự lãnh đạo tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn tỉnh”. Trong đó, nội dung TH&HNCHT được xem là một trong những hủ tục cần phải xóa bỏ, bởi ngoài ảnh hưởng về kinh tế, những đứa trẻ của các cặp vợ chồng chưa đủ tuổi sinh ra có nguy cơ cao mắc các bệnh dị dạng, chậm phát triển hoặc bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng… ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất, tâm lý, sức khỏe sinh sản của người phụ nữ, sự trưởng thành của trẻ em.
Ông A Phương, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đăk Glei cho biết: Để xóa bỏ các hủ tục, phong tục lạc hậu, trong đó có TH&HNCHT là việc làm không thể một sớm, một chiều mà phải thường xuyên, lâu dài. Vì vậy, Huyện ủy Đăk Glei đã chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể, thực hiện một cách liên tục, kiên trì cùng với sự linh hoạt, đổi mới về phương pháp, cách thức, phù hợp với đặc điểm của mỗi địa bàn khu dân cư, nhằm đảm bảo vừa xây dựng đời sống văn hóa mới, vừa gìn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn huyện.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cùng với việc đổi mới phương thức tuyên truyền, theo hướng tiếp cận trực tiếp, phù hợp với điều kiện từng vùng và đúng đối tượng nên tình trạng TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Kon Tum đã giảm đáng kể.
Chị Y Tuyên, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Kon Jơ Ri, xã Ngọk Wang, huyện Đăk Hà cho biết: Chúng tôi tuyên truyền cho phụ huynh và các cháu về tác hại của tảo hôn, trong đó phân tích rõ tảo hôn thì ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế khó khăn do chưa có việc làm ổn đinh, con cái sinh ra không có điều kiện để chăm sóc. Còn khi lập gia đình đúng tuổi thì sẽ có điều kiện tốt hơn.
Chị Y Phích, thôn Kon Jơ Ri, xã Ngọk Wang, huyện Đăk Hà chia sẻ: Trước đây tôi cũng yêu từ 16 đến 17 tuổi, gia đình cũng khuyên tôi là đừng có yêu sớm, yêu sớm là sẽ mất việc đi làm, việc đi học. Từ đó tôi suy nghĩ và dừng lại, đến năm 19 tuổi tôi mới lấy chồng.
Tính đến cuối năm 2023 tỷ lệ các cặp tảo hôn so với tổng số cặp kết hôn chiếm 3,2% giảm 10,07% so với năm 2021; giảm số cặp kết hôn hôn nhận cận huyết thống từ 05 cặp năm 2021 đến nay không có trường hợp nào. Tỉnh Kon Tum đang rất nỗ lực để đạt mục tiêu của Chính phủ và của tỉnh đề ra đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS.
Ông Đinh Quốc Tuấn – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho biết: Để giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT, trong thời gian tới cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và phát huy vai trò trách nhiệm của già làng, trưởng thôn, Người có uy tín trong cộng đồng; lồng ghép các hoạt động can thiệp và ngăn chặn kịp thời các trường hợp có biểu hiện TH&HNCHT. Phát huy vai trò của cán bộ, công chức trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc chấp hành Luật hôn nhân và gia đình, nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh, huyện, xã đến từng thôn, làng, tổ dân phố.
Nguồn: https://baodantoc.vn/kon-tum-ca-he-thong-chinh-tri-vao-cuoc-nham-giam-thieu-tinh-trang-thhncht-trong-vung-dong-bao-dtts-1721620780816.htm