Sự phát triển nhanh chóng của AI tạo sinh trong vài năm qua đã mang đến cho kính thông minh một bản nâng cấp trí thông minh đáng kể, giúp người dùng truy cập nhanh thông tin về môi trường xung quanh, hoặc dịch các cuộc trò chuyện theo thời gian thực.
Ray-Ban và Meta là những bên hưởng lợi lớn nhất từ xu hướng này kể từ khi tích hợp AI vào chiếc kính thông minh có gắn camera trị giá 300 USD của họ vào năm ngoái. “Các phiên bản mới đã bán được nhiều hơn…”, theo Francesco Milleri, CEO của công ty sở hữu Ray-Ban, cho biết vào tháng 7.
Một trong những công ty mới nhất tham gia xu hướng là công ty khởi nghiệp Superhexa được Xiaomi hậu thuẫn, với việc ra mắt kính âm thanh AI Jiehuan trong tháng này.
So với các sản phẩm nước ngoài, kính Jiehuan có giá cạnh tranh là 699 nhân dân tệ (98 USD). Về mặt chức năng, chúng tương tự như các sản phẩm cạnh tranh ở chỗ cung cấp khả năng truy cập nhanh vào các mô hình LLM thông qua việc sử dụng loa và micro tích hợp.
Kính Jiehuan có thể phát nhạc 11 giờ liên tục và thời gian chờ lên đến nửa tháng trong gọng kính chỉ nặng 30 gram. Các tính năng khác bao gồm điều hướng bằng giọng nói, trò chuyện AI và dịch âm thanh.
Các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc hiện đang tìm cách phát triển sản phẩm của mình với chức năng tương tự như gọng kính Ray-Ban nhưng chi phí thấp hơn nhiều.
Một khách hàng cho biết Superhexa cung cấp nhiều lựa chọn gọng kính thời trang, có chất lượng âm thanh tốt nhưng gặp khó khăn trong việc nhận dạng giọng nói trong môi trường ồn ào.
Từ tháng 4 đến tháng 5, các công ty khởi nghiệp bao gồm Liweike có trụ sở tại Hàng Châu và Sharge có trụ sở tại Thâm Quyến, cùng với các công ty công nghệ khổng lồ như Huawei Technologies, đã liên tiếp ra mắt kính AI của riêng họ.
Nhà phân tích cấp cao Ivan Lam tại công ty tư vấn thị trường Counterpoint cho biết kính AI hiện tại có vẻ bề ngoài cũng giống như kính mắt hoặc kính râm thông thường được trang bị loa, camera và AI.
Người dùng có thể bị thu hút bởi sự mới lạ, nhưng những người không cần kính có thể không thích đeo chúng mọi lúc, đặc biệt là khi các thành phần điện tử trong kính thông minh có thể gây cảm giác nặng. Các nhà sản xuất sẽ cần “giảm thêm trọng lượng, cải thiện trải nghiệm đeo và tuổi thọ pin”, Lam nói.
Một số công ty kính thông minh đã ưu tiên kiểu dáng và trọng lượng. Solos có trụ sở tại Hồng Kông đặt mục tiêu cạnh tranh trực tiếp với Ray-Ban và Meta vào mùa thu năm nay với cặp kính thông minh AirGo mới có camera. Cặp kính đó sẽ nặng 30 gram và rẻ hơn gọng kính Ray-Ban.
Công ty Brilliant Labs tại Singapore năm nay đã ra mắt kính thông minh Frame với giá 350 USD. Đồng sáng lập kiêm CEO Bobak Tavangar cho biết công ty hy vọng phương pháp tiếp cận nguồn mở của mình sẽ giúp kính được áp dụng trong nhiều môi trường khác nhau, bao gồm cả doanh nghiệp.
Tavangar cho biết: “Cơ hội lớn mà chúng tôi thấy là biến kính thành nguồn mở và cho phép các nhà phát triển đang nghiên cứu AI xây dựng đủ loại [ứng dụng] sáng tạo”.
Theo Tavangar, các nhà phát triển đã xây dựng một ứng dụng cho kính Frame giúp những người mắc chứng tự kỷ giải mã cảm xúc của người khác, cũng như một ứng dụng khác dành cho bác sĩ và y tá sử dụng AI để hỗ trợ chẩn đoán.
Ngọc Ánh (theo SCMP)
Nguồn: https://www.congluan.vn/kinh-thong-minh-ai-gay-sot-nganh-cong-nghe-trung-quoc-post308831.html