TUẦN HOÀN VỚI NÔNG NGHIỆP XANH
Từ những lần thất bại trong canh tác nông nghiệp, đặc biệt đối với cây hồ tiêu, nông dân Bình Phước đã tìm ra hướng đi mới, đó là mô hình KTTH kết hợp nuôi dê và trồng hồ tiêu. Toàn tỉnh hiện có khoảng 13.800 ha tiêu, trong đó hơn 2/3 diện tích trồng bằng nọc sống, tạo thuận lợi cho phát triển mô hình trồng tiêu kết hợp nuôi dê. Điều này góp phần không nhỏ vào bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế – xã hội. Bình Phước hiện có khoảng 157.000 con dê và chăn nuôi dê đang mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao, bởi chi phí thấp, thức ăn cho dê chủ yếu là cây cỏ và tận dụng phế – phụ phẩm nông nghiệp. Theo tính toán, 1 con dê sinh sản có thể cho thu nhập từ 8-10 triệu đồng/năm.
Lá keo từ các trụ tiêu được ông Phan Kim Toàn tận dụng để chăn nuôi dê
Hợp tác xã chăn nuôi dê xã Thanh Phú, thị xã Bình Long có 14 thành viên với đàn dê hơn 500 con. Đây là nguồn thu chính cho người nông dân khi hồ tiêu rớt giá. Để giữ diện tích hồ tiêu, nhiều hộ đã trồng xen cỏ, tận dụng lá cây keo, anh đào từ các trụ tiêu làm nguồn thức ăn phát triển đàn dê, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Phân dê dùng bón cho cây tiêu, vừa giảm chi phí vừa giảm ô nhiễm môi trường và cây phát triển bền vững.
Nhờ thu nhập ổn định từ nuôi dê, các thành viên hợp tác xã tiếp tục quay lại chăm sóc và canh tác cây tiêu. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, đây là cứu cánh cho nông dân địa phương trong lúc giá tiêu xuống thấp. Ông NGUYỄN VĂN ĐỨC, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi dê xã Thanh Phú |
Trồng hơn 1 ha hồ tiêu bằng trụ sống, gia đình ông Phan Kim Toàn ở ấp Thanh Hải, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long đã chọn nuôi dê để cải thiện kinh tế. Ông Toàn nuôi dê đã 10 năm, trong chuồng lúc nào cũng có 40 con dê sinh sản. Trung bình mỗi năm ông xuất bán hơn 2 tấn dê thương phẩm, thu về khoảng 300 triệu đồng. Ngoài ra, phân dê đã qua xử lý dùng bón cho vườn tiêu, giúp cây phát triển tốt và giảm chi phí đầu tư. Nguồn thu nhập kép từ mô hình KTTH đã đem lại cho gia đình ông cuộc sống khá giả.
Không chỉ nuôi dê, mô hình nuôi heo theo KTTH vườn – chuồng cũng được nhiều nông dân trong tỉnh áp dụng. Với 20 con heo nái, 6 con heo đực làm giống, mỗi năm gia đình ông Nguyễn Văn Tằm ở thôn 2, xã Long Bình, huyện Phú Riềng xuất bán hơn 200 con heo thịt. Để không bị ô nhiễm môi trường, ông xây hầm biogas xử lý chất thải. Gas thì phục vụ nấu nướng cho gia đình, còn chất thải chăn nuôi sau khi xử lý dùng bón cho hơn 2 ha điều, cà phê và cây ăn trái. “Việc tự ủ phân hữu cơ giúp các nông hộ giảm chi phí mua phân bón hóa học xuống còn 10-40%. Nhờ giảm thiểu phân hóa học đã giúp cải tạo, làm đất tơi xốp hơn, qua đó hạn chế sâu bệnh, cây trồng phát triển tốt” – ông Tằm chia sẻ.
Tận dụng các phế – phụ phẩm nông nghiệp, nguồn phân từ chăn nuôi dê, heo để bón cho cây trồng giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, từ đó giảm giá thành sản xuất, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm. Đây cũng là những mô hình KTTH đang được nhiều nông dân trong tỉnh áp dụng, phù hợp chủ trương sản xuất nông nghiệp xanh của tỉnh để tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững và hiệu quả.
GIẢI QUYẾT MỐI QUAN HỆ GIỮA KINH TẾ VỚI MÔI TRƯỜNG
Với diện tích khoảng 151.900 ha điều, sản lượng 243.000 tấn/năm, Bình Phước được biết đến là thủ phủ điều của Việt Nam. Hiện trên địa bàn tỉnh có 4 vùng chuyên canh điều tập trung ở các huyện Bù Đăng, Phú Riềng, Bù Gia Mập và Đồng Phú. Ngoài diện tích và sản lượng lớn, Bình Phước còn là nơi sản xuất, kinh doanh điều sôi động nhất cả nước với khoảng 2.793 cơ sở chế biến, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, tổ hợp sản xuất, trong đó có 170 cơ sở chế biến sâu.
Vỏ hạt điều trước đây là phế thải, nay đã được xử lý thành nhiên liệu quý trong lĩnh vực công nghiệp
Trong quy trình sản xuất nhân hạt điều thường phát sinh lượng lớn rác thải từ vỏ điều. Trước đây, vỏ hạt điều được coi là rác thải phải đốt bỏ, gây ô nhiễm môi trường vì lượng khói thải chứa nhiều chất độc hại, ảnh hưởng sức khỏe con người. Từ thực tế đó, một số doanh nghiệp đã nhập máy móc xử lý vỏ hạt điều bằng phương pháp ép lấy dầu. Dầu vỏ điều là nguồn nguyên liệu quý trong lĩnh vực công nghiệp, như: sản xuất sơn, chất chống gỉ sét, keo dán, bột ma sát làm bố thắng xe máy, ôtô… Hiện Bình Phước có khoảng 30 nhà máy ép dầu từ vỏ hạt điều, tập trung nhiều nhất ở thị xã Phước Long và huyện Phú Riềng.
Ông Bùi Hữu Phước, Giám đốc Công ty TNHH chế biến nông sản Phước Thành ở phường Phước Bình, thị xã Phước Long cho biết: Tôi đầu tư xây dựng nhà máy ép dầu từ vỏ hạt điều năm 2011. Ban đầu chỉ có 6 máy ép, đến nay đã nâng lên 40 máy. Hiện mỗi ngày nhà máy tiêu thụ gần 1.500 tấn vỏ hạt điều thu mua từ các công ty chế biến hạt điều trong tỉnh. Cứ 1 tấn vỏ hạt điều sản xuất ra 230kg dầu, phần còn lại sau khi ép được tận dụng làm chất đốt, thay thế than đá. Hiện hạt điều sau khi đưa vào chế biến thì không phải bỏ đi bất cứ thứ gì, hạt làm thực phẩm, vỏ ép dầu và làm chất đốt phục vụ tái sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Rác thải đầu ra của ngành điều trở thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác.
Đối với trái điều, Trung tâm Khoa học và Công nghệ tỉnh đang phối hợp Trường đại học Nguyễn Tất Thành (TP. Hồ Chí Minh) thực hiện Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất thực nghiệm các sản phẩm có giá trị gia tăng từ thịt quả điều tại tỉnh Bình Phước”. Mục tiêu của dự án là chế biến trái điều tươi thành mứt điều, bột dinh dưỡng và nước giải khát. Nếu đề tài thành công sẽ góp phần tăng thu nhập cho người trồng điều. Như vậy, cây điều, trái điều, hạt điều, vỏ hạt điều sẽ được tái sản xuất một cách tuần hoàn, mang lại kinh tế cao.
KTTH là mô hình khép kín, từ khâu khai thác tài nguyên – sản xuất – phân phối – tiêu dùng – khôi phục… luôn có sự gắn kết với nhau. Trong nông nghiệp, công nghiệp, KTTH được xác định có vai trò vô cùng quan trọng theo một chu trình khép kín, chất thải và phế – phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng công nghệ, tiến bộ khoa học – kỹ thuật. |
Tại Bình Phước, việc chuyển đổi sản xuất, kinh doanh sang KTTH là một mô hình ưu việt không chỉ tạo ra lợi nhuận mà còn giải quyết những vấn đề về môi trường, góp phần phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững. Thực hiện phát triển KTTH gắn với công nghệ cao, chuyển từ thế giới thực sang thế giới số sẽ là cơ hội lớn nâng cao hiệu quả tăng trưởng so với cách thức tăng trưởng trước đây. Song để triển khai KTTH có hiệu quả, cần sự vào cuộc, hỗ trợ mạnh mẽ hơn của các cơ quan nhà nước.