Một loạt hình ảnh mới do Kính viễn vọng Không gian James Webb chụp đã cho thấy chi tiết đáng chú ý về 19 thiên hà xoắn ốc nằm tương đối gần Dải Ngân hà, cung cấp manh mối mới về sự hình thành sao, cũng như cấu trúc và sự tiến hóa của thiên hà, Reuters đưa tin.
Thiên hà gần nhất trong số 19 thiên hà được gọi là NGC5068, cách trái đất khoảng 15 triệu năm ánh sáng. Trong khi thiên hà xa nhất trong số đó là NGC1365, cách trái đất khoảng 60 triệu năm ánh sáng. 1 năm ánh sáng là quãng đường ánh sáng đi được trong một năm, tương đương 9,5 nghìn tỉ km.
Kính viễn vọng Không gian James Webb (JWST) được phóng vào năm 2021 và bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 2022. Các hình ảnh thu được đã giúp tái định hình sự hiểu biết về vũ trụ sơ khai, đồng thời chụp được những bức ảnh kỳ diệu về vũ trụ.
Trong số các thiên hà, loại phổ biến là thiên hà xoắn ốc, giống như những chong chóng khổng lồ. Dải Ngân hà của chúng ta là một trong những thiên hà như vậy, nhưng điều đặc biệt là có chứa mặt trời.
Những hình ảnh mới được ghi lại bằng camera cận hồng ngoại (NIRCam) và thiết bị hồng ngoại cỡ trung (MIRI) của kính James Webb. Dữ liệu cho thấy khoảng 100.000 cụm sao và hàng triệu hoặc có lẽ hàng tỉ ngôi sao riêng lẻ trong Dải Ngân hà.
Nhà thiên văn học Thomas Williams của Đại học Oxford (Anh), người đứng đầu nhóm xử lý dữ liệu trên hình ảnh, cho biết: “Những dữ liệu này rất quan trọng vì chúng cho chúng ta cái nhìn mới về giai đoạn sớm nhất của quá trình hình thành sao”.
Những hình ảnh này còn cho phép giới khoa học lần đầu tiên hiểu được cấu trúc của các đám mây bụi và khí mà từ đó các ngôi sao và hành tinh hình thành ở mức độ chi tiết cao trong các thiên hà.
Nhà thiên văn học Janice Lee thuộc Viện Khoa học Kính viễn vọng Không gian (Mỹ) cho biết: “Những hình ảnh này không chỉ ấn tượng về mặt thẩm mỹ mà còn kể một câu chuyện về chu kỳ hình thành và phản hồi của sao, đó là năng lượng và động lượng được giải phóng bởi các ngôi sao trẻ vào không gian giữa các ngôi sao”.