Diễn đàn kinh tế và thương mại Việt - Anh bàn giải pháp phát triển bền vững
Thứ Năm, 21/10/2021| 22:21Sáng 21/10, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Trung tâm Nghiên cứu Nông Lâm Quốc tế và Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (ICRAF-CIFOR Global), Hội Hữu nghị Việt - Anh tổ chức “Diễn đàn kinh tế và thương mại Việt - Anh”.
Đây là diễn đàn được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 48 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Vương quốc Anh, đánh dấu sự kiện Hiệp định Thương mại Tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) chính thức có hiệu lực và sự kiện Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP 26) tại Vương quốc Anh.
Kể từ khi đặt quan hệ ngoại giao chính thức, Việt Nam và Vương quốc Anh đã ký kết nhiều Hiệp định song phương nhằm thúc đẩy mối quan hệ toàn diện về kinh tế, chính trị và văn hóa. Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Âu (sau Đức và Hà Lan). UKVFTA được ký kết vào ngày 29/12/2020 và chính thức có hiệu lực vào năm 2021. UKVFTA được dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong EVFTA với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.
PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, PGĐ Đại học Quốc gia Hà Nội
Tháng 11/2021, Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP 26) tại Glaslow, Scotland. COP 26 được coi là cơ hội để hiện thực hoá luật chơi mới trong quy định thương mại giảm phát thải (Điều 6 trong thoả thuận Paris) hướng tới mục tiêu môi trường, thúc đẩy các cơ chế tài chính cho thích ứng và giảm thiểu BĐKH song hành với đảm bảo công bằng và an sinh xã hội. Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội của Việt Nam sẽ kết nối với Vương quốc Anh với tư cách nước chủ trì COP 26 nhằm thúc đẩy các giải pháp chính sách, tài chính, kĩ thuật, xã hội hỗ trợ các quốc gia, trong đó có Việt Nam thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững và Cam kết tự nguyện quốc gia (NDC) để có thể đạt được mục tiêu giảm phát thải trong Thỏa thuận Paris.
Các báo cáo kinh tế và môi trường trên toàn cầu ghi nhận khó khăn và thách thức mà các nước (trong đó có Vương quốc Anh và Việt Nam) đang gặp phải trong việc thực hiện cam kết giảm phát thải và tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với sự phát triển kinh tế. Trong bối cảnh cơ hội và thách thức đặt ra với cả hai bên, “Diễn đàn kinh tế và thương mại Việt - Anh” do Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN tổ chức hướng tới các mục tiêu:
Kết nối các đối tác thương mại, dịch vụ và đầu tư của Việt Nam và Vương quốc Anh nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên gắn với giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ.
Đánh giá thực trạng và tìm kiếm giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và giải quyết các vấn đề xã hội.
Đánh giá thực trạng và tìm kiếm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường góp phần tháo gỡ các rào cản thương mại đầu tư hiện nay và tăng cường hợp tác quốc tế.
Cung cấp những luận cứ khoa học, các giải pháp chính sách, tài chính, kĩ thuật và xã hội hướng tới mục tiêu phát triển nền kinh tế phát thải thấp, hỗ trợ Việt Nam và các quốc gia khác thực hiện Thỏa thuận Paris đồng thời đóng góp cho những kiến nghị của Việt Nam tại COP 26.
Tham dự Diễn đàn có Ông Phạm Bảo Sơn, PGĐ Đại học Quốc gia Hà Nội; Ngài Gareth Ward, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam; Bà Mai Kim Liên, Phó Cục trưởng, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ông Nguyễn Quang Tân, Đại diện trưởng, Tổ chức Nghiên cứu Nông lâm Quốc tế; Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Hữu nghị Việt-Anh; đại diện lãnh đạo Vụ Châu Âu, Bộ Ngoại giao; lãnh đạo Ban Châu Âu, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phòng Thương mại Anh tại Việt Nam (BritCham); Các doanh nghiệp; Các cơ quan, tổ chức phát triển; Các hiệp hội và hội nghề nghiệp; giảng viên đại học và các nhà khoa học.
Diễn đàn bao gồm phiên tổng thể, 02 phiên chuyên đề và phiên thảo luận chính sách.
