Trò chuyện với phóng viên TG&VN, Đại sứ Israel tại Việt Nam Yaron Mayer bày tỏ ấn tượng khi đến Gia Lai, Đắk Lắk. Tại đây, ông Yaron Mayer nhận thấy rất nhiều cơ hội để phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Công nghệ – yếu tố giúp Israel “xanh hơn”
Kinh tế xanh là mô hình phát triển được nhiều quốc gia trên thế giới hướng tới. Israel và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ông đánh giá thế nào về mô hình này ở hai nước?
Đại sứ Israel tại Việt Nam Yaron Mayer trong buổi trò chuyện với phóng viên TG&VN. (Ảnh: Linh Chi) |
Hiện nay, chiến lược tăng trưởng xanh ở cả Việt Nam và Israel – cũng như nhiều quốc gia trên thế giới – đã trở thành một phần quan trọng trong chính sách của Chính phủ. Chúng tôi rất vui khi thấy Việt Nam đang dẫn đầu trong một số khía cạnh như phát triển công nghệ, đưa ra các chính sách để phát triển kinh tế xanh.
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF 2024) diễn ra mới đây, Việt Nam đã công khai đặt vấn đề phát triển kinh tế xanh lên hàng đầu và cho rằng, đất nước đang phải chịu vấn đề biến đổi khí hậu nhiều hơn các quốc gia khác.
Israel đã có những sáng kiến nhằm đưa đất nước thành quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ sạch. Chúng tôi thường xuyên tổ chức các hội nghị, sự kiện quốc tế quy tụ các chuyên gia đầu ngành và đảm bảo rằng, mọi người có thể trải nghiệm những gì Israel cùng các quốc gia khác trên thế giới đã làm.
Hiện tại, Israel sẵn sàng chia sẻ với các quốc gia khác một lĩnh vực được thế giới công nhận, đó là: Quản lý nước, hệ thống tưới tiêu và sử dụng nước.
Đặc biệt, công nghệ đã trở thành yếu tố cốt lõi trong nỗ lực “xanh hơn” của Israel. Lấy Ormat – một doanh nghiệp khai thác năng lượng địa nhiệt của Israel – làm ví dụ. Doanh nghiệp này góp phần hiệu quả vào việc giảm tốc độ nóng lên toàn cầu.
Về sinh thái biển, chúng tôi cũng đang thiết lập các trung tâm ở nhiều khu vực khác nhau. Các hệ sinh thái này tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa các tổ chức học thuật; khu vực tư nhân; cơ quan chính phủ, chính quyền khu vực; thúc đẩy sự phát triển và thực hiện chính sách. Mô hình các trung tâm này rất phù hợp với các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Triển vọng hợp tác về kinh tế xanh giữa Việt Nam và Israel thế nào, thưa ông?
Theo đánh giá của tôi, triển vọng hợp tác giữa hai nước là rất lớn. Việt Nam và Israel có tiềm năng hợp tác trong khu vực liên chính phủ, khu vực tư nhân và trao đổi học thuật.
Năm 2023, hai nước ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Israel (VIFTA). Đây là một trong những hiệp định thương mại tự do tiên tiến nhất, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới giữa hai quốc gia.
Kỳ họp Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, khoa học – công nghệ và các lĩnh vực khác giữ Việt Nam và Israel. (Nguồn: Đại sứ quán Israel tại Việt Nam) |
Hiện tại, Israel đang hợp tác với nhiều đối tác khác, chẳng hạn như Vương quốc Anh, để nghiên cứu và cố gắng tìm giải pháp cho vấn đề tại Đồng bằng sông Cửu Long hay tình trạng nước mặn ở khu vực sông Mekong.
Đất nước của chúng tôi đã chứng minh rằng, chính sách đúng đắn có thể ngăn chặn thiệt hại cho môi trường, làm cho cuộc sống tốt hơn, sạch, an toàn và lành mạnh hơn.
Israel chú trọng vào khía cạnh đổi mới, hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu và trường Đại học; khuyến khích sinh viên và nhà nghiên cứu từ cả Israel, Việt Nam cùng làm việc trong một “vườn ươm” để tìm những giải pháp, ý tưởng chung, cùng có lợi.
Đất nước chúng tôi có thể đào tạo về các lĩnh vực như thủy lợi, năng lượng tái tạo, nông nghiệp xanh, giải pháp biến đổi khí hậu và các lĩnh vực tương tự. Thời gian qua, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam đã cố gắng tạo điều kiện cho người dân Việt Nam tham gia các khóa đào tạo này.
VIFTA – sợi dây gắn kết
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tác động tiêu cực đến đời sống con người, nhiều quốc gia đã chủ động xây dựng và phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Israel cũng đang đi theo hướng này. Ông có thể chia sẻ về mô hình kinh tế tuần hoàn của Israel?
Kinh tế tuần hoàn là một mô hình rất quan trọng.
Để xây dựng và phát triển kinh tế tuần hoàn, thứ nhất, mỗi quốc gia cần có những ý tưởng hay, nhận thức cởi mở và lập kế hoạch lâu dài. Nhìn từ đất nước của chúng tôi, 80% nước tưới nông nghiệp của Israel không phải là nước ngọt mà là nước tái chế. Để làm được điều này, Israel đã lên kế hoạch dài hạn.
Thứ hai, về sự đổi mới. Chúng tôi tập trung nhiều vào năng lượng tái tạo, nhiên liệu thay thế bởi đây là lĩnh vực rất phù hợp với toàn thế giới.
Tại Israel, những nghiên cứu về năng lượng tái tạo, năng lượng Mặt trời đang được phát triển tương đối mạnh mẽ. Chúng tôi có các trung tâm kiến thức về hiệu quả sử dụng tài nguyên của Israel. Đây là nơi thu thập ý tưởng và thông tin, sau đó sẽ công bố rộng rãi cho người dân và doanh nghiệp.
Israel đã thành lập Khu công nghiệp Ne’ot Hovav ở phía Nam, chuyên xử lý chất thải nguy hại. Nhựa đã qua sử dụng, chất thải công nghiệp sẽ tập trung ở đó; cùng với việc sản xuất khí đốt và nhiên liệu; tạo ra một cơ sở tập trung mang lại lợi ích cho toàn bộ khu vực.
Nhắc đến sự đổi mới, tôi muốn nói đến ngành thực phẩm, cụ thể là phát triển thịt nhân tạo. Israel là quốc gia đầu tiên được cơ quan y tế, thị trường khác công nhận trong lĩnh vực này. Đây chỉ là khởi đầu của một cuộc cách mạng lớn và là điều rất thú vị để theo dõi.
Đại sứ quán Israel tại Việt Nam tặng hệ thống lọc tuần hoàn cho Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: Đại sứ quán Israel tại Việt Nam) |
Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam? Việt Nam có thể học được kinh nghiệm gì từ Israel? Liệu Israel và Việt Nam có thể hợp tác về vấn đề kinh tế tuần hoàn không, thưa ông?
Tôi rất vui khi nói rằng, kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam không chỉ là một ý tưởng mà đã được triển khai, giới thiệu trên nhiều lĩnh vực và được các nhà lãnh đạo, các tổ chức ghi nhận.
Năm 2020, Trung tâm tri thức về Kinh tế tuần hoàn: Thúc đẩy Nghiên cứu đa ngành, nâng cao năng lực và khả năng lãnh đạo đã chính thức ra mắt ở Việt Nam. Đại sứ quán Israel Việt Nam sẽ gia nhập Trung tâm tri thức về Kinh tế tuần hoàn và công bố những ý tưởng, cơ hội hợp tác giữa hai nước.
Khi đi du lịch và tham quan các địa phương, tôi nhận thấy, Việt Nam sở hữu rất nhiều tiềm năng để phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp. Israel có nhiều hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực này và có thể mang đến cho nông dân Việt Nam những công nghệ mới hoặc các loại ngũ cốc mới.
Tại Ne’ot Hovav, các công ty nông nghiệp đã tận dụng lợi thế của một khu công nghiệp và các ngành liên quan để phát triển các giải pháp giúp bảo vệ thực vật. Điều này chứng minh rằng, chúng ta có tạo cơ hội và bắt đầu tiếp cận từ cấp độ người nông dân để phát triển ngành nông nghiệp.
Khi đến các vùng như Gia Lai, Đắk Lắk, tôi thấy có rất nhiều cơ hội để phát triển kinh tế tuần hoàn vì nông dân rất tài năng, trẻ và có động lực. Chúng tôi có thể làm việc với những người này và có thể chia sẻ ý tưởng trực tiếp với những người nông dân hay các doanh nghiệp kinh doanh. Và VIFTA có thể được xem là sợi dây gắn kết giúp hai nước trong lĩnh vực này.
Dự định Tết Nguyên đán năm nay của ông và gia đình thế nào?
Năm nay, tôi và gia đình sẽ đón Tết Nguyên đán ở Việt Nam và sẽ đến thăm miền Trung. Đây là cái tết thứ hai của tôi tại Việt Nam. Tuy nhiên, Tết Nguyên đán Giáp Thìn ý nghĩa và trọn vẹn hơn khi tôi đã trải qua cả một năm công tác và sinh sống tại đất nước này.
Nhìn lại một năm vừa qua, Việt Nam và Israel đã đạt được các kết quả đáng tự hào như ký FTA sau 7 năm đàm phán, có các chuyến thăm tốt đẹp, gặt hái được nhiều “trái ngọt” hợp tác hai bên.
Nhân dịp năm mới, tôi xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới độc giả Báo Thế giới và Việt Nam và chúc Việt Nam một năm con Rồng vui vẻ, thịnh vượng, hiệu quả.
Đại sứ quán Israel mong muốn sẽ tiếp tục duy trì tình hữu nghị tốt đẹp và phát triển mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, bao gồm giao lưu nhân dân, kinh tế, giáo dục, văn hóa và đổi mới sáng tạo.
Xin cảm ơn Đại sứ!