(MPI) – Chiều ngày 12/11/2024, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày Báo cáo giải trình về kinh tế – xã hội và nhấn mạnh, hầu hết ý kiến khẳng định chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Dưới sự chỉ đạo đúng đắn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã luôn quan tâm, đồng hành, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng và tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, quyết định các vấn đề quan trọng thúc đẩy phát triển đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo giải trình về kinh tế – xã hội. Ảnh: chinhphu.vn |
Chính phủ trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội, đồng bào, cử tri cả nước đã đồng hành, giúp đỡ, chia sẻ, đánh giá cao công tác chỉ đạo điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; đồng thời thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, chất lượng và đề xuất những giải pháp phù hợp, khả thi. Chính phủ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước để tiếp tục đổi mới trong lãnh đạo điều hành.
Giải trình một số vấn đề chủ yếu được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm, mong đợi, chia sẻ và các chỉ đạo mới đây nhất của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong tháng 10 kinh tế – xã hội nước ta tiếp tục xu hướng tích cực, vượt trội hơn tháng 9; tính chung 10 tháng kết quả đạt được tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực. Cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều duy trì đà tăng trưởng tích cực; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) thấp hơn giới hạn quy định.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm dần theo từng tháng, bình quân 10 tháng tăng 3,78%. Thu NSNN ước đạt 97,2% dự toán, tăng 17,3% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 15,8%, xuất siêu 23,3 tỷ USD. Đã báo cáo và đề xuất Bộ Chính trị đồng ý phương án xử lý hết 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, kéo dài nhiều năm qua, trong đó một số dự án đã có lãi; chuyển giao bắt buộc xong 2 ngân hàng yếu kém. Công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 được triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả.
Trên cơ sở những kết quả tích cực của 10 tháng, từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả để giữ đà, giữ nhịp, phấn đấu tăng trưởng GDP quý IV đạt trên 7,5%, cả năm đạt trên 7%; qua đó đảm bảo đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu của năm 2024, tạo lực, tạo đà cho thực hiện kế hoạch năm 2025, cả giai đoạn 2021-2025, làm tiền đề, cơ sở để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình để trở thành quốc gia giàu mạnh và thịnh vượng như định hướng của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.
Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nhấn mạnh, đầu tư công là một trong những động lực tăng trưởng; vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm, ban hành nhiều văn bản thúc đẩy phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, đúng như ý kiến của một số vị đại biểu Quốc hội, giải ngân còn chậm; 10 tháng giải ngân đạt 52,29% (cùng kỳ năm 2023 là 56,74%), giải ngân vốn ODA chỉ đạt 27,88%; có 29 bộ, cơ quan Trung ương và 21 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới trung bình cả nước, trong đó 9 bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.
Nguyên nhân chủ yếu là do một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan còn rườm rà, chồng chéo; vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư, nhất là các dự án ODA, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và quy hoạch sử dụng đất. Thiếu nguồn cung ứng vật liệu; công tác chuẩn bị dự án chưa tốt; sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc có nơi, có lúc còn thiếu quyết liệt, sâu sát, nhất là vai trò người đứng đầu. Năng lực quản lý, điều hành của nhiều ban quản lý dự án còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các cơ quan còn thiếu chặt chẽ. Kỷ luật, kỷ cương có nơi chưa nghiêm; còn tình trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm…
Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công với tinh thần “5 quyết tâm”, “5 đảm bảo”, phấn đấu năm 2024 giải ngân trên 95% kế hoạch. Trong đó tập trung vào 6 nhóm giải pháp chủ yếu. Một là, đề xuất Quốc hội tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc về pháp lý ngay trong kỳ họp này, nhất là về quy trình thủ tục đầu tư, quy hoạch, tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, thủ tục đất đai, nguồn cung vật liệu…
Hai là, có giải pháp đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư trên tinh thần nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Ba là, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án, bảo đảm khả thi hơn, hiệu quả hơn; kịp thời điều chuyển vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn.
Bốn là, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia. Năm là, tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, kỷ luật, kỷ cương gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công với tinh thần “5 rõ”; xử lý nghiêm các vi phạm. Sáu là, nâng cao hiệu quả của các tổ công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hoạt động giám sát của các đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tại các địa phương…
Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, công tác này được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo và đạt được một số kết quả tích cực. Trong đó, quản lý thu, chi NSNN chặt chẽ, hiệu quả hơn, tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, dành nguồn lực tăng cho chi phát triển con người, bảo đảm an sinh xã hội và chi đầu tư phát triển; khắc phục hiệu quả việc đầu tư dàn trải; tỷ lệ nợ công, bội chi thấp hơn giới hạn cho phép. Quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản được tăng cường; công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán được chú trọng; điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án kinh tế, thu hồi số lượng lớn tiền và tài sản cho nhà nước. Đồng thời, đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuyển đổi số, trong đó triển khai Đề án 06 góp phần tiết kiệm chi phí xã hội trên 3 nghìn tỷ đồng hằng năm…
Nhấn mạnh đến những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo: Khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật. Tiếp tục rà soát, cắt giảm và tiết kiệm chi NSNN, nhất là chi thường xuyên; Tăng cường thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực, nhất là về đầu tư, tài sản công, đất đai, khoáng sản…; xử lý nghiêm vi phạm với tinh thần “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”; Đơn giản hóa, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; tập trung rà soát, xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng, kéo dài, kém hiệu quả, các tổ chức tín dụng yếu kém; Đẩy mạnh truyền thông, xây dựng văn hoá tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội; Xây dựng bộ máy hành chính nhà nước theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả”.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến bảo đảm cung ứng điện trước mắt và lâu dài; Về thúc đẩy chuyển đổi số; Về phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, tập trung vào các nội dung: giải pháp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; điểm nhấn trong cải cách thể chế; vấn đề chuyển đổi số; tiến độ triển khai các dự án quan trọng quốc gia; việc xử lý các dự án chậm tiến độ; giải pháp hoàn thành việc xóa nhà tạm, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; vấn đề phát triển xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn; xây dựng thể chế quản lý, phát triển không gian mạng./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-11-12/Kip-thoi-chu-truong-cua-Dang-va-thao-go-vuong-mac-126nrx.aspx