Ra mắt cuốn sách “Việt Nam và Vương quốc Anh: Quan hệ kinh tế - thương mại hướng tới nền kinh tế các-bon thấp và phát triển bền vững”
Trong phiên toàn thể, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội giới thiệu Ấn phẩm“Việt Nam và Vương quốc Anh: quan hệ kinh tế - thương mại hướng tới nền kinh tế các-bon thấp và phát triển bền vững” do PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Phó Chủ tịch thường trực Hội Hữu nghị Việt-Anh, trưởng ban tổ chức diễn đàn, là chủ biên, Nhà xuất bản ĐHQGHN phát hành. Cuốn sách dày khoảng 720 trang với lời giới thiệu của Ngài Gareth Ward, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam và ông Denzel Eades, thành viên Hội đồng quản trị - Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (Britcham) kiêm Tổng Giám đốc Pioneer International Consulting. Nội dung cuốn sách gồm 34 chương được cấu trúc theo 3 nhóm chủ đề: Hợp tác thương mại, đầu tư và môi trường kinh doanh tại Việt Nam và Vương quốc Anh (phần 1); phát triển nền kinh tế tuần hoàn, nền kinh tế các-bon thấp định hướng ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững tại Việt Nam và Vương quốc Anh (phần 2); hợp tác văn hóa, giáo dục, đào tạo hướng nghiệp, khoa học và công nghệ tại Việt Nam và Vương quốc Anh (phần 3). Điểm nổi bật của cuốn sách là cung cấp cho người đọc thông tin tổng hợp về thực trạng, bài học kinh nghiệm và những hàm ý chính sách của Việt Nam và Vương quốc Anh trong tất cả các lĩnh vực hợp tác phát triển, đặc biệt là những cơ hội thúc đẩy hợp tác song phương Việt Nam - Anh đi vào chiều sâu, hiệu quả trong khuôn khổ UKVFTA.
Tại phiên chuyên đề 1 có tiêu đề “Kinh tế, thương mại và đầu tư Việt – Anh”, các diễn giả thảo luận về những nội dung chính như thương mại bền vững giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, triển vọng UKVFTA cho Việt Nam nói chung và quan hệ thương mại – đầu tư với Vương quốc Anh nói riêng, cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Anh và Việt Nam, thách thức của đại dịch COVID-19 đối với thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh. Có 03 báo cáo tham luận được trình bày: “Một số nét chính về Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Vương quốc Anh” (Ông Vũ Việt Thành, Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ, Bộ Công thương); “Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh” (Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN); “Kinh tế sáng tạo: Chiến lược phát triển của Vương quốc Anh và cơ hội cho Việt Nam” (Bà Trần Phương Chi, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN). Trong phiên này có sự tham gia thảo luận của PGS.TS. Nguyễn Anh Thu (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN) và ông Denzel Eades, Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (Britcham).
Ngài Gareth Ward, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam
Phiên chuyên đề 2 có tiêu đề:“Biến đổi khí hậu và nền kinh tế các-bon thấp”. Phiên chuyên đề gồm 4 bài trình bày của các chuyên gia, các nhà quản lý và doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý biến đổi khí hậu, tài chính biến đổi khí hậu, doanh nghiệp bền vững và nền kinh tế các-bon thấp: “Chính sách giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hướng tới nền kinh tế carbon thấp tại Việt Nam” (Ông Phạm Nam Hưng, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT); “Tiềm năng, cơ hội và thách thức đối với phát triển thị trường carbon rừng đóng góp vào cam kết quốc gia thực hiện Thỏa thuận Paris và 17 mục tiêu phát triển bền vững” (Bà Phạm Thu Thủy, Chuyên gia cao cấp và Trưởng nhóm Nghiên cứu toàn cầu của CIFOR-ICRAF về Biến đổi khí hậu, Năng lượng tái tạo và Phát Triển Carbon thấp); “Doanh nghiệp bền vững và nền kinh tế các-bon thấp” (Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Anh; “Các giải pháp nông nghiệp dựa vào thiên nhiên – hàm ý chính sách về phát triển bền vững và chống chịu với biến đổi khí hậu” (Bà Lê Thị Tầm, Tổ chức Nghiên cứu Nông lâm quốc tế, ICRAF). Trong phiên này cũng có sự tham gia thảo luận của TS. Mai Kim Liên (Phó Cục trưởng, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT) và TS. Nguyễn Quang Tân (Trưởng đại diện, Trung tâm Nghiên cứu Nông lâm Quốc tế, ICRAF).
Phiên thảo luận tập trung vào mối quan hệ kinh tế và thương mại Việt Nam – Vương quốc Anh hướng tới nền kinh tế các-bon thấp và phát triển bền vững và những khuyến nghị chính sách cho Việt Nam. Các chuyên gia trong và ngoài nước tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến về xây dựng chính sách cho Việt Nam bao gồm: GS.TSKH. Trương Quang Học (ĐHQGHN), Ông Virender Kumar Duggal (Chuyên gia cao cấp biến đổi khí hậu, Ngân hàng Phát triển châu Á), Ông Brian Bean (Nguyên Cố vấn trưởng, Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam), Ông Denzel Eades (thành viên Hội đồng quản trị - Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (Britcham) kiêm Tổng Giám đốc Pioneer International Consulting), Ông Vũ Việt Thành (Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ, Bộ Công thương), PGS. TS. Mai Quang Vinh (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Việt Nam-Armenia, Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam, Cố vấn khoa học Công ty CP Giải pháp Thời tiết WeatherPlus JSC), PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Chi (giảng viên, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN), TS. Phạm Thu Thủy (Chuyên gia cao cấp và Trưởng nhóm Nghiên cứu toàn cầu của CIFOR-ICRAF về Biến đổi khí hậu, Năng lượng tái tạo và Phát Triển Carbon thấp). Phiên này do GS.TS. Mai Trọng Nhuận (Nguyên Giám đốc ĐHQGHN, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách của Uỷ ban quốc gia về biến đổi khí hậu; Giám đốc phòng thí nghiệm trọng điểm về địa môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu của ĐHQGHN), PGS.TS. Nguyễn An Thịnh (Trưởng Khoa Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN), TS. Nguyễn Quang Vinh (Tổng thư ký VCCI, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Anh) chủ tọa.
Đây là một diễn đàn để các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và doanh nghiệp Việt Nam và Vương quốc Anh trình bày và thảo luận những vấn đề về hợp tác phát triển trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong bối cảnh hiện nay. Diễn đàn này sẽ mở ra những hợp tác mới trong nghiên cứu giữa các trường đại học thuộc ĐHQGHN với các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức phát triển, các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam và Vương quốc Anh, hướng tới giải quyết các vấn đề lớn về phát triển bền vững kinh tế xã hội và ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam, Vương quốc Anh và các quốc gia EU./.
Minh Đức
Gia Lai sẵn sàng vững bước trên chặng đường mới
Bước vào nhiệm kỳ mới 2020-2025, Đảng bộ, Lãnh đạo và nhân dân tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu đưa địa phương phát triển nhanh bền vững, giàu bản sắc và trở thành...
TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh giải ngân gói 70.000 tỷ đồng
Từ nay đến cuối năm, ngành ngân hàng TP Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh bơm vốn giá rẻ cho doanh nghiệp thông qua gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp lên tới 70.000 tỷ...
Foxconn, Apple, Intel… muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, không có chuyện các tập đoàn lớn di chuyển chuỗi cung ứng khỏi Việt Nam.
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang nói gì về việc 19 doanh nghiệp FDI "kêu cứu"?
Ngoài việc lên tiếng về lệnh "cấm người dân ra đường", thông tin 19 doanh nghiệp ở Tiền Giang gửi đơn "kêu cứu" đến Thủ tướng Chính phủ cũng được nêu ra tại...
Đặc sản Khoai sọ Thuận Châu sản xuất theo chuỗi có đầu ra ổn định
Bên cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi, đảm bảo đầu ra ổn định trước diễn biến phức tạp của dịch...
Tăng cường quản lý mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Công điện số 7668/CĐ-VPCP ngày 20/10/2021 gửi các đồng chí bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;...