Chủ trì buổi họp báo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về 3 giai đoạn dự báo, phòng chống và phục hồi, trong lúc này phải triển khai ngay các công việc khắc phục hậu quả bão số 3, kịp thời xử lý các vấn đề liên quan tới đời sống người dân, sản xuất, kinh doanh, ứng phó sạt lở, sụt lún…
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, bão số 3 đã gây ra thiệt hại về tài sản rất lớn, ngoài gây ra gió mạnh, bão số 3 gây mưa to trên diện rộng phổ biến từ 200-400mm, đặc biệt mưa lớn tại Lào Cai, Sơn La lượng mưa lên đến 600mm, Thái Nguyên 550, Cao Bằng trên 500mm,…Tính đến 13h30 ngày 9/9/2024, đã có 59 người chết, mất tích, trong đó do bão 09 người do bão; sạt lở đất, lũ quét 44 người; do lũ cuốn 06 người; chưa kể số người chết vụ sập cầu Phong Châu, Phú Thọ; số người bị thương là 251 người và có 25 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh.
Thiệt hại về sản xuất nông nghiệp sơ bộ có 124.593 ha lúa, 22.047 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 6.887 ha cây ăn quả bị hư hại; trên 1.500 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi (tập trung ở Quảng Ninh 1.000 lồng bè); gần 100 gia súc và 200 gia cầm bị chết (tập trung ở Hải Dương 186.000 gia cầm).
Quang cảnh buổi họp báo
Ngay sau cuộc họp đánh giá thiệt hại sơ bộ của cơn bão số 3 vào sáng 9/9, Bộ đã chỉ đạo Cục Thủy lợi, Trồng trọt, Chăn nuôi, Thú y xây dựng văn bản hướng dẫn các địa phương các biện pháp cụ thể khắc phục hậu quả của cơn bão, sớm khôi phục sản xuất và cuộc sống của người dân các tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp cơn bão.
Theo đó, Cục Thủy lợi đã có 02 công điện chỉ đạo Sở NN&PTNT các tỉnh thực hiện, đảm bảo an toàn đập và hồ chứa nước, sau bão cơ bản các hồ ở khu vực phía bắc đã đầy nước trên 90%. Công tác tiêu úng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ, trước bão các địa phương đã tiêu kiệt nước trong đồng ruộng, sau bão còn 85 nghìn ha lúa và rau màu còn bị ngập úng, Cục Thủy lợi đang chỉ đạo địa phương vận hành tối đa các hệ thống công trình thủy lợi có thể tiêu được, dự kiến sẽ xử lý xong trong hai ngày tới để cố gắng giữ số diện tích bị ngập.
Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường nhìn nhận dù là cơn bão mạnh nhưng riêng vùng Đồng bằng sông Hồng có diện tích lúa mùa khoảng 50-60 nghìn m2 chịu hoàn lưu trong và sau bão có lượng mưa không lớn. Diện tích lúa thực tế chịu ảnh hưởng của bão không lớn, diện tích lúa không khôi phục được thấp, nếu không có vấn đề gì thay đổi sẽ bảo vệ được sản xuất vụ Mùa ở ĐBSH. Các tỉnh trung du miền núi phía Bắc với diện tích lúa khoảng 410 nghìn ha không bị ảnh hưởng lớn, tuy nhiên với địa hình đồi núi nên hoàn lưu sau bão thường kéo dài, nguy cơ gây sạt lở lớn, ngăn cản việc thoát nước.
Trước khi bão đổ bộ, Cục Trồng trọt đã có văn bản gửi các địa phương hướng dẫn các giải pháp trước khi bão đối với cây lúa, rau màu, cây ăn quả như thoát nước đệm, phối hợp với Cục Thủy lợi giúp các địa phương rút nước triệt để. Sáng 9/9, Cục Trồng trọt đã trình Thứ trưởng ký, ban hành văn bản hướng dẫn gửi các địa phương các biện pháp giải quyết sau bão đối với từng đối tượng cây trồng chính lúa, rau màu, cây ăn quả bao gồm chuối và cây có múi là các loại quả quan trọng đặc biệt là thị trường Tết. Bà con cần lưu ý sau trận mưa lớn như vừa qua, vấn đề một số sâu bệnh sẽ nổi lên như bệnh bạc lá. Với những trà lúa xấu không thể thu hoạch được, Cục Trồng trọt cũng đã có hướng dẫn xử lý kỹ thuật ngay để trồng cây vụ Đông sớm.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết ngoài con số thiệt hại tàu khai thác thủy sản bị chìm, đắm tạm thời, còn một số tàu nhỏ nằm trong khu neo đậu tránh trú bão. Mặc dù đã có sự chuẩn bị tốt trước khi bão đổ bộ như hướng dẫn bà con ngư dân tiến hành khai thác đối với các loại thủy sản đã đủ lớn, yêu cầu tàu phải neo chằng lồng bè đối với sản lượng chưa đủ để khai thác, song do cơn bão lớn nên ngành nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh, Hải Phòng vẫn thiệt hại nặng nề.
Hiện tại, Bộ đã có chỉ đạo với địa phương về việc chăm sóc số cá còn sống để tiếp tục duy trì. Đối với cá chết, khung lồng gãy, phao đang ảnh hưởng đến môi trường, Cục Thủy sản yêu cầu các địa phương thu gom để đưa lên bờ. Rút kinh nghiệm qua cơn bão này, Cục mong muốn địa phương thay đổi vật liệu làm lồng, bè bằng vật liệu dẻo, chống chịu được sóng gió để giảm thiểu thiệt hại.
Tin vui là qua kiểm tra sau bão ở khu neo đậu, các ngư dân đã sẵn sàng quay ra biển trong 2-3 ngày tới. Lãnh đạo Cục Thủy sản cũng mong rằng về lâu dài trong chiến lược nuôi biển, nỗ lực chuyển đổi nghề, phát triển nghề nuôi biển, Bộ sẽ động viên bà con ngư dân không nản chí, tiếp tục cải tiến để khai thác tiềm năng nuôi biển tốt hơn nữa.
Kommentar (0)