Qua rà soát, đối với tỉnh Cà Mau, nhu cầu vắc xin trong chương trình TCMR năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh trên 503.600 liều cho 11 loại vắc xin.
Xác định việc bảo đảm có vắc xin sớm nhất là một nhiệm vụ cấp bách, Phó thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp phù hợp để kịp thời khắc phục tình trạng thiếu vắc xin.
Phó thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ trưởng Bộ Y tế căn cứ quy định Luật Ðấu thầu, Nghị định của Chính phủ để áp dụng mua sắm vắc xin cho chương trình TCMR với hình thức chỉ định thầu, đấu thầu, đàm phán giá, đặt hàng; làm việc với các nhà sản xuất, cung cấp, nhập khẩu để thương thảo, thực hiện cơ chế mua sắm trước, trả tiền sau.
Sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định phân bổ ngân sách, Bộ Y tế khẩn trương tổng hợp nhu cầu, dự toán kinh phí gửi Bộ Tài chính để trình cấp có thẩm quyền quyết định; tổ chức triển khai ngay việc mua, cung ứng vắc xin cho các địa phương. Ðồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đưa ra các giải pháp khoa học để đánh giá ảnh hưởng, có các phương án phù hợp với các trường hợp trẻ chưa được tiêm chủng.
Ðây là tín hiệu đáng mừng, gỡ khó vấn đề tiêm chủng của các địa phương cũng như đảm bảo kịp thời tạo hệ miễn dịch cho trẻ.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau, cho biết: “Việc Bộ Y tế tổ chức mua vắc xin cho toàn quốc là phù hợp bởi đây là chương trình TCMR trên phạm vi toàn quốc. Do đó, Bộ Y tế là đầu mối chỉ đạo chung sẽ đảm bảo được sự thống nhất về loại vắc xin, kỹ thuật, kiểm định chất lượng vắc xin cũng như việc điều phối nhu cầu vắc xin trên toàn quốc”.
“Ðã qua, với chủ trương giao cho các tỉnh mua vắc xin sẽ gặp rất nhiều khó khăn do có những loại vắc xin phải nhập khẩu, đấu thầu quốc tế. Còn các loại vắc xin trong nước phải mua theo quy định đàm phán giá, rồi kiểm định chất lượng vắc xin…, trong khi năng lực của tỉnh rất khó để thực hiện. Nay Chính phủ giao Bộ Y tế thực hiện là giải quyết được khó khăn cho tỉnh. Còn việc nhận vắc xin và tổ chức triển khai tiêm chủng đối với tỉnh là hoàn toàn thuận lợi”, ông Nguyễn Văn Dũng nói thêm.
Ngành y tế tỉnh chỉ đạo các địa phương chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực, sẵn sàng khi có vắc xin về sẽ tiến hành tiêm chủng ngay, tạo hệ miễn dịch cho trẻ.
Theo đó, thực hiện chủ trương này, UBND tỉnh đã giao cho Sở Y tế chỉ đạo CDC Cà Mau rà soát tình hình tiếp nhận vắc xin trong chương trình TCMR từ đầu năm đến nay và tổng hợp nhu cầu các loại vắc xin trong năm 2023 và gối đầu cho năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Qua rà soát, đối với tỉnh Cà Mau, nhu cầu vắc xin trong chương trình TCMR năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 trên 503.600 liều cho 11 loại vắc xin. Trong đó, nhu cầu vắc xin trong năm 2023 là 247.500 liều; 6 tháng năm 2024 là trên 256 ngàn liều.
Trong 11 loại vắc xin có nhu cầu, chiếm nhiều nhất là vắc xin viêm não Nhật Bản (0,5 ml) với tổng số gần 78 ngàn liều; vắc xin bại liệt uống (OPV) cần trên 75 ngàn liều; vắc xin 5 trong 1 (DPT-VGB-Hib) là gần 70.300 liều; vắc xin bại liệt tiêm (IPV) cần 52.860 liều; vắc xin DPT cần 28.240 liều… và 1 loại vắc xin mới là Rota với 18 ngàn liều.
Theo Bác sĩ CKI Nguyễn Văn Ðọc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm – Kiểm dịch y tế quốc tế, CDC Cà Mau, tỉnh vừa mới nhận về chỉ 2 loại vắc xin ngừa bệnh lao (BCG) và viêm gan (VGB), mỗi loại 6 ngàn liều. Còn các loại vắc xin khác như vắc xin 5 trong 1, hay DPT (bạch hầu, họ gà, uốn ván),… phải đợi Bộ Y tế.
Hiện nay, CDC Cà Mau đã làm văn bản gửi yêu cầu các huyện, thành phố, chỉ đạo các xã, phường ngoài việc rà soát lại danh sách các loại vắc xin đang thiếu như DPT, 5 trong 1, thì cần chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực, sẵn sàng khi có vắc xin về sẽ tiến hành tiêm chủng ngay. Không phải đợi đến lịch tiêm chủng hàng tháng như trước đây, bởi người dân địa phương đang rất cần để kịp thời tạo hệ miễn dịch cho trẻ./.
Hồng Nhung