ខ្ញុំស្រលាញ់ Nhat Le - កាសែតអេឡិចត្រូនិក Quang Binh

Việt NamViệt Nam08/02/2025


(QBĐT) - Bắt gặp một ánh mắt ngân ngấn giọt lệ ban ngày, tôi lại ra ngắm nhìn Nhật Lệ, dòng sông huyền thoại mang những câu chuyện lịch sử trong hành trình dựng nước và giữ nước của cha ông. Nhìn từ phòng làm việc của mình, dòng sông trôi trên thảm xanh những tán cây của con đường Đoàn Thị Điểm, tựa như tấm lụa biếc vắt ngang giữa lòng TP. Đồng Hới-nơi đã gắn bó với tôi từ tuổi thơ đến hôm nay.

 

Dòng nước hiền hòa chảy theo hướng Nam-Bắc này được hợp lưu bởi hai nguồn nước chính là sông Kiến Giang và Long Đại (Đại Giang) tại ngã ba Trần Xá (Quảng Ninh). Từ nơi gặp gỡ, qua cồn Nổi Trần Xá, cồn Soi Quán Hàu đến khi dòng phù sa hòa vào biển cả dài khoảng 15km.

 

Trước khi chính thức mang tên Nhật Lệ gắn với huyền tích về cuộc hôn nhân đầy nước mắt “nước non ngàn dặm ra đi...” của công chúa Huyền Trân con vua Trần Nhân Tông với vua nước Chiêm Thành là Chế Mân vào thế kỷ XIV để đổi châu Ô và châu Lý, dòng sông này đã có tên là Đại Uyên. Tên gọi gắn với một sử tích thật đẹp với đức vì nước quên thân của phận nữ nhi. Nhưng tôi lại đồng tình với quan điểm lý giải của một số nhà nghiên cứu khi chiết nghĩa Hán tự và cho rằng ý nghĩa thật sự của từ “Nhật Lệ” là để chỉ vẻ đẹp của ánh sáng mặt trời khi trải rộng trên sông đầy diễm lệ. Bởi đã nhiều lần chứng kiến khung cảnh đẹp mê hoặc này. Ánh mặt trời buổi bình minh dát vàng lấp lánh cho mặt sông, nắng chiều nhuộm bán đảo, nổi bật những chiếc rớ vàng như cánh chim đang sải cánh… Cho dù với cách lý giải nào thì cũng để nói lên vẻ đẹp riêng có của dòng sông có dòng chảy rất đặc biệt này.

Nơi con sông đổ ra biển cả.
Nơi con sông đổ ra biển cả.

Tôi có diễm phúc thật lớn khi từ căn phòng làm việc của mình có thể ngắm dòng sông qua bốn mùa. Mùa xuân thành phố ngập tràn hoa từ nhiều nơi khác tụ về bên bờ tô điểm hoa gấm cho dòng sông. Khi vẫn còn hương xuân ngào ngạt, gió nồm xuất hiện vào tháng giêng, hai. Những buổi sớm, mặt sông đầy sương giăng.

 

Bán đảo Bảo Ninh cách không xa, có thể thấy rõ từng nếp nhà, con đường, vậy mà sương dày đến độ xóa mờ tất cả. Lúc này tưởng chừng dòng sông chỉ có một bờ, bên kia là mênh mông đến vô tận. Hai chiếc cầu Nhật Lệ cong cong như đòn gánh mẹ chỉ có 1 đầu quang. Mùa hạ phố rực lửa hoa phượng, miên man bằng lăng tím thì bên sông lao xao ngàn cánh hạc đủ sắc. Đó là hoa giấy, loài hoa hợp với cái nắng rát và vị mặn mòi của hương biển mà càng rực thắm hơn. Mùa thu hoa sữa nồng nàn không gian, ngập trắng lối đi là lúc dòng Nhật Lệ biếc xanh nhất. Mây trắng kéo thành hàng, thành khối phía chân trời càng làm cho sắc xanh thêm sâu thẳm.

 

Những ngày mưa phùn của mùa đông giá rét, mặt sông và bầu trời chỉ có một màu xám. Đứng bên hàng dương liễu nghe tiếng gió và sóng rào rạt từ biển. Trên dòng sông này, dù mưa hay nắng, những đoàn thuyền vẫn nối nhau xuôi ngược. Có thể dòng nước từ nhiều nguồn hợp lại về đây tạm nghỉ ngơi trước khi hòa vào biển lớn nên dòng sông thường được những người dân gắn bó đôi bờ gọi là “hiền”. Bởi chưa bao giờ ngăn trở những chuyến đò ngang đưa người dân qua về những năm tháng chưa có những chiếc cầu. Dòng sông cũng mang lại nguồn lợi thủy sản cho đời sống bao đời nay cho người dân nghề chài lưới.

 

Tuổi thơ tôi có nhiều kỷ niệm với dòng sông. Từ vùng ven TX. Đồng Hới, được cha chở trên chiếc xe đạp về phố hò reo cùng những nhịp chèo đua thuyền mỗi dịp lễ hội, thưởng thức vị mát lạnh thơm nồng của chiếc kem. Và những lúc ngóng đợi mẹ trở về trên chiếc thuyền cùng quang gánh đầy cỏ xanh từ đảo cát. Những năm phổ thông học trường Đào Duy Từ, chúng tôi thường thơ thẩn bên những hàng dương ven bờ mỗi dịp được nghỉ bất ngờ, mong chờ đàn cá nhảy mỗi khi chiếc rớ giàn được cất lên. Chúng tôi bắt đầu biết thương biết nhớ cũng bên dòng sông xanh duyên dáng này.

 

Ít có thành phố nào mà có thể gọi là phố biển hoặc thành phố bên sông như Đồng Hới. Bởi cách gọi nào cũng đúng. Dòng sông từ Quán Hàu bắt đầu men theo dãy cát trắng của Trường Sa lũy xưa, tạo nên bán đảo Bảo Ninh.

 

Nhìn tổng thể thì Đồng Hới nằm ven bờ biển Đông. Còn từ bờ bên kia nhìn sang thì trung tâm thành phố lại soi mình xuống dòng sông. Cửa biển Nhật Lệ chính là điểm kết thúc của Định Bắc Trường Thành và bắt đầu của lũy Trường Sa thời Trịnh Nguyễn. Có thể nói đây như chiếc “thủy cổng” để đi về phương Nam bằng đường sông xưa kia, và nay là đi vào trung tâm thành phố Hoa Hồng. Cửa biển uốn lượn, biến đổi theo nhịp dòng chảy từng mùa, tuy hẹp nhưng đủ sâu để thuyền bè xuôi ngược từ mùa xuân đến đông…

 

Những ngày mùa thu, gió mát rười rượi, đứng bên cửa biển ngắm trời xanh mây trắng lồng lộng, đoàn thuyền băng băng vượt sóng cả mang theo những hy vọng để trở về bình yên trên dòng sông phẳng lặng. Nhật Lệ bao đời nay vẫn trường tồn, tiếp thêm sức sống cho TP. Đồng Hới hôm nay đang vươn mình trong nắng mai.

Tôi yêu Nhật Lệ, dòng sông xưa và nay…

Nguyên Sa



Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202502/toi-yeu-nhat-le-2224242/

Kommentar (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

រូប

វៀតណាមគួរឱ្យទាក់ទាញ
Tet In Dreams: ស្នាមញញឹមនៅក្នុង 'ភូមិសំណល់'
ទីក្រុងហូជីមិញពីខាងលើ
រូបភាពដ៏ស្រស់ស្អាតនៃវាល chrysanthemum ក្នុងរដូវប្រមូលផល

No videos available