Thanh Hóa là vùng tự do, hậu phương lớn trong 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, góp phần cùng quân, dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu/chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Geneva thừa nhận chủ quyền, thống nhất, độc lập, đất nước toàn vẹn và dân chủ, đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.
Tôn trọng và triệt để thi hành Hiệp định Geneva, Thanh Hóa là một trong những địa phương được Trung ương giao nhiệm vụ đón tiếp bộ đội, thương binh, cán bộ, đồng bào miền nam ra bắc và tỉnh khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết.
Theo ông Trần Chí Trác, 86 tuổi, ở phố Bảo An, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn: Ngoài mở rộng con đường ra Cảng Hới, cán bộ, lao động địa phương lên vùng thượng du Thanh Hóa khai thác, xuôi bè chở luồng, nứa, lá cọ về, huy động hàng trăm bà con cùng lao động từ các huyện bạn được điều động đến thi công, dựng 2 khu lán rộng hàng nghìn m2 làm nơi đón tiếp, chăm sóc sức khỏe ban đầu, lưu trú, sinh hoạt, học tập của bộ đội, cán bộ miền nam ra bắc. Làm ngày không đủ thì tranh thủ làm đêm, nhân dân Quảng Tiến còn đóng, ghép cầu phao luồng dài hàng km tiếp cận các con tàu lớn neo đậu, huy động hơn 20 phương tiện nghề cá đón cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh miền nam vào bờ an toàn. Một số gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thương binh và Quảng Tiến cũng là nơi công tác, lao động sản xuất, sinh sống của một số cán bộ, gia đình miền nam.
Ông Trần Chí Trác đọc các thông tin tại nơi từng đón đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền nam tập kết tại bến Hới. |
Từ tháng 9 năm 1954 đến tháng 5 năm 1955, tỉnh Thanh Hóa đã đón, tiếp 47.346 cán bộ, bộ đội; 1.775 thương binh, 5.922 học sinh và 1.443 gia đình miền nam tập kết ra bắc tại khu vực bến Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn ngày nay.
Cũng tại đây, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh miền nam cùng tỉnh Thanh Hóa vừa hoàn thành xây dựng khu lưu niệm từ nguồn xã hội hóa nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, tạo thêm điểm đến, sản phẩm du lịch ở Sầm Sơn nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung.
Hình tượng con tàu cùng phù điêu hình cánh cung tại khu lưu niệm. |
Mừng 79 năm Quốc khánh 2/9, kỷ niệm 70 năm đón, tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền nam tập kết ra bắc, tỉnh Thanh Hóa cùng tỉnh Đồng Tháp, thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cầu truyền hình “Kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneva và chuyến tàu tập kết 1954”.
Tái hiện nhân dân Thanh Hóa đón đồng bào tập kết cùng kỳ vọng hòa bình cho miền nam. |
Cầu truyền hình chuyển tải những hình ảnh, thước phim tư liệu, thông tin từ các nhân chứng lịch sử đưa người xem ngược dòng thời gian nhìn lại “dấu son lịch sử” cùng khát khao hòa bình, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam. Quân, dân miền nam đã nghiêm túc thực hiện nội dung Hiệp định Geneva. Những cuộc chia tay bịn rịn, cùng lời nhắn nhủ “đi vinh quang-ở anh dũng” và đồng bào miền bắc hồ hởi đón, tiếp cán bộ, chiến sĩ, gia đình, học sinh miền nam bằng tất cả tấm lòng, tình cảm, điều kiện tốt nhất, chan chứa nghĩa tình anh em một nhà.
Nguyên phó Tư lệnh Quân khu 9, Thiếu tướng Trần Văn Niên ghi nhận: Tình cảm của nhân dân miền bắc đối với anh em miền nam tập kết ra là tình sâu nghĩa nặng, không kể nào cho xiết. Lúc đó dân còn thiếu ăn, thiếu mặc, vẫn một mực lo cho bộ đội miền nam ăn đủ, ngủ ấm, bản thân tôi thấy rất ấm lòng. Xa quê hương, mỗi cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền nam tập trung lo học hành, công tác, rèn luyện, chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội và sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ.
Các đại biểu tham dự điểm cầu truyền hình tại Thanh Hóa. |
Với âm mưu can thiệp sâu, phủ nhận quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam, đế quốc Mỹ đã dựng nên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, không thi hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước, công khai đàn áp phong trào cách mạng ở miền nam. Đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền nam đã nỗ lực lao động, học tập, công tác, cùng quân, dân miền bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, hậu phương lớn, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền nam, góp phần cùng quân, dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975 lịch sử. Miền nam đi trước về sau nhưng hiện là khu vực phát triển năng động, vùng kinh tế động lực, góp phần tạo dựng nên cơ đồ, vị thế Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, phát triển.
Một cảnh đón cán bộ, chiến sĩ miền nam tại điểm cầu truyền hình Thanh Hóa. |
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân bộc bạch: “Bắt đầu tập kết ra bắc tôi còn trong bụng mẹ. Ra đến Thanh Hóa thì tôi chào đời tháng 3/1955. Sau này có điều kiện trở lại Thanh Hóa, nơi tôi chào đời. Tôi rất muốn cảm ơn cái thời tôi được sinh ra và chào đời trên đất bắc, tuy còn khổ thật nghèo thật, nhưng chúng tôi được ăn học đến nơi đến chốn”.
Cầu truyền hình “Niềm tin và Khát vọng” còn là cuộc hội ngộ của các nhân chứng lịch sử, sâu nặng nghĩa tình, cơ hội để các cá nhân, gia đình tiếp cận hồ sơ đi B, nhận kỷ vật; kết nối các vùng văn hóa, các thế hệ, địa phương, vùng miền, phát huy truyền thống cách mạng, nhân thêm sức mạnh đại đoàn kết trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ban tổ chức trao hồ sơ đi B, kỷ vật cho các gia đình. |
Tại chương trình, đại diện Ban liên lạc học sinh miền nam Trung ương, các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà tài trợ trao tặng 2,3 tỷ đồng khuyến học, khuyến tài, phát triển giáo dục đào tạo ở các tỉnh: Thanh Hóa, Đồng Tháp và thành phố Hồ Chí Minh.
Comment (0)