Lễ hội đền Sái (Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội) được tổ chức vào mùng 10 và 11 tháng Giêng.
Lễ hội đền Sái với nghi thức rước vua độc đáo thể hiện tính đoàn kết cộng đồng, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhà nhà hạnh phúc, đất nước phồn vinh.
Điểm đặc biệt của lễ hội đền Sái năm nay là nét văn minh, sạch sẽ hiện lên. Không có hàng quán bán đồ ăn, hàng rong lẫn các loại hình ăn theo khác như mọi năm. Du khách thảnh thơi đi dạo trên các con đường làng ra vào đền, đình của thôn Thụy Lôi.
Năm nay, ông Trương Đăng Cường (72 tuổi) được vinh dự đóng vai chúa (mặt đỏ). Theo quy định của làng, người nào được làm chúa phải từng được đóng vai quan từ 5 đến 6 năm trước, có uy tín trong làng, gia đình gương mẫu, văn hóa, con cháu hạnh phúc.
Trong quá trình rước từ đình làng về đền và từ đền trở lại đình, "chúa" liên tục khua lưỡi kiếm mô phỏng để thị uy sức mạnh.
Người đóng vai vua là ông Nguyễn Hữu Bá (74 tuổi). Ông từng hai lần được đóng vai quan ở 2 kỳ lễ hội 8 năm trước.
Hôm nay trời Hà Nội rất lạnh, chỉ 12 độ C. Tuổi đã cao, thỉnh thoảng "vua" tỏ ra bị rét cóng, tay run run giơ lên vẫy chào bà con khi ngồi trên kiệu cao.
Trong quá trình rước, kiệu chúa liên tục được tung hô và xoay chao đảo. Do đó ông Cường được cột chặt bằng sợi dây đỏ để đảm bảo không bị ngã văng khỏi kiệu.
Bên cạnh vai vua và chúa, người dân Thụy Lôi còn rước kiệu võng 4 vị Quan Thự vệ, Quan Tán lý, Quan Đề lĩnh và Quan Trấn thủ cùng các thê thiếp, con cháu của họ.
Em Ngô Thị Hảo vinh dự được cầm biển "Quan Thự vệ" đi đầu. Cháu gái của ông Ngô Trọng Bi ở xóm 3, khu 5, thôn Thụy Lôi cho biết cả dòng họ cố gắng càng nhiều người đi rước ông càng tốt. Vinh dự này không dễ gì có được vì trước đó phải tuyển chọn từ trong làng.
Ông Ngô Trọng Bi vào vai Quan Thự thự vệ ngồi võng được con cháu rước đi sau kiệu vua dọc đường làng từ đình ra đền Sái.
Còn ông Ngô Hữu Tuyên sau khi được dân làng tuyển chọn năm nay đã được vào vai Quan Trấn thủ, vinh dự ngồi võng để con cháu, họ hàng rước vào đền làm lễ.
Ở đợt rước lần 1 trong buổi sáng, kiệu chúa và vua được rước về hai nơi, sau đó gặp nhau tại đền Thượng. 'Vua' làm lễ tế Cao Sơn Đại Vương, còn 'Chúa' bái ngài Huyền Thiên Trấn Vũ.
Sau khi được rước vào đền, ông Nguyễn Hữu Bá bị lạnh cóng nên nhờ mọi người cho xin "bi thuốc lào" để tìm hơi ấm trong thời gian đợi lễ tế.
"Nhà vua" nhả khói mơ màng trong sự thích thú của nhiều du khách.
Năm nay, Lễ hội đền Sái để lại nhiều hình ảnh đẹp, văn minh. Công tác an toàn giao thông, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm được đảm bảo; không có hàng quán trong lối vào đền; bố trí, sắp xếp khu sắp lễ, khu đón tiếp khách, khu viết sớ, hóa vàng thuận tiện, đảm bảo phù hợp với không gian di tích, lễ hội.
Sáng 8/2, Đoàn liên ngành kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn TP Hà Nội năm 2025 do Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội - Phạm Xuân Tài làm trường đoàn đã kiểm tra công tác tổ chức lễ hội tại Lễ hội đền Sái, xã Thuỵ Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Tổ kiểm tra các hoạt động Lễ hội truyền thống; quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố và huyện Đông Anh về công tác quản lý, tổ chức lễ hội; các quy định về nếp sống văn minh trong lễ hội, đặc biệt là bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống đến 100% các xã, ban lãnh đạo thôn, ban quản lý di tích các thôn thuộc huyện. BTC công khai thông báo số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người tham gia lễ hội…
Riêng với Lễ hội đền Sái, UBND huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo UBND xã Thụy Lâm xây dựng các phương án đảm bảo an ninh trật tự; Phương án cơ sở vật chất, trang trí khánh tiết, sơ đồ tổ chức các hoạt động lễ hội; Tuyên truyền, hoạt động văn hóa thể thao và các nghi thức tế lễ trình các cơ quan chuyên môn cho ý kiến chuyên ngành.
Trên địa bàn huyện Đông Anh hiện có tổng số 98 lễ hội, trong đó có 2 lễ hội cấp huyện quản lý, 96 lễ hội cấp xã quản lý. Hai lễ hội tổ chức với quy mô lớn hơn các lễ hội khác trong huyện đó là Lễ hội Cổ Loa và Lễ hội đền Sái.
Vietnamnet.vn
Kommentar (0)