Ông Lê Văn Sấm (67 tuổi), với khuôn mặt hiền, luôn nở nụ cười trên môi khi trò chuyện - không còn xa lạ với người dân ở xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, Bến Tre. Ba Sấm là tên trìu mến, thân thuộc người dân thường gọi ông. Ông được xem là người đầu tiên mở màn phong trào nuôi tôm công nghệ cao ở địa phương.
Ông Lê Văn Sấm, tên thường gọi Ba Sấm chia sẻ kinh nghiệm làm giàu từ nuôi tôm công nghệ. Ảnh: HT
Tại căn biệt thự tiền tỷ mới cất, ông Ba Sấm vui vẻ chia sẻ với PV VietNamNet: “Vụ tôm năm nay chú Ba trúng lớn, lãi cũng vài chục tỷ”.
Ông Ba Sấm là cán bộ nhà nước về hưu., quê gốc ở xứ biển Bến Tre. Từ hơn 20 năm trước, người đàn ông này đã gắn bó với con tôm, dù lúc bấy giờ nghề nuôi ở địa phương còn chưa phát triển. Khi đó, gia đình ông có 5ha mặt nước nuôi tôm theo kiểu truyền thống. Những năm đầu vụ tôm cho lợi nhuận, song không cao.
Các vụ sau đó, ông Ba Sấm gặp thất bại do thiếu kinh nghiệm xử lý ao nuôi, nước thải, con giống bị nhiễm bệnh chết, khiến thua lỗ nhiều vụ liên tiếp, phải vay mượn nhiều nơi. Có lúc ông định bán đất, nhà, bỏ nghề chuyển sang lĩnh vực khác.
Ông Ba Sấm và khu tôm công nghệ cao được phủ mái che màu trắng. Ảnh: H.T
Lúc này, ông tìm hiểu mới biết nhiều nông dân ở Cà Mau, Bạc Liêu trúng lớn khi nuôi tôm công nghệ cao.
Cùng lúc, ông được một công ty chăn nuôi chuyên về thủy sản giới thiệu, mời đi tham quan, học hỏi mô hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao ở 2 tỉnh trên. Tại đây, ông học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu về con tôm.
Sau quá trình học hỏi, tìm tòi và đúc kết, ông Ba Sấm nhận thấy nuôi tôm theo hướng nông nghiệp công nghệ cao mang lại nhiều lợi ích như: Kiểm soát môi trường nuôi, quản lý dịch bệnh, nâng cao năng suất thu hoạch hơn so với nuôi truyền thống.
Đầu năm 2015, ông quyết định nuôi tôm công nghệ cao. Ngay vụ đầu tiên, ông đã thu về lợi nhuận lớn. “Khi đó, thấy người ta đầu tư có hiệu quả nhưng vốn cao quá nên tôi chỉ dám thử nghiệm xây 1 ao 1.000m2, hơn 200 triệu đồng. Không ngờ, vụ đầu tiên tôi trúng đậm với 8 tấn tôm, thu về hơn 800 triệu đồng", ông Sấm bộc bạch.
Từ đó, người đàn ông Bến Tre chuyển dần sang nuôi tôm công nghệ cao.
Theo ông, mỗi ha đất chỉ có thể nuôi 1.000 - 2.000m2, diện tích còn lại đầu tư đường, ao lắng, ao sẵn sàng, tổng chi phí hơn 1 tỷ đồng. So với mô hình truyền thống, chi phí nuôi tôm công nghệ cao cao hơn nhiều lần, song hiệu quả mang lại cao hơn, thu lãi về ngay từ vụ đầu tiên và phát triển bền vững.
Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, tôm của ông Ba Sấm nuôi đều cho năng suất cao.
“Mới đây, tôi thu hoạch 2 khu nuôi tôm vụ nghịch với diện tích 3ha mặt nước, sản lượng 134 tấn, lợi nhuận khoảng 16 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí”, ông chia sẻ.
Nhờ mô hình nuôi tôm công nghệ cao, ông Ba Sấm hiện sở hữu cơ ngơi gần 50ha đất. Mỗi hecta diện tích mặt nước cho năng suất 50-70 tấn, có thời điểm 100 tấn, trừ chi phí, một năm ông thu lợi nhuận 30-50 tỷ đồng.
Trang trại tôm của ông cũng được ngành nông nghiệp Bến Tre hỗ trợ xây dựng vùng nuôi đạt tiêu chuẩn ASC (tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt về môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm). Nhờ đạt chuẩn ASC, giá bán tôm cao hơn thị trường 5.000 đồng/kg.
Thu hoạch tôm tại trang trại của gia đình ông Ba Sấm. Ảnh: E.X
Theo lãnh đạo Hội Nông dân Bến Tre, ông Sấm là một trong những người nuôi tôm công nghệ cao thành công đầu tiên của tỉnh. Các trại tôm của gia đình ông tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 50 lao động địa phương.
Năm 2023, ông nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc.
Kommentar (0)