Theo Devdiscourse, sau nhiều năm suy đoán, sân khấu hội nghị các nhà phát triển – WWDC 2023 đã sẵn sàng cho sự xuất hiện của thiết bị được chờ đợi từ lâu của Apple. Công ty cũng có thể sử dụng sự kiện này để giới thiệu mẫu máy tính Mac mới nhất, phiên bản iOS 17 và thảo luận về chiến lược của công ty đối với trí tuệ nhân tạo (AI).
Ngôi sao lớn nhất của chương trình chính là kính thực tế hỗn hợp, được đồn đại mang tên Reality Pro. Nó có thể trở thành một cột mốc quan trọng khác trong việc thay đổi cuộc chơi của Apple, mặc dù công ty không phải lúc nào cũng là người đầu tiên giới thiệu sản phẩm đó ra thị trường. Nhưng với mức giá đắt đỏ có thể lên tới 3.000 USD, kính của Apple khó có thể được đón nhận nồng nhiệt từ mọi đối tượng, chủ yếu là những người sành công nghệ giàu có.
Sản phẩm dự kiến có thiết kế đẹp mắt và có khả năng chuyển đổi giữa các tùy chọn thực tế ảo và thực tế tăng cường, một sự kết hợp được gọi là “thực tế hỗn hợp”. CEO Mark Zuckerberg của Facebook từng mô tả kiểu thực tế ba chiều này là “metaverse” – một khái niệm táo bạo được ông cố gắng đưa vào xu hướng chính bằng cách đổi tên Facebook thành Meta Platforms vào năm 2021 và rót hàng tỉ USD để cải thiện công nghệ ảo, dẫu vậy công ty vẫn chưa thể thành công.
Các giám đốc điều hành của Apple dường như tránh đề cập đến metaverse do sự hoài nghi nhanh chóng về thuật ngữ đó khi họ thảo luận về tiềm năng đối với kính mới của công ty. Trong những năm gần đây, CEO Tim Cook của Apple đã liên tục nhắc đến thực tế tăng cường là bước nhảy tiếp theo của công nghệ, mặc dù không đặt ra mốc thời gian cụ thể khi nào nó sẽ thu hút được đông đảo người dùng.
“Nếu bạn nhìn lại vào một thời điểm nào đó, bạn biết đấy, phóng tầm nhìn về tương lai và nhìn lại, bạn sẽ tự hỏi làm thế nào bạn đã sống cuộc sống của mình mà không có thực tế tăng cường”, ông Cook cho biết vào tháng 9 năm ngoái khi nói chuyện với một khán giả là sinh viên ở Ý.
Ông nói thêm: “Giống như ngày hôm nay, bạn tự hỏi làm thế nào mà những người như tôi lớn lên mà không có internet. Đó là lý do tôi nghĩ thực tế tăng cường có thể sâu sắc như vậy. Tất nhiên nó sẽ không trở nên sâu sắc chỉ sau một đêm”. Điều này hoàn toàn có nghĩa khi đến nay, phản ứng đối với thực tế ảo, tăng cường và hỗn hợp chỉ ở mức vừa phải. Một số thiết bị triển khai công nghệ này thậm chí còn bị chế giễu, với ví dụ đáng chú ý nhất là kính kết nối internet được Google phát hành cách nay hơn một thập kỷ.
Sau khi đồng sáng lập Google, Sergey Brin, gợi ý tiềm năng đáng kinh ngạc của thiết bị đời đầu này tại hội nghị công nghệ ở San Francisco (Mỹ), người tiêu dùng đã nhanh chóng quay lưng lại với sản phẩm vì cho rằng nó sẽ cho phép lén lút chụp ảnh và quay video. Phản ứng trở nên gay gắt đến nỗi những người đeo thiết bị này được biết đến với cái tên “Glassholes”, khiến Google phải thu hồi sản phẩm vài năm sau đó.
Microsoft cũng đạt được thành công hạn chế với kính thực tế hỗn hợp HoloLens được phát hành vào năm 2016, khẳng định vẫn cam kết với công nghệ này vào đầu năm nay. Trong khi đó, công ty khởi nghiệp Magic Leap đã gặp quá nhiều khó khăn trong việc tiếp thị kính thực tế ảo đầu tiên của mình đến người tiêu dùng vào năm 2018 nên công ty đã chuyển trọng tâm sang lĩnh vực công nghiệp, y tế và sử dụng khẩn cấp.
Với các khó khăn kết hợp giá bán dự đoán quá cao, nhà phân tích Dan Ives của Wedbush Securities tin Apple sẽ chỉ bán được khoảng 150.000 chiếc Reality Pro trong năm đầu tiên có mặt trên thị trường. Đó là một con số khá nhỏ so với 200 triệu chiếc iPhone mỗi năm của công ty. Dẫu vậy, các chuyên gia cũng cho rằng không thể coi thường Apple, đặc biệt với thị trường tiêu dùng, nơi sản phẩm từ công ty luôn có thể làm thay đổi cục diện